Nguyễn Lương Hiệu lúc nào cũng giản dị mộc mạc. Gặp ở đâu, nghe giọng Quảng kiểu gì ông cũng nói: “Quảng Nam hả, tui dân Quảng đây nề!”…
Nhà thơ, nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Lương Hiệu sinh năm 1957, quê quán Duy An, Duy Xuyên. Năm 1992, ông rời quê nhà vào TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) lập nghiệp. Các tác phẩm đã xuất bản: “Khoảng nắng”, “Phù sa”, “Đi ngược” (tập thơ); “Rumba xanh”, “Thong dong ba vùng đất” (tập ảnh nghệ thuật - thơ- nhạc) và hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh…
Kẻ lãng du
Nguyễn Lương Hiệu làm thơ, viết báo, nhiếp ảnh… Ở địa hạt nào ông cũng được đánh giá cao và có nhiều tác phẩm có giá trị. Khi còn ở quê nhà, ông dạy học ở Quế Lộc rồi xuống dạy ở Quế Xuân, Quế Sơn.
Những kỷ niệm về một thời đứng trên bục giảng ở vùng đất gian khó nhưng thấm nặng nghĩa tình vẫn sâu nặng trong ông. Cũng chính khoảng thời gian làm giáo viên dạy văn này ông đã đến với văn chương.
Những vần thơ đầu tiên ông viết về gia đình, học trò. Năm 1979, ông có bài thơ đầu tiên được đăng báo. Sau đó ông mạnh dạn gửi thơ cho các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và được chọn đăng. Từ cơ duyên với chữ này, ông liều lĩnh ly hương vào thành phố để mưu sinh bằng chữ nghĩa với hai bàn tay trắng.
Ông nói vui rằng tay phải viết báo, tay trái làm thơ. Nghệ thuật với ông gọi nghề không đúng gọi nghiệp cũng không xong, nhưng lưu dấu niềm đam mê bất tận. Hiển nhiên, kẻ lãng du nào cũng bị chèn giữa cuộc mưu sinh rất khốc liệt, huống hồ giữa thành phố xô bồ và cạnh tranh khốc liệt như Sài Gòn.
Ông phải “cày trên đường nhựa” để kiếm sống như những lời bộc bạch: “Mang tấm lòng người nông dân tỉnh lẻ/ Vào thành phố tôi đi cày trên đường nhựa/ cảm xúc tóe lên tôi khai thác mình một nửa/ Một nửa cuộc đời tôi tận dụng chính tôi”… Bạn bè văn chương thấy tác phẩm báo chí, thơ ca của ông xuất hiện liên tục trên mặt báo mới gọi vui ông là “gã phu chữ”. Ông cười hóm hỉnh, viết báo nuôi phần xác còn viết thơ cho ông… sướng phần hồn.
Ông đến với lĩnh vực nhiếp ảnh cũng rất vô tình. Năm 2001, trong một lần đi thực tế về vùng đất Châu Đốc - An Giang, ông thu được những khoảnh khắc về đất và người Chăm vào ống kính và được bạn bè khen ngợi, động viên gửi ảnh tham dự một cuộc thi nhiếp ảnh và đoạt giải. Từ cái duyên vô tình đó ông bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Ông là người ở lĩnh vực nào cũng dấn thân và tâm huyết. Có lẽ vì thế mà dẫu đến với nhiếp ảnh rất muộn nhưng ông vẫn tạo được tên tuổi bằng góc ảnh đầy chất thơ của mình. Ông nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Trung tâm kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục cho “Rumba xanh - tuyển ảnh nghệ thuật - thơ - nhạc có số lượng nhiều nhất với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM” của Nguyễn Lương Hiệu.
Nguyễn Lương Hiệu mộc mạc, chân tình và hào sảng. Gặp ông điều dễ thấy nhất là nụ cười cùng cách nói rổn rảng của người Quảng. Nguyễn Lương Hiệu kể rằng có lần bắt gặp một hình ảnh rất đẹp của dòng kênh Nhiêu Lộc, ông leo ra lan can, nhoài người ra chụp ảnh. Chụp được tấm ảnh đẹp mới sửng sốt nhận ra mình đang đứng ở vị trí rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sểnh là... toi.
“Tôi mang trong lòng nặng trịch nghĩa nhân”
Cái nặng trịch trong câu thơ trên là Nguyễn Lương Hiệu nhắc đến ân tình với quê nhà xứ Quảng. Bôn ba khắp nơi, mưu sinh phần lớn ở xứ người nhưng cố quận lúc nào cũng ở trong tim ông. Như gặp bất kỳ ai, ông cũng liền xưng mình là dân xứ Quảng, Quảng từ trong căn cốt không thể nào khác đi được.
Tập sách “Thong dong ba vùng đất” gồm ảnh nghệ thuật - thơ - nhạc trình làng năm 2022. Ba vùng đất được nhắc đến trong tập sách là quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng, Thanh Hóa và TP.HCM.
Với ông, quê nhà là những gì thương mến và gần gũi nhất, là đất mẹ bao dung và ân tình. Như bất chợt một chiều giữa thành phố bắt gặp giọng quê của người em gái đồng hương: “Đến Sài Gòn tất bật cuộc mưu sinh/ Cuộc sống mới bao tấm lòng trầm tích/ Nhưng cái giọng Quảng Nam cũ rà cũ rích/ Tôi mang trong lòng nặng trịch nghĩa nhân” (Giọng nói Quảng Nam).
Với bài thơ “Làm khách quê hương” ông có một kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2003, ông là người đứng ra phát hành tập thơ “100 năm thơ Quảng Nam” tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
Sau buổi phát hành một tuần ông được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời về Quảng Nam tham quan. Khi được mời về làm khách trên chính quê mình ông thấy thú vị xen lẫn bồi hồi: “Ta về làm khách quê mình/ Mẹ ơi, con đứng lặng thinh, cúi đầu/ Ngó phía trước, nhìn lại sau/ Thực - hư, không - có, vò nhàu trái tim…” (Làm khách quê hương).
Mỗi lần đứng giữa quê hương là Nguyễn Lương Hiệu đi đến tận cùng thương tưởng. Yêu quê hương từ điệu hò khoan, từ tiếng bài chòi, những bãi bồi triền dâu đến những nong tằm nhả kén, thương Mỹ Sơn với “đất nâu trầm tích gió sờn phù sa”… Ý thơ lạ, dạt dào cảm xúc được phô bày trên cái nền cũ mượt mà là lục bát. Chính vì thế, nỗi niềm của kẻ xa quê cứ rưng rưng, cứ bâng khuâng hoài không nguôi.
Thơ Nguyễn Lương Hiệu giàu màu sắc, giống như một bức tranh vậy. Thơ ông cũng giàu tính nhạc. Có sự gặp gỡ đồng điệu giữa tâm hồn thi sĩ và nhạc sĩ nên thơ Nguyễn Lương Hiệu được các nhạc sĩ như Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Đăng Khương, Thế Hiển, Lê Quốc Thắng, Trương Tuyết Mai chọn phổ nhạc.
Một cái nhìn rất thơ về phố cổ
Nguyễn Lương Hiệu sáng tác nhiều về quê nhà cả thơ lẫn nhiếp ảnh. Mỗi bận về quê ông lang thang với chiếc máy ảnh bắt được những khoảnh khắc của Mỹ Sơn lung linh huyền tích, của dòng sông quê hiền hòa, của nụ cười quê hồn hậu… Nhưng trong những cuộc trở về ấy, Nguyễn Lương Hiệu luôn được Hội An níu chân.
Hội An với ông dẫu đến bao nhiêu lần vẫn như gặp gỡ ban đầu. Đẹp từ mái ngói rêu phong, những nếp nhăn trên gương mặt người gánh nước, đến những lối đi nhỏ xíu kẹp giữa những bức tường, chiếc thuyền nhỏ neo lại bên bờ sông Hoài hay nụ cười của du khách lần đầu ghé phố Hội…
Trong những bài thơ viết về quê hương, nhiều nhất vẫn là thơ viết về Hội An như “Bồng bềnh Hội An”, “Hội An”, “Tiếng chuông vang”, “Thỏ thẻ Hội An”… Những bài thơ lấy cảm hứng chính từ những chuyến đi sáng tác ảnh.
Bởi ngoài những góc nhìn từ ảnh thì có những góc chỉ có thể dùng ngôn từ mới diễn được sự rung động. Giới phê bình đã đánh giá rằng thơ Nguyễn Lương Hiệu giàu màu sắc như tranh và ảnh Nguyễn Lương Hiệu lại có góc nhìn rất thơ.
Tháng 4/2022, Nguyễn Lương Hiệu đã làm cuộc trở về với Hội An bằng triển lãm ảnh mang tên “Thong dong Hội An”. Với 18 ảnh màu và đen trắng, một Hội An vừa thơ mộng, vừa gần gũi lại lạ lùng trong mắt nhìn phố Hội như bài thơ.
Với những bức tranh “Tôi về đứng giữa quê hương”, “Những ngôi nhà cổ hòa lẫn giữa trời”, “Nước”, “Cây lá mênh mang”…, Nguyễn Lương Hiệu đã tặng người yêu Hội An niềm giao cảm sâu sắc với phố Hội sông Hoài.
Ông tâm sự rằng, Hội An như trái tim của quê nhà. Mỗi bận về quê, đi qua từng ngõ ngách với chiếc máy ảnh, ông nhận ra Hội An đổi thay nhiều lắm. Nhưng dẫu có thay đổi thì cái tình quê hương xứ sở, cái chân chất mộc mạc, cái giản đơn của phố Hội vẫn còn hoài.
Bởi thế, cái tình với Hội An vẫn cứ như thuở ban đầu: “Đi giữa Hội An vẫn nhớ Hội An/ Em tình tứ mắt đèn lồng nhấp nháy/ những phố nhỏ mỏng manh, dày ký ức/ Màu rêu xanh mộng mị mê say…” (Nhỏ nhẹ Hội An).
Cuộc chơi với người lãng du như Nguyễn Lương Hiệu vẫn còn dài lắm. Tâm thế ông lúc nào cũng sẵn sàng cho những cuộc đi...