Ở miền quê xứ Quảng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những ngôi nhà cổ bằng gỗ mà ta quen gọi là nhà rường nằm ẩn mình trong vườn cây rượi mát, cây lá sum suê. Kiến trúc ấy được dựng nên bởi những người thợ tài hoa của hai làng thợ mộc nổi tiếng trước đây: Kim Bồng và Văn Hà... Trong đó, thợ mộc Văn Hà tạo nên những nét chạm trổ tài hoa ở các ngôi nhà rường ở phía nam Quảng Nam.
Đình Chiên Đàn (Phú Ninh), công trình có sự tham gia xây dựng của thợ làng Văn Hà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Lai lịch làng nghề
Làng mộc Văn Hà xưa kia thuộc tổng Chiên Đàn; đến thời nhà Nguyễn thuộc tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, gồm 2 làng Văn Hà và Văn An; trước năm 1975 thuộc thôn 4, xã Kỳ Bình; nay thuộc thôn Văn Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh. Theo các vị cao niên trong làng, ông tổ của nghề mộc Văn Hà có gốc gác từ Thanh - Nghệ di cư vào (có một ít người lúc đầu vào sinh sống ở những làng kề cận như: Tuần Dưỡng, An Mỹ Tây…) rồi sau đó mới về định cư tại đây. Cũng theo các vị cao niên, các bậc tiền hiền, tiền nhân của làng đến khai cơ, lập nghiệp vào thời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15). Lúc mới di cư vào, đa số người làng tập trung sinh sống tại Quán Rường (Tam Đàn, Phú Ninh). Làng này khi mới khai canh, dân cư không nhiều, gồm các tộc họ: Đinh, Nguyễn, Trần, Phạm, Võ… Họ Đinh đến trước, nhưng không hiểu nguyên nhân nào mà ở làng nhiều người cho là: tiền hiền họ Nguyễn, hậu hiền họ Đinh, tính đến nay đã trải qua hơn 13 đời.
Ngày ấy, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người làm nghề mộc của làng phải ly hương, tìm kiếm việc làm ở những địa phương khác. Tuy những bậc tiền nhân đã bắt đầu khai phá ruộng đất để cày cấy, nhưng vẫn coi nghề mộc là chính, việc đồng áng đều do người phụ nữ lo toan. Những người thợ tài hoa vào thời ấy phải kể đến cụ Đinh Văn Khóa, Đinh Luyện, Nguyễn Hòe, Trần Huy… Điều khó khăn nhất của người thợ Văn Hà lúc ấy là lập nghiệp trên một miền quê xa xôi, hẻo lánh, không có điều kiện sinh hoạt gần gũi nơi phố hội, không được giao tiếp với những thị dân như Kim Bồng (Hội An). Tuy vậy, những người làm nghề mộc Văn Hà cũng biết tạo ra cho mình một “chỉ dấu” khác những người làm nghề nơi khác, cụ thể là họ tập trung vào những nét chạm trổ tỉ mỉ trên các sản phẩm gia dụng và những nét chạm khắc thanh thoát cùng với việc sửa đổi, thêm thắt một số chi tiết vào cấu kiện nhà rường.
Buổi đầu gian khó
Những người thợ Văn Hà ngày ấy - những di dân đến từ các tỉnh Thanh – Nghệ, đã dựng làng trên một miền quê với gò đồi xen kẽ với các bàu nước xung quanh. Tuy nhiên, làng quê dân dã ấy không giàu có để có thể nhà nào cũng có điều kiện cất nhà rường hay đóng các vật dụng trong nhà. Do vậy để có thể duy trì nghề và nuôi sống gia đình, hàng năm khoảng vào ngày rằm tháng Giêng, những trai tráng trong làng lại bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để đi làm ăn khắp nơi trong tỉnh từ vùng ven biển, đồng bằng đến miền núi và thậm chí cả các vùng kế cận thuộc tỉnh Quảng Ngãi nếu được mời...
Hành trang gọn nhẹ, cơ động gồm bộ đồ nghề mộc khoảng độ 20 - 30 chiếc, bao gồm cưa, rìu, đục, chàng, khoan... và vài bộ quần áo được xếp gọn trong một thùng gỗ nhỏ gọi là thùng đục. Họ chia thành từng tốp thợ và phân chia nhau đi khắp các vùng quê, tốp lên vùng núi, tốp xuống biển, tốp ở đồng bằng sao cho khỏi... đụng nhau. Theo yêu cầu của những chủ nhân, những tộc, họ..., những người thợ miệt mài cùng nhau dựng lên những ngôi đình, ngôi từ đường hay những ngôi nhà gỗ, đóng những chiếc bàn, chiếc ghế, bàn thờ, tủ thờ… vừa đẹp mắt, vừa chạm khắc tinh xảo theo đúng kiểu dáng và yêu cầu của chủ nhân. Họ có tài khắc chạm trên những tránh (trính), xà, trỏng quả, gia thu… bằng gỗ của những ngôi đình, nhà thờ, nhà ở với những hoa văn trang trí, những kiểu dáng cầu kỳ, sắc sảo nhưng vẫn mang nét dân dã, đậm chất chân quê... nên rất được ưa chuộng. Do đó, quanh năm suốt tháng những người thợ Văn Hà luôn có việc để làm và thường xuyên phải sống xa nhà.
Danh tiếng vang xa
Khoảng từ ngày 20 đến 25 tháng 12 âm lịch hằng năm, không hẹn nhưng những người thợ Văn Hà làm việc ở các vùng khác nhau tạm ngưng công việc, rủ nhau về quê, sắm sửa, giỗ chạp tổ nghề, tiền nhân và cùng gia đình vui xuân đón tết đến hết rằm tháng Giêng thì lại khăn gói chuẩn bị đi làm lại. Cứ thế, hết năm này đến năm khác, những chuyến làm ăn xa nhà của họ cứ lặng lẽ diễn ra như một phần tất yếu trong cuộc mưu sinh. Tài nghệ và danh tiếng của họ nhờ thế mà được biết đến nhiều hơn và dĩ nhiên càng ngày càng có nhiều người giàu có đặt họ dựng nhà rường hay đóng những đồ gỗ gia dụng. Đã có nhiều thế hệ nối tiếp nhau theo kiểu cha truyền con nối, người lớn tuổi nhiều kinh nghiệm, tay nghề cao truyền thụ cho lớp hậu sinh mới vào nghề trong những chuyến làm ăn xa nhà như thế...
Thợ Văn Hà xưa kia đa số là những người thợ mộc đi làm xa, tay nghề điêu khắc, chạm trổ thuộc loại điêu luyện, tinh xảo thêm vào tiền bạc lúc nào cũng dư dả, có đồng ra đồng vào hơn so với làm nông do công xá được chủ nhà trả hậu hĩnh có khi còn được thưởng thêm, nên trước đây trai tráng thợ mộc làng Văn Hà rất “có giá”, là niềm mơ ước muốn được lấy làm chồng của các cô gái trong vùng...
Hiện nay, ở Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước… vẫn còn khá nhiều những công trình nhà gỗ do thợ làng Văn Hà xưa kia tham gia xây dựng hay sửa chữa như Khổng Miếu, đình Chiên Đàn (2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia) đình Phương Hòa, đình Mỹ Thạnh (2 di tích xếp hạng cấp tỉnh) ở Tam Kỳ; nhà cổ của ông Nguyễn Huỳnh Anh (di tích xếp hạng cấp tỉnh), Đồng Viết Mão, Trần Khiêm, Nguyễn Đình Mẫn... ở xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Những công trình này là minh chứng cho sự tài hoa khéo léo của người thợ Văn Hà xưa kia.
AN TRƯỜNG