Người "xếp" ốc biển thành tranh

CÔNG THÀNH - THÁI HÙNG 22/02/2014 09:31

Ở phố cổ Hội An có một loại hình nghệ thuật rất độc đáo được du khách trong và ngoài nước thích thú đón nhận, đó là tranh ốc nghệ thuật. Bằng tài năng và lòng yêu nghề, ông Lữ Ngọc Năm đã biến những vỏ ốc vô hồn thành những bức tranh đa dạng, đặc sắc.

Độc đáo tranh ốc

Năm 2004, làng tranh nghệ thuật đón nhận thêm một loại tranh mới được tạo nên từ những vật liệu đơn giản gồm vỏ ốc, keo dán… do ông Lữ Ngọc Năm, ở số nhà 53/10 Phan Châu Trinh, TP.Hội An sáng tạo nên.

Ông Lữ Ngọc Năm và tác phẩm “Chùa Cầu” bằng vỏ ốc từng được hỏi mua với giá hơn 40 triệu đồng.Ảnh: Thái Hùng
Ông Lữ Ngọc Năm và tác phẩm “Chùa Cầu” bằng vỏ ốc từng được hỏi mua với giá hơn 40 triệu đồng.Ảnh: Thái Hùng

Từ những vỏ ốc bị bỏ đi, qua tay ông Năm hình thành nên những bức tranh đẹp, sống động và có hồn. Cho đến nay, hàng trăm bức tranh lớn nhỏ bằng vỏ ốc của ông đã được nhiều du khách trong và ngoài nước mua làm quà tặng hoặc trang trí cho ngôi nhà của mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Năm kể về cái duyên của mình với tranh ốc nghệ thuật: “Một lần tình cờ đi dạo trên bờ biển thấy một loạt ốc nằm sắp xếp như những bức tranh, tôi bị hút hồn vào đó. Lượm một số vỏ ốc về nhà, tôi bắt đầu sắp xếp chúng theo những bức tranh mình từng vẽ và thấy có nét đẹp rất độc đáo. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm tranh từ vỏ ốc”.

Những bức tranh độc đáo từ vỏ ốc của ông Lữ Ngọc Năm.
Những bức tranh độc đáo từ vỏ ốc của ông Lữ Ngọc Năm.

Qua nhiều tháng nghiền ngẫm làm tranh ốc, ông Năm dần dần hoàn thiện cách làm tranh từ việc chọn, xử lý vỏ ốc và ghép ốc thành tranh. Theo ông, để có được những bức tranh đẹp cần phải chọn được nhiều loại ốc đủ kích cỡ và màu sắc. Sau khi chọn được vỏ ốc, công việc xử lý mùi cho nó cũng vô cùng quan trọng. Ông nói: “Vỏ ốc có mùi rất khó chịu nên nếu không xử lý kỹ thì coi như bức tranh hỏng”. Ông Năm cũng từng phải bỏ đi rất nhiều bức tranh trong giai đoạn đầu thử nghiệm do tranh... bốc mùi khó chịu. Ông cho biết, để khử mùi của vỏ ốc, trước hết cần làm sạch, ngâm nước một thời gian, sau đó sấy khô và ủ khoảng một năm mới có thể sử dụng được. Hiện tại, trong nhà ông vẫn còn giữ hơn một tấn vỏ ốc đã qua xử lý.

Ghép tranh ốc, theo ông Năm đó vừa là thú tiêu khiển, vừa là công việc sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng theo ông, việc ghép tranh ốc đòi hỏi người làm ngoài sự sáng tạo cần có tính kiên trì, nhẫn nại và tỉ mỉ. Sau khi đã có nguyên liệu vỏ ốc, người làm tranh ốc phải biết vẽ tranh để rồi chọn ốc và ghép theo bức tranh mình đã vẽ. Ông Năm thường vẽ tranh lên vải trắng nẹp bằng khung gỗ và rồi tỉ mẫn ghép từng vỏ ốc bằng keo dán giày. Hàng trăm bức tranh với nhiều kích cỡ đã ra đời từ đôi bàn tay tinh tế và sự khéo léo của ông Năm.

Trăn trở...

Năm 2005, ông Lữ Ngọc Năm được Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện tranh ốc nghệ thuật. Các sản phẩm tranh ốc của ông đã đến với nhiều nước trên thế giới. Hiện tại ông đang sở hữu tác phẩm “Chùa Cầu” cao gần 2m, rộng 2,5m khiến du khách tham quan nể phục và thích thú.

Khi nói đến việc truyền nghề tranh ốc nghệ thuật cho thế hệ trẻ, ông Năm thoáng chút buồn. Ông kể, khi tranh của ông được nhiều du khách mua với giá cao tại các hội chợ và các cuộc triển lãm tranh thì cũng có nhiều người đến xin học. Vì là một người đam mê nghệ thuật, hơn nữa với điều kiện của mình ông tận tâm chỉ dạy cách làm tranh một cách miễn phí. Ông chỉ mong có người theo gót ông đưa tranh ốc trở thành một nghề, hoặc hơn thế có thể trở thành một làng nghề độc đáo ở thành phố du lịch Hội An. Tuy nhiên, đa số học trò của ông lúc đó đều không kiên trì cùng thầy với nghề tranh ốc. Bởi, khi nhìn những bức tranh sẽ nghĩ đơn giản có thể tạo nên được, nhưng khi bước vào làm thì vô cùng khó khăn. Mặc dù ông Năm cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để giúp học trò của mình. Ông đã tự phác họa nhiều bức vẽ và chọn ốc cho các học trò ghép thành tranh, nhưng khâu ghép tranh đòi hỏi tính kiên trì và sự tỉ mỉ quá cao đã khiến các học trò của ông đều bỏ cuộc.

“Tôi thực sự lo lắng cho số phận của loại hình nghệ thuật mà tôi đã sáng tạo ra. Bởi tranh ốc là đứa con tinh thần mà khó khăn lắm tôi mới hoàn thiện phương cách sáng tác như hiện nay. Nếu nó thất truyền thì thật là một điều đáng buồn đối với riêng bản thân tôi và đối với những vỏ ốc đang bị bỏ đi” - ông Năm ưu tư.

CÔNG THÀNH - THÁI HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người "xếp" ốc biển thành tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO