Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng: Giảm áp lực cho ngân sách

TRẦN HỮU 03/10/2014 09:25

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhìn nhận chính sách đã tạo nguồn tài chính ổn định, giảm áp lực cho ngân sách, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Lấy rừng nuôi rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT), qua 3 năm (2011 - 2013), tổng diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR trên cả nước khoảng 4,1 triệu héc ta, các địa phương đã giải ngân gần 1.400 tỷ đồng cho các chủ rừng nhận giao khoán bảo vệ 2,8 - 3,3 triệu héc ta rừng trên tổng số gần 14 triệu héc ta rừng của cả nước (chiếm 20 - 27%). Từ tiền hỗ trợ, người dân nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng. Tín hiệu lạc quan là từ khi triển khai chính sách này, cùng với chủ trương “đóng cửa” rừng nên tổng diện tích rừng bị phá năm 2013 giảm gần 60% so với thời điểm năm 2010. Mức thu nhập bình quân trong cả nước của mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ DVMTR trên dưới 2 triệu đồng/năm. Một số nơi, đơn giá chi vượt khung giá hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cao nhất là 450 nghìn đồng/ha/năm. Các tỉnh có mức thu nhập bình quân của gia đình cao như tỉnh Lâm Đồng trên 8 triệu đồng/hộ/năm, Bình Phước 7,2 triệu đồng, Kon Tum 5,7 triệu đồng, Quảng Nam mỗi hộ nhận bình quân 2 triệu đồng/năm. Các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, nơi có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động khẳng định, chính sách đã giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách.

Các nhà máy thủy điện có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng.  Ảnh: T.H
Các nhà máy thủy điện có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: T.H

Từ năm 2013, Chính phủ chủ trương tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, dẫn đến một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu từ khai thác rừng thì nguồn tiền DVMTR giúp cho các đơn vị khôi phục sản xuất, hỗ trợ công tác bảo vệ rừng hiệu quả. Từ năm 2011 đến hết tháng 8.2014, tiền DVMTR đã chi trả cho 43 công ty ở khu vực Tây Nguyên với 195,5 tỷ đồng. Nếu như nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp thì trong 2 năm gần đây nguồn DVMTR đạt bình quân 1.100 tỷ đồng/năm (chiếm tỷ trọng 22,3% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp). Tại Quảng Nam, tốc độ che phủ rừng đạt theo kế hoạch chính là nhờ nguồn DVMTR. Đột phá lớn nhất của chính sách, theo Sở NN&PTNT là ngoài việc tài nguyên rừng bất khả xâm phạm, người dân còn thoát nghèo bền vững, mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt dưới tán rừng tự nhiên. Phương châm lấy rừng nuôi rừng được cụ thể hóa.

Trách nhiệm của chủ rừng

Theo Bộ NN&PTNT, 3 năm (2011 - 2013), từ nguồn quỹ DVMTR, đến tháng 8.2014, cả nước đã thu được 3.329 tỷ đồng, chủ yếu là dịch vụ thủy điện thu trên 97%, nước sạch và du lịch chiếm gần 3%. Tổng diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR toàn quốc khoảng 4,1 triệu héc ta. Riêng tại Quảng Nam, đến nay có 827 nhóm hộ (15.991 hộ) được chi trả từ dịch vụ này với diện tích được bảo vệ hơn 153.882ha, số tiền giải ngân hơn 44,5 tỷ đồng theo 7 đề án được duyệt.

Ở Quảng Nam, thực tế trong thời gian qua, tình trạng phá rừng quy mô lớn tập trung vào khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng đặc dụng ở đầu nguồn thủy điện… Chủ rừng là các ban quản lý, nông lâm trường nắm giữ diện tích lớn trong khi năng lực quản lý, bảo vệ còn hạn chế nên dễ bị “chảy máu” tài nguyên. Thành công của DVMTR là giao khoán bảo vệ rừng lâu dài cho nhóm hộ; người dân được hưởng lợi là lực lượng đông đúc “gác cổng rừng”; các hành vi xâm hại rừng được phát hiện, xử lý kịp thời. Kết quả nghiệm thu rừng trong phạm vi chi trả DVMTR cho thấy, tình trạng khai thác lâm sản, phát rừng làm nương rẫy… giảm mạnh. Đặc biệt, trước “cơn sốt” giá ươi vừa qua ở các huyện miền núi của tỉnh, các hộ nhận khoán là lực lượng chủ lực truy đuổi, ngăn chặn các đối tượng triệt hạ vô tội vạ sản vật rừng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, DVMTR đã chuyển biến mạnh ở các địa phương miền núi, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng cho rằng, sắp đến cần thay đổi nhận thức của người sử dụng dịch vụ rừng, coi việc chi trả DVMTR là nghĩa vụ tài chính bắt buộc để góp phần bảo vệ, phát triển “lá phổi xanh”. Các chủ rừng trực tiếp hưởng lợi phải nâng cao vai trò trách nhiệm. Do vậy, các địa phương cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa trong rà soát, xác định rừng, chủ rừng, đối tượng sử dụng dịch vụ rừng cần chi trả, tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá và chế tài xử phạt. Về nhiệm vụ sắp đến, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các hợp đồng chi trả DVMTR đã ký, có biện pháp với những dự án thủy điện nhỏ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, nhất là xử lý nghiêm dự án cố tình chậm “trả nợ rừng”.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng: Giảm áp lực cho ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO