Nguyễn Thuật đã khắc thơ trên đất Trung Quốc?

NGUYỄN DỊ CỔ 09/09/2017 07:00

Thời phong kiến, từng có nhiều quan lại người Quảng Nam tham gia các sứ đoàn ngoại giao với vai trò Chánh sứ hoặc Phó chánh sứ. Với truyền thống trước tác trên con đường hoàng hoa, những vị sứ thần đều có ngâm vịnh và để lại các tập thơ văn đi sứ. Điều đặc biệt, trong số những tác phẩm đó có một hai bài thơ được khắc bia lưu lại trên đất Trung Quốc. Hiện vẫn còn tồn nghi về trường hợp khắc thơ lưu lại Trung Quốc của sứ thần Nguyễn Thuật.

Trang bìa tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.554.
Trang bìa tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.554.

Từ tháng 3.2017, GS. Chen (Đại học Chenggong, Taiwan) đã công bố bài viết “Những ghi chép văn hiến về sứ giả Việt Nam đời Thanh lập bia khắc thơ ở Trung Quốc” trong một hội thảo tại Houston (Đức). Sau đó, GS. Chen thêm 2 lần trình bày kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam (thông qua phiên dịch) tại tọa đàm khoa học ngày 2.8.2017 và hội thảo khoa học 3.8.2017 ở Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, GS. Chen có đưa ra nghi vấn về những bài thơ được khắc đá lưu đề ở Trung Quốc của Nguyễn Thuật. Theo đó, GS. Chen đã 5 lần đề cập tác giả Nguyễn Thuật trong bài viết của ông (các trang 690, 695, 697, 698, 700). Có thể nói rằng, đây là thông tin rất có giá trị, bởi trước đó chưa có nhà nghiên cứu nào đề cập vấn đề này, mặc dù có rất nhiều bài viết trình bày về thơ văn đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Thuật.

Nguyễn Thuật (1842 - 1911), hiệu Hà Đình, tự Hiếu Sinh, nhân dân quê nhà vẫn hay gọi là “cụ Thượng Hà Đình”, quê xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Trong cuộc đời quan trường, ông 2 lần phụng mệnh đi sứ Trung Hoa, lần thứ nhất năm 1880 - 1882 với chức Chánh sứ tới Yên Kinh, lần thứ hai năm 1882 - 1883 đi Thiên Tân. Trong 2 lần đi sứ này, Nguyễn Thuật để lại 2 tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” (quyển chi nhất, quyển chi nhị), với rất nhiều bài thơ có cấu trúc tiêu đề “đề/ lưu đề + X”: Đề Hoàng Hạc lâu, Đề Quan Đế miếu, Đề Gia Cát tự, Đề Phục Ba miếu, Lưu đề Quan Âm nguyệt điện thạch bích, Lưu đề Tam nghĩa miếu, Lưu đề ngoại thành bích thượng…

