Những thói quen xấu của người dân nông thôn như phơi rơm rạ, chăn thả gia súc tùy tiện trên đường giao thông đang khiến nguy cơ tai nạn ở khu vực này ngày càng gia tăng.
Cứ vào mùa gặt, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi rơm rạ và lúa sau vụ thu hoạch, gây ra nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trên tuyến đường Tam Kỳ đi Phú Ninh, đoạn qua xã Tam Đại, người dân phơi rơm, lúa dọc theo hai bên đường kéo dài hơn trăm mét, có đoạn chiếm đến 2/3 diện tích mặt đường. Thậm chí người dân còn dùng gốc cây, đá rải làm dấu và che chắn cho lúa. Khi được hỏi về nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi đường, một người dân địa phương trần tình: “Chúng tôi biết làm như vậy là không đúng nhưng vì không có sân phơi nên mới mượn tạm mặt đường để tranh thủ phơi. Ở thôn này, cứ đến mùa gặt là hầu như nhà nào cũng vậy, lâu ngày rồi người đi đường cũng quen…”.
Thả rông gia súc trên đường Thanh Hóa, đoạn qua xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ Ảnh: H.B |
Còn tại TP.Tam Kỳ, trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, tình trạng phơi nông sản cũng thường xuyên diễn ra trong mùa gặt. Phổ biến nhất là dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, (xã Tam Thăng) và ĐT616 (xã Tam Phú), nông dân chất từng đống lúa và tuốt ngay trên mặt đường. Việc làm này gây cản trở các phương tiện tham gia giao thông cũng như mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Anh Huỳnh Thanh Phú, một tài xế xe tải ở Tam Kỳ cho biết: “Tôi thấy rất bất an mỗi lần đi qua các tuyến đường này vào mùa thu hoạch lúa. Đường rộng lại khá vắng vẻ, nên người dân tận dụng mặt đường để phơi rơm, thóc như chỗ không người. Để tránh rơm, lúa của người dân, nhiều khi tôi phải đánh lái bất ngờ, rất dễ xảy ra va chạm với phương tiện đi ngược chiều. Chưa kể đến lúc chiều tối, khi người dân mang xe bò ra đường thu dọn rơm, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn”.
Khu vực đường Thanh Hóa (đoạn qua xã Tam Phú và xã Tam Thanh), trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện qua lại. Trong đó, đông đúc nhất là vào cuối buổi chiều khi người dân từ TP.Tam Kỳ xuống biển Tam Thanh tránh nóng, cùng với lượng học sinh tan trường, tiểu thương, người lao động tan ca. Nhưng thời gian gần đây, trên tuyến giao thông này xuất hiện tình trạng trâu bò đi lại nghênh ngang, có lúc tới hàng chục con, chiếm hết lòng đường, gây không ít phiền toái như: ách tắc, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, vệ sinh môi trường. Thực tế đã có nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì người tham gia giao thông tránh những con vật chạy trên đường, có trường hợp khi đang tham gia giao thông thì bất ngờ bị con vật đâm vào dù họ đã chủ động phòng tránh. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào cuối tháng 8.2015 khiến chị Lê Thị N. trú xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ tử vong. Vào thời điểm trên, chị N. điều khiển xe máy đang lưu thông trên tuyến đường Thanh Niên ven biển đến địa phận thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh thì va chạm với một con bò của người dân thả rông. Vụ tai nạn khiến chị N. chấn thương sọ não, tử vong. Điều đáng nói, tại khu vực này có đến hàng chục hộ dân nuôi bò và thường xuyên thả rông ngoài đường. Nhưng khi tai nạn xảy ra, chủ gia súc thường không ra mặt vì họ đã nắm được luật giao thông đường bộ về việc cấm chăn, thả súc vật trên đường và né tránh trách nhiệm.
Theo số liệu thống kê của Công an TP.Tam Kỳ, trong 2 năm 2014 - 2015, có đến hơn 44 % số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở khu vực ngoại thành. Trong đó, nguyên nhân xuất phát từ việc phơi rơm rạ, lúa và thả rông gia súc trên đường chiếm đa số, tuy nhiên, mức phạt hiện nay là khá thấp và chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần rà soát lắp đặt thêm các biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực thường xuyên có sự qua lại của gia súc để cảnh báo nguy cơ tai nạn cho người điều khiển phương tiện. Đồng thời nghiêm cấm và xử phạt triệt để việc phơi rơm, lúa, chăn thả gia súc trên những tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông lớn, để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.
HOÀNG BIN