Kế hoạch năm 2019 sẽ trả xong nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng liệu có khả thi? Số nợ chưa thể trả được này đã đẩy không ít doanh nghiệp lâm vào thế khó.
Đường dẫn cầu Cửa Đại đã hoàn thành, nhưng khái toán sơ bộ, chủ đầu tư vẫn còn nợ nhà thầu đến 170 tỷ đồng chưa thể hoàn trả. Ảnh: T.D |
Mắc nợ triền miên
Kế hoạch đầu tư năm 2017 và 2018 ngắn gọn trong nhiều chữ “không”. Chính quyền tuyên bố không quyết định chủ trương đầu tư dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch, không đúng trình tự, không đúng thẩm quyền, không cân đối được nguồn vốn đầu tư và không điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án trái quy định Luật Đầu tư công. Mọi kế hoạch đều hướng đến việc tập trung nguồn lực bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31.12.2014, ưu tiên thanh toán dứt điểm đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Không gia hạn tiến độ thi công đối với các dự án do ảnh hưởng của tiến độ giải phóng mặt bằng hoặc nhà thầu vi phạm các cam kết trong hợp đồng.
Quyết tâm có nhưng thực tế không đúng như dự định. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, sau 3 năm nỗ lực “thắt lưng buộc bụng”, số nợ hơn 3.772 tỷ đồng kể từ ngày 31.12.2014 đã được trả khoảng 2/3. Số liệu này là căn cứ để có thể hy vọng các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương sẽ tất toán được khoản nợ này vào năm 2019 một khi ngân sách địa phương dồi dào và không phát sinh thêm nợ mới.
Trong khi chưa thể hoàn tất việc trả nợ cũ, thì nợ mới lại gia tăng, bất chấp Luật Đầu tư công có hiệu lực. Theo một thống kê mới đây của Sở KH&ĐT, tính đến hết năm 2017, nợ khối lượng hoàn thành xây dựng cơ bản khoảng 1.956 tỷ đồng. Chính quyền đã bố trí thanh toán nợ trong kế hoạch vốn năm 2018 hơn 700 tỷ đồng. Số nợ còn lại hơn 1.250 tỷ đồng chưa biết tìm đâu ra vốn để trả nợ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ, chưa kể số nợ đầu tư có nhiều khả năng xảy ra trong năm 2018 vẫn chưa được thống kê, chưa biết bao giờ công bố con số chính xác thì “hành trình mắc nợ” vẫn cứ triền miên xảy ra.
Theo kế hoạch, năm 2018, Quảng Nam sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông, kết cấu hạ tầng trọng điểm chiến lược, mở rộng liên kết giao thông giữa vùng đông - tây, đô thị - nông thôn. Hiện dự án đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại vẫn đang tiếp tục được đầu tư vốn khớp nối đường ven biển và đường 129 kéo dài từ dốc Diên Hồng (Tam Kỳ) đến Chu Lai. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cảnh báo, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh năm 2018 không có nguồn vượt thu, tăng thu lớn như các năm trước sẽ dẫn đến nhiều công trình chuyển tiếp được dự kiến không đảm bảo cân đối so với nhu cầu và tiến độ thực hiện. Ông Đức đưa ra con số cụ thể là tổng nhu cầu ngân sách tỉnh cho các dự án đã triển khai 2.700 tỷ đồng, nhưng chỉ mới bố trí đến hết kế hoạch năm 2017 khoảng 1.323 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch vốn năm 2018 chỉ cân đối được 150 tỷ đồng.
Vòng luẩn quẩn
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói không phải thấy nợ mà sợ. Điều quan trọng là phải xác định, kiểm soát được số nợ cụ thể, kiểm soát được dòng tiền trả nợ. Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản để tạo một bức tranh ngân sách minh bạch và tính toán khuyết điểm này thuộc về ai. Không thể để nợ công ngày càng phình ra là điều không ổn.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, nợ đọng là một vấn đề được đặt lên hàng đầu của các nhà thầu. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ vẫn còn xảy ra do các chủ đầu tư luôn giữ lại một phần giá trị thanh toán (từ 5 - 10% giá trị từng đợt thanh toán, phần giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng) chờ đến khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành mới thanh toán giá trị giữ lại cho nhà thầu. “Có gói thầu của doanh nghiệp nhỏ chỉ thi công trong vài năm, nhưng khoản nợ đã lên cả trăm tỷ đồng, kể cả dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được nhận tiền. Doanh nghiệp chết đứng. Công nợ lớn đã dẫn đến sự thiếu hụt vốn sản xuất, kinh doanh. Số nợ đọng không chỉ khiến doanh nghiệp trở nên khó khăn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được” - ông Hiệp nói.
Quảng Nam không là biệt lệ. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã vẽ ra một cái vòng luẩn quẩn: chính quyền địa phương - chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản có vốn từ ngân sách nhà nước nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ tiền ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu… Thống kê trong gần 5 tháng qua, Quảng Nam có gần 500 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có đến 350 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giải thể hoặc thông báo tạm ngừng hoạt động. Trong số này có bao nhiêu doanh nghiệp vì không thể thu hồi được công nợ nhà nước mà phải lâm vào tình cảnh tệ hại? Chưa kể còn bao nhiêu doanh nghiệp lâm vào nợ xấu ngân hàng và nợ cả thuế! Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn cho hay hiện vẫn còn có đến 81 doanh nghiệp nợ thuế cung cấp hàng hóa, dịch vụ được thanh toán từ vốn ngân sách nhà nước nhưng doanh nghiệp chưa được thanh toán dẫn đến nợ thuế hơn 57,2 tỷ đồng. Cục Thuế đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố là chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thanh toán vốn cho nhà thầu trong thời gian sớm nhất để nhà thầu chuyển nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng từng cho rằng nếu không kiểm soát được nguồn, dòng tiền trả nợ, không xác định được cụ thể số nợ của doanh nghiệp để thanh toán dứt điểm thì sẽ có nguy cơ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản bởi không thể có nguồn vốn để tái sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam nói liệu có ai thử tính toán đầy đủ quy mô nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp. Nhà nước có nghĩ tới việc chuyển các khoản nợ của chính quyền với doanh nghiệp sang hình thức nhà nước nợ ngân hàng để cứu những doanh nghiệp không đáng chết vì kiểu nợ này?
TRỊNH DŨNG