Theo GS. Chen, tại Trung Quốc có 8 địa chỉ có thơ lưu đề và khắc bia của các sứ giả Việt Nam dưới thời nhà Thanh Trung Quốc (tương ứng với thời Lê Trung hưng và thời nhà Nguyễn của Việt Nam). Đó là chùa Tương Sơn ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây; chùa Phi Lai ở Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông; rừng bia (bi lâm) Ngô Khê ở Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam; Đằng Vương các ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây; đền Nhạc Vương ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam; đền Lữ Tiên ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc; miếu Á Thánh (Mạnh Tử) ở Trâu huyện, tỉnh Sơn Đông; miếu Trọng Phu Tử (Tử Lộ) ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông. Trong đó, GS. Chen đã cho biết tại miếu Trọng Phu Tử có bia đá khắc 5 bài thơ của 3 sứ giả. Một bài với nội dung như sau: “兼人無論氣行行/真積彰然道德光/負米於親隆孝墓/乘桴與子契行藏/升堂學啟千秋秘/列鼎輝生萬禩香/培植斯文天意厚/支分泗水慶流長” (Kiêm nhân vô luận khí hàng hàng/ Chân tích chương nhiên đạo đức quang/ Phụ mễ ư thân long hiếu mộ/ Thừa phù dữ tử khế hành tàng/ Thăng đường học khải thiên thu bí/ Liệt đỉnh huy sinh vạn dị hương/ Bồi thực tư văn thiên ý hậu/ Chi phân tứ thủy khánh lưu trường).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng phiên âm có vài chỗ khác biệt so với trên và đã dịch nghĩa thành: “Ngài tiếp đón ai nấy không luận thành phần nào/ Chứa đầy đạo đức sáng tự có rực rỡ bên trong/ Vác gạo nuôi song thân, hiếu mến vang lừng/ Nương bè, giao cho con làm quan hay ở ẩn đều ứng hợp/ Nghìn năm cách dạy học của ngài thật phi thường/ Ngài là bậc vĩ nhân sáng chói, vạn năm vẫn tế tự hương lòng!/ Vun trồng văn hóa ấy với thiên ý sâu dày/ Chi lưu sông Tứ vẫn hân hoan chảy mãi”. Trọng Phu Tử tức Tử Lộ, là học trò của Khổng Tử, nổi tiếng về tính hiếu thảo. Ngôi miếu của Trọng Phu Tử được rất nhiều sứ thần Việt Nam đến viếng thăm và đề thơ, như Nguyễn Tông Quai với bài “Đề Trọng Phu Tử miếu” (3 bài); Nguyễn Huy Oánh với tác phẩm “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca tịnh nhật ký”; Hồ Sĩ Đống với bài “Trọng Phu Tử miếu lưu khắc thạch”; Đinh Nho Hoàn với bài “Quá Cổn Châu đề Tử Lộ miếu”; Vũ Huy Đỉnh với bài “Đề Trọng Phu Tử từ”. Bài thơ trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cho là của Nguyễn Thuật, nằm trong quyển thứ 2 của tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Hà Đình Nguyễn Thuật (trang 256), với tiêu đề là “Lưu đề Trọng Phu Tử miếu”.

GS. Chen cho biết, bài thơ trên nằm trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật, và còn cho biết nó được in trong bộ “Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập” do Đại học Phúc Đán (Thượng Hải - Trung Quốc) xuất bản vào năm 2010. Tuy nhiên, GS. Chen lại cho rằng bài thơ này là của Nguyễn Huy Oánh nhưng bị chép vào tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật. Trong kỷ yếu “Hà Đình Nguyễn Thuật - danh nhân văn hóa”, một số nhà nghiên cứu cũng cùng quan điểm với GS. Chen (trang 545), cho rằng nhiều bài thơ của Nguyễn Huy Oánh bị chép lẫn vào thơ của Nguyễn Thuật. Song cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng; ngược lại, trong khi thực tiễn thư tịch, bài thơ này hiện vẫn nằm trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật.

Nếu thực sự đây là bài thơ, là bút tích của Nguyễn Thuật lưu lại trên đất Trung Quốc sẽ hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với gia đình ông mà cả vùng đất xứ Quảng khoa bảng “ngũ phụng tề phi”. Bởi, trả lời các câu hỏi của cử tọa tại hội thảo, GS. Chen cũng đã giải thích thêm rằng, thợ khắc đá ở Trung Quốc không đủ trình độ học vấn, chỉ dựa vào bút tích của các sứ giả Việt Nam để khắc, cho nên những bài thơ được khắc ở Trung Quốc đó chính là bút tích của các sứ giả Việt Nam. Thêm nữa, không phải triều đại nào hay chính quyền địa phương nào cũng cho phép việc khắc thơ của sứ giả Việt Nam như vậy, cho nên những bài thơ được khắc bia lưu ở sở tại chắc hẳn rất giá trị.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Thuật đã khắc thơ trên đất Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO