Nếu những cồn sò điệp Bàu Dũ (Quảng Nam) đã làm lộ diện đặc trưng văn hóa cồn bàu, thì những di cốt người tiền sử khai quật trong thời gian qua nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của xã hội hiện diện cách chúng ta hơn 5.000 năm. Với những chỉ dấu để lại, hậu thế hình dung về họ như thế nào?
Cụm di cốt người cổ, hộp sọ và hình ảnh di chỉ Bàu Dũ trong đợt khai quật năm 2014, trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.Ảnh: H.X.H |
Tiền nhân hiển lộ
Đầu tháng 6.2018, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học) đã chia sẻ với chúng tôi thông tin đầy đủ về di cốt người cổ ở Bàu Dũ, kể từ sau đợt khai quật hồi năm 2014. Đây là lần khai quật thứ 2 sau 30 năm kể từ khi cố GS.Trần Quốc Vượng trực tiếp khai quật tại di chỉ đặc biệt này (năm 1984), và được nhà nhân chủng học hàng đầu Việt Nam Nguyễn Lân Cường tham gia phục dựng những di cốt. Ở đợt khai quật lần thứ 2, có 6 cụm di cốt người cổ được phát hiện, trong đó có di cốt còn nguyên hộp sọ và một số xương chi, đốt sống. Sau đó không lâu, từ cuối tháng 3.2015, sọ người cổ do PGS-TS. Nguyễn Lân Cường phục chế chính thức “ra mắt” hậu thế, tại không gian trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Quảng Nam. Niên đại di chỉ Bàu Dũ được các nhà khoa học xác định ở vào khoảng 5.030 +/- 60 năm trước Công nguyên, và Bàu Dũ xếp thành một loại hình riêng nằm ở bước chuyển, gọi là “đá mới sau Hòa Bình”.
Trong 6 di cốt mộ táng khai quật hồi cuối năm 2014, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường dành sự quan tâm đặc biệt để phân tích di cốt khai quật từ mộ táng đầu tiên nằm trong lớp sò điệp ở độ sâu 1,56m, có lẽ do mộ táng này xương sọ còn gần như nguyên vẹn, chỉ thiếu một phần của xương hàm bên trái. Đó là những di cốt từng được chôn theo tư thế ngồi bó gối, một dạng mai táng chủ yếu của cư dân văn hóa Hòa Bình, Quỳnh Văn và Đa Bút. Cụ thể hơn, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường nhận ra cả 6 cá thể (từ 6 cụm di cốt) đều là người trưởng thành và nhận rõ 1 nữ (có sọ nguyên vẹn), 1 nam; 4 trường hợp còn lại không đủ yếu tố để xác định giới tính. Riêng một cá thể có thể đo đếm được chiều cao là 1,47m. Thú vị hơn, với 4 răng cửa hàm dưới đã được nhổ tại hộp sọ nguyên vẹn của một mộ táng, các chuyên gia nhận ra tục nhổ răng cửa. Đây cũng là phong tục của cư dân trong văn hóa Phùng Nguyên sau đó ở miền Bắc đã được ông nghiên cứu. Phong tục này cũng thấy trong các di chỉ khảo cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác của châu Đại dương. PGS-TS. Nguyễn Lân Cường nhận định sọ cổ Bàu Dũ của người nữ gần nhất với những sọ cổ thuộc văn hóa Hòa Bình (vốn có niên đại cách chúng ta trên dưới 10.000 năm).
Đặc tả về người xưa
Còn nhớ, ngay từ trước khi hoàn chỉnh bản báo cáo nghiên cứu về 6 cụm di cốt này, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều nhận định thú vị. Ông tỏ ý ngạc nhiên về tục nhổ răng cửa hàm dưới và nhận ra chủ nhân di cốt là một người khá trẻ, thậm chí tuổi thọ chung của người cổ Bàu Dũ cũng không cao (độ 40 - 50 tuổi). Cũng chính ông, cách đây hơn 30 năm, từng tranh luận gay gắt về nguyên nhân hình thành cồn sò điệp thuộc loại hình di chỉ Bàu Dũ này, và cho đến bây giờ vẫn bảo lưu quan điểm. Lúc đó, ông phản đối kiến giải của một nhà nghiên cứu khi cho rằng cồn sò điệp hoàn toàn do con người tạo nên. Bởi theo ông, đúng ra, những cồn sò điệp mà người tiền sử từng cư ngụ phải kết hợp cả 2 yếu tố: đầu tiên do thiên nhiên tác động (sóng cuốn tạo thành cồn), sau đó con người mới tìm đến. Ông chứng minh điều này bằng những dấu hiệu thu nhận từ chính các hố khai quật, với dấu hiệu sò điệp chết tự nhiên, xen lẫn các công cụ rìu đá trong đống vỏ sò…
Một hố khai quật tại di chỉ Bàu Dũ. Ảnh: MAI HỒNG LÂM |
Thú vị hơn, với 6 cụm di cốt người cổ cùng với nhiều hiện vật đá, chuyên gia nhân chủng học nhận ra người cổ ở Bàu Dũ sử dụng đồ ăn tươi sống nhiều, khoảng 25 - 30 tuổi răng đã mòn. Trên xương hàm dưới của một di cốt, các phân tích hiện đại đã phát hiện người cổ từng… viêm ổ răng ở giữa răng cối nhỏ 1 chớm vào răng cối nhỏ 2 bên trái, tạo thành hố sâu. Đây là trường hợp viêm ổ răng rất nặng. Các chuyên gia khai quật cũng từng đánh giá người cổ Bàu Dũ rất chú trọng việc chôn người chết, có cả đồ “tùy táng” gồm những công cụ từng được họ sử dụng khi còn sống. Riêng tục chôn bó gối tại di chỉ Bàu Dũ đã khiến PGS-TS. Nguyễn Lân Cường liên hệ đến câu khấn của một số bộ tộc ở châu Phi khi chôn cất theo kiểu này: “Mong người không quay trở về để làm hại chúng tôi”.
Địa điểm khảo cổ học Bàu Dũ có vị trí quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học lẫn nhân chủng học đến như vậy, nhưng như mọi người đã từng nghe kể, manh mối của nền văn hóa cồn bàu ấy chỉ được phát lộ không thể bất ngờ hơn: người dân địa phương xúc sò điệp về nung vôi bón ruộng. Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, người đầu tiên tham gia khảo sát Bàu Dũ năm 1982, kể rằng hồi ấy, đây chỉ là gò đất thấp ở xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) với vỏ sò điệp lộ thiên chất thành đống. Run rủi sao, ông Lê Văn Chỉnh (công tác ở Phòng bảo tồn trưng bày, Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) nhà ở gần khu vực này biết chuyện người dân xúc sò điệp nung vôi, đến xem phát hiện nhiều hòn đá đẹp và vỏ ốc chặt đuôi, sò điệp… nên đề nghị khảo sát. Năm 1983, ông Tịnh và ông Chỉnh còn đào thám sát thêm lần nữa, trước khi chính thức mời Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật khảo cổ vào năm 1984, với sự vào cuộc của một chuyên gia uy tín khác: GS.Trần Quốc Vượng. Theo ông Tịnh, chính GS.Trần Quốc Vượng là người đã dùng thuật ngữ rất hay khi nhận định về di chỉ Bàu Dũ, là “đá mới trước gốm”, tức thời đại đá mới trước khi có đồ gốm.
Sau này, khi viết chuyên luận Đô thị cổ Việt Nam (in lại trong cuốn Trong cõi, NXB Hội Nhà văn - 2014), GS.Trần Quốc Vượng có dịp đánh giá thêm về “vị trí” của văn hóa cồn bàu. Theo ông, về mặt tiền sử, miền Bắc vốn có đặc trưng văn hóa hang động hay văn hóa thung lũng (Hòa Bình - Bắc Sơn vạn năm về trước), thì miền Trung và Bình Trị Thiên lại đặc trưng bằng văn hóa cồn bàu (cồn sò điệp nằm ở bờ biển cổ, bên trên là các bàu nước ngọt, từ Cầu Giát - Quỳnh Lưu xứ Nghệ qua Bàu Khê, Bàu Tró đến Bàu Dũ của xứ Quảng). Vô đến miền Nam đã là “không gian” khác, thời đại đá, văn hóa đồi - gò, chân rìa cao nguyên Thượng.
Thật may mắn khi chúng ta “gặp” tiền nhân sống cách đây hơn 5.000 năm, để cảm nhận được dòng thời gian thăm thẳm. Và ngay trên nước non xứ Quảng, vài nghìn năm trước, vùng gò đồi bây giờ từng hiện diện bờ biển cổ, nơi có những tiền nhân cư ngụ. Để vệt Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành “quê hương đích thực của văn hóa Sa Huỳnh” (chữ dùng của GS.Trần Quốc Vượng), chính những người tiền sử của vùng văn hóa cồn bàu ấy đã từng in dấu trước đó…
HỨA XUYÊN HUỲNH