Những bến cát, sỏi mở ra chưa bàn đến chuyện được phép hoạt động hay không, song phương tiện chuyên chở đến bãi tập kết hoặc vận chuyển đi khắp nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông “kép” cả dưới nước và trên đường bộ. Muốn đưa cát về bến nằm ven các tuyến đường, chủ được cấp phép (hoặc khai thác “chui”) mỏ cát dưới lòng sông phải dùng ghe thuyền để hút, vận chuyển nguyên vật liệu. Trong quá trình đó, người thuê và được thuê luôn tận dụng tối đa sức chứa của phương tiện nhằm đạt khối lượng càng nhiều càng tốt. Có người lái, chủ ghe thuyền còn cơi nới trái phép thùng hàng, đến nỗi sóng tràn luôn vào sàn.
Thế mới có chuyện lực lượng chức năng kiểm tra 89 phương tiện vận chuyển cát, sỏi thì phát hiện 64 trường hợp chở quá tải, quá vạch mớn nước an toàn. Cạnh đó, một số phương tiện chưa được kiểm định về độ an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường vẫn hàng ngày đi lại, chở cát ra tận Đà Nẵng, xuôi theo con nước tỏa về các bến bãi. Không chỉ coi thường tính mạng của mình và gia đình (nhiều phương tiện có đầy đủ thành viên gia đình cư ngụ trên đó), hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng này trên sông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đó là chưa kể, trường hợp người lái “tay ngang” chưa có bằng điều khiển phương tiện trên luồng lạch dễ bị lạc tay lái va đâm vào công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa khác sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Xe ben chở cát gây hư hại nghiêm trọng cho đường sá vốn cấp đường thấp. Ảnh: S.C |
Còn ở trên bờ, cát tập kết từ bến bãi sẽ được chuyển đi khắp nơi, phục vụ các công trình xây dựng nhờ xe ben (xe tải có thùng). Lộ trình hoạt động phần lớn trên các trục đường chính gây nên nhiều phiền toái cho người dân địa phương và phương tiện đồng hành. Hơn ai hết, nhân dân và cán bộ xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) sinh sống ven quốc lộ 1 cũ hiểu rõ về hệ lụy nêu trên. Cát ướt đổ vào thùng xe ben. Nước theo khe hở chảy xuống mặt đường, “kéo” cát xuống theo. Gặp trời mưa, mặt đường bê tông nhựa có cát bám trên dễ trơn trợt. Càng nắng lên, xe chạy qua là bụi bay tứ tung gây ô nhiễm môi trường sống, hạn chế tầm nhìn khó đảm bảo an toàn.
Xót xa trước cảnh con cháu, cụ già ho hen và xe cộ té ngã, nhân dân lại bỏ công sức ra dọn vệ sinh. Tại Đại Lộc, cư dân đang gánh chịu áp lực từ lượng xe tải ben chở cát ra Đà Nẵng tăng đột biến. Ngoài thực trạng tương tự tại xã Điện Phương, 7 mỏ cát có phương tiện chuyên chở trên ĐT609B càng khiến cho đường sá xuống cấp nghiêm trọng. Tai nạn nhiều đến nỗi đoạn tuyến từ ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông được đặt là “đoạn đường đen”. Do kinh phí hạn chế, tỉnh chỉ mới cho “vá” từng điểm. Thiết nghĩ, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng liên quan và địa phương, nguy cơ tai nạn kép từ hoạt động nêu trên là khó tránh khỏi.
SÁU CÒI