Nguồn lực cho tăng trưởng xanh

TRẦN HỮU 07/02/2016 15:13

Quảng Nam đang dành nguồn lực đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế trên cơ sở xanh hóa các hoạt động sản xuất.

Từ công nghiệp sạch

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh tiến hành sàng lọc các dự án để chọn lựa các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, nhanh chóng nâng cao năng suất và cạnh tranh thị trường. Điển hình, các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên... chỉ mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp nhẹ, ít ô nhiễm môi trường như dệt, may; công nghiệp có kỹ thuật cao như lắp ráp, sản xuất hàng điện dân dụng, vật liệu điện, công nghiệp chế biến lương thực. Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai gần đây phần lớn là ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp cơ khí, sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, da giày...

Ngành trồng trọt đang xanh hóa sản xuất.
Ngành trồng trọt đang xanh hóa sản xuất.

Để thu hút đầu tư, nhiều địa phương có cơ chế thông thoáng như miễn thuế, ưu đãi giá thuê đất. Sở Công Thương đang nỗ lực đặt chỉ tiêu hướng đến ngành công nghiệp không khói; bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo môi trường và lựa chọn công nghệ sạch. Công nghiệp sạch đã hình thành theo quy hoạch từng vùng, như lĩnh vực dệt may tập trung ở TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn; da giày (Tam Kỳ, Đại Lộc, Thăng Bình) và các cơ sở sản xuất linh kiện điện tử (Núi Thành).

Những năm gần đây, ngành trồng trọt thường khuyến cáo sử dụng cách thức sản xuất lúa nước thân thiện với môi trường. TRONG ẢNH: Cánh đồng lúa ở vùng cao Tây Giang vào mùa thu hoạch.
Những năm gần đây, ngành trồng trọt thường khuyến cáo sử dụng cách thức sản xuất lúa nước thân thiện với môi trường. TRONG ẢNH: Cánh đồng lúa ở vùng cao Tây Giang vào mùa thu hoạch.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hướng đến tăng trưởng xanh, ngành đang rà soát quy hoạch phát triển ngành công nghiệp từ quan điểm phát triển bền vững, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thời điểm này, không ít doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; áp dụng phương pháp sản xuất sạch trong công nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục triển khai cuộc vận động thực hiện “Sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các hộ gia đình”; khuyến khích các sáng kiến tiêu dùng bền vững trong dân cư...

Quảng Nam thu hút các dự án đầu tư bằng công nghệ sạch để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.  Ảnh: H.PHÚC
Quảng Nam thu hút các dự án đầu tư bằng công nghệ sạch để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Ảnh: H.PHÚC

Đến nông nghiệp xanh

Từ thực trạng ô nhiễm nguồn nước biển gần bờ do sự cố tràn dầu và các phương tiện đánh bắt thải ra, ngành thủy sản đã cơ cấu lại tàu thuyền không phù hợp với ngư trường đánh bắt; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất và dịch vụ nghề cá nhằm giảm phát thải khí nhà kính để tiết kiệm nhiên liệu. Còn ngành trồng trọt các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn nhiều năm chủ trương thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ và phụ phẩm từ các cây trồng để hạn chế tối đa tình trạng đốt, vùi, gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng phân đạm để giảm phát thải trong canh tác lúa nước và cây trồng khác. Ở vùng ven sông ven biển, hàng trăm héc ta lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, bên cạnh nguồn tài trợ hơn 150 triệu USD của KOICA cho triển khai thí điểm 5 dự án, từng sở, ngành và địa phương đều có kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện tăng trưởng xanh, trong đó có giải pháp rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, dần hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.

Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, “xanh hóa” ngành nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất. Quan điểm xuyên suốt là dù tỉnh quyết tâm phát triển công nghiệp, nhưng vẫn coi trọng nông nghiệp - nông thôn. Bởi đây là lĩnh vực tổng hòa những lợi thế so sánh và lợi ích kinh tế - xã hội, mà trên hết là nâng cao năng suất, tạo giá trị gia tăng, giải quyết việc làm và giảm nghèo. Mặt khác, nông nghiệp - nông thôn là cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều nhà đầu tư đã đồng hành với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định.  

Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh của Quảng Nam có sự ủng hộ lớn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu thông qua thí điểm một số dự án. Thời điểm này, KOICA đã giúp đỡ thị xã Điện Bàn triển khai thí điểm dự án bảo tồn và phát triển cây tre; khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện bền vững điều kiện sống của cư dân đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Ngoài ra, KOICA còn tài trợ dự án cải thiện điều kiện canh tác và phát triển du lịch sinh thái các xã giáp với bờ tây sông Trường Giang (Thăng Bình); bảo tồn và phát triển hệ sinh thái hồ Sông Đầm (TP.Tam Kỳ) và dự án phát triển trồng cây giổi rừng với tổng vốn hơn 150 triệu USD. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu xác định, tăng trưởng xanh là mục tiêu, động lực mà tỉnh sẽ luôn theo đuổi. Trong các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trước mắt ưu tiên huy động mọi nguồn lực để giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn; đô thị hóa bền vững...

 TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn lực cho tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO