Nguyên… và khói của đất

SONG ANH 10/05/2015 10:46

Nguyên, chừng như chấp nhận cược cả cuộc đời, để về lại với quê hương, với những vạt khói nghi ngút nung đỏ miền đất sét sông Thu.

Nguyễn Văn Nguyên, chủ dự án Công viên Đất nung Thanh Hà – một bảo tàng đất nung đầu tiên của Việt Nam, đang trong những ngày tất bật nhất, khi Công viên đất nung bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5.2015. Sau 4 năm xây dựng, cùng bao nhiêu gập ghềnh đã trải, Công viên Đất nung Thanh Hà nên hình hài, từ những viên gạch đỏ au, khối đất nâu…

Quay về…

Nguyên vẫn còn vẹn cảm giác ngày đầu tiên sau 20 năm xa quê, anh về làng Nam Diêu, gặp mặt các cụ cao niên trong làng, để xin làm một “bảo tàng”. Thứ đầu tiên thôi thúc anh trở về, chính là vạt đất sét cuối dòng sông Thu. Thứ chính yếu khiến anh buộc phải liều lĩnh, chạy khắp nơi để dự án được phê duyệt. Sinh ra từ đất, lớn lên cùng đất, vọc đất đến mải mê cả tuổi thơ lẫn khi trưởng thành, “đứa con của đất” nhớ đến cay mắt vạt khói lửng lơ trong nắng mai, trên những vuông sân. Hai mươi năm có lẻ, Nguyên làm gì cũng giữ niềm tin sẽ có ngày trở về, dựng ngay tại mảnh đất của làng một “không gian – chỉ toàn là gốm, là đất nung”. Ở mảnh đất đầu làng, hơn trăm năm sông lở sông bồi, người Thanh Hà vẫn để dành – như chờ đợi một cơ hội. Nơi ấy, lâu lắm rồi, là sân phơi trã, nồi đất, chum vại.

Nguyễn Văn Nguyên cùng nhà văn Nguyên Ngọc tham gia in vân tay lên gốm tại Công viên Đất nung Thanh Hà.Ảnh: Minh Hải
Nguyễn Văn Nguyên cùng nhà văn Nguyên Ngọc tham gia in vân tay lên gốm tại Công viên Đất nung Thanh Hà.Ảnh: Minh Hải

Giấc mơ của trăm năm hưng thịnh, giờ đang được nối dài. Niềm tin vững như mạch nguồn dòng sông, sau chuỗi ngày góp nhặt vốn liếng khắp mọi nơi, Nguyên quay về. Anh kể, ngày nhỏ, khi nhìn ông bà nội chuốt đất, rồi xoay, anh mê đến mang cả vào giấc ngủ. Nhưng thời của gốm chòng chành rồi cứ lịm dần vào những vòng quay của thời kinh tế thị trường. Ba Nguyên, ông Nguyễn Văn Vân, vì mưu sinh để nuôi con cái, đã phải chuyển nghề. Bàn xoay, bàn chuốt, ông gói ghém cất vào góc nhà. Ngày ấy, mẹ quảy gánh chè từ Thanh Hà xuống phố cổ, ba chuyển sang thợ mộc để nuôi 5 đứa con ăn học. Nghề gia truyền chỉ đến đời ông bà rồi ngưng. “Hồi đó mê vọc đất thì chỉ có xuống ở cùng ông bà nội”- Nguyên nói. Mỗi sản phẩm từ đất sét nên hình hài từ bàn tay Nguyên, bà nội anh tỉ mẩn đưa vào lò nung cùng với hòn binh, chum, vại… của ông bà. Tuổi thơ, tuổi hoa niên, cứ vậy lớn theo những lầm lụi ngày một mênh mông của làng nghề trăm năm. Chàng trai làng gốm, bây giờ là một kiến trúc sư, giám đốc của Nhà Việt Corp – công ty chuyên về xây dựng, thiết kế, mới đủ cơ hội để thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu của mình.

Những chiêm bao bàng bạc đất quê, ngay cả khi ở cái tuổi mọi người đã ngưng những hoài bão, Nguyên vẫn hừng hực lửa của một người trót mê đắm sắc màu của đất. Cuối năm 2011, anh chính thức trở về quê nhà, đặt viên gạch đầu tiên lên khoảnh đất rộng gần 6.000m2, trong sự nghi ngại của nhiều người. Nhưng may thay, Nguyên – với đôi mắt lành hiền nhưng cương nghị, với cái tâm trong veo khi về lại quê nhà, đã đủ để thuyết phục số đông. Ngày Công viên Đất nung Thanh Hà từ dự án, ý tưởng trên giấy bước ra hiện thực, từ chính quyền TP.Hội An, những nghệ nhân cao tuổi, đến các bạn bè quốc tế cùng trong lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc như Nguyên, quay về ủng hộ anh. Anh nói: “Chừng như tổ nghề hiểu được tấm lòng của mình”.

Đất của làng

Nhiều trải nghiệm ở Công viên Đất nung Thanh Hà

Công viên Đất nung Thanh Hà khởi công từ tháng 7.2011 có tổng kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng. Năm hạng mục chính tại công viên bao gồm: khu bảo tàng gốm, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam Diêu, khu trại sáng tác, khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại.
Khu bảo tàng gốm trưng bày quá trình hình thành làng nghề gốm, các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề gốm… Khu trưng bày ngoài trời gồm các tượng gốm lớn, cũng là không gian cảnh quan. Đặc biệt có khu trưng bày các mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam như khu Thành nội Huế, Khu đền tháp Mỹ Sơn, đặc biệt là di sản Đô thị cổ Hội An; tạo nên một quần thể các di sản văn hóa Việt Nam thu nhỏ bằng chất liệu gốm. Cạnh đó để làm phong phú thêm còn có các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới của các nền văn minh như: kim tự tháp, đền panthenon, đấu trường coliseum, khải hoàn môn, vatican… Khu làng nghề Nam Diêu, hình thành các mô hình sản xuất điển hình của làng nghề gốm như: chuốt hũ bình, khu điêu khắc gốm với làm hàng gốm trang trí nội thất, ngoại thất. Khu trại sáng tác, tổ chức định kỳ các cuộc thi sáng tác dành cho các nghệ sĩ trẻ, người quan tâm đến các sản phẩm về gốm, tạo không gian sáng tạo tối đa. Bên cạnh đó các du khách cũng có thể thử tài, và thực hiện các kỷ vật riêng cho mình. Khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại, trưng bày các sản phẩm sản xuất tại chỗ, hàng thủ công, mặt hàng lưu niệm liên quan đến chất liệu gốm, tạo môi trường xúc tiến thương mại.
 Không gian Công viên Đất nung Thanh Hà đã tổ chức nhiều trại điêu khắc, sáng tác, triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước với các chủ đề “Giai điệu của gốm”, “Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật”, “Đất và gốm Thanh Hà”… Ông Roby Bellemans - Giám đốc điều hành công viên cho biết, sau khi đi vào hoạt động, công viên sẽ có nhiều dự án trải nghiệm dành cho trẻ em và những người trẻ.

Ngày 30.4.2015, Công viên Đất nung Thanh Hà khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, sau hơn 4 năm miệt mài xây dựng, hoàn thiện. “Gìn giữ những nét đẹp, kích thích hoạt động của làng nghề là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà. Công viên đất nung sẽ là nơi chúng tôi thực hiện giấc mơ đó”- Nguyễn Văn Nguyên nói, trong buổi lễ rước lửa từ nhà thờ tổ nghề về công viên. Gọi là công viên, nhưng đây là một không gian vừa mang chức năng của một bảo tàng gốm sứ, vừa có thể là một “trại sáng tác”, quy tụ văn nghệ sĩ từ khắp nơi, cũng vừa là chốn để những người trẻ hơn Nguyên, gửi gắm ý tưởng sáng tạo của mình. Ngay từ những ngày trình dự án để thuyết phục người làng nghề đồng ý cho anh thực hiện giấc mơ của mình, Nguyên nói, anh đã dùng ký ức, tình yêu với cục đất của làng, để kể cho mọi người nghe. Ngay bây giờ, khi đã nên hình hài, các cụ già ở làng gốm Thanh Hà vẫn nói: “thằng Nguyên đã giữ đúng lời hứa của mình”.

Cả một không gian gần 6.000m2 bên dòng sông Thu, là sự tiếp nối vòng quay của chiếc bàn chuốt – thứ vật bảo của làng nghề gốm Thanh Hà. Tiếp đó, mỗi khu nhà là một đại diện của những chiếc lò úp, lò ngửa, với toàn bộ chất liệu là gạch, gốm, đất nung. Những viên gạch đỏ au, phơi phới, tươi màu trong nắng. Chính nó kết nối để làm nên một không gian toàn màu của đất nâu, hay màu của đất sóng sánh cùng lửa – đỏ au. Ở đây, vào những chiều thênh thang khói nắng, người có thể nhìn thấy những đôi tay sần sùi, thô ráp, xoay những vòng quay để làm nên cuộc đời của đất. Cuộc đời mà như cụ bà Nguyễn Thị Được, nghệ nhân cao tuổi của làng gốm hôm nay nói: “Dân làng ở đây bao đời sống chết đều nhờ vào cục đất sét. Nhờ có đất sét mà có sản phẩm góp mặt đời. Nhờ có những sản phẩm được nung qua lò úp, lò ngửa mà nuôi được con cái ăn học thành tài… Còn có đất sét là còn có đất sống…”.

Có người nhắc, mỗi một sản phẩm đất nung, gốm là một sự kết hợp hoàn hảo của triết lý tứ đại: đất – nước – lửa – gió. Và Nguyên, gom nhặt những mẩu ký ức vụn, để nói rằng, còn có khói của đất. Những vạt khói bay lên trong nắng phai, từ lò nung của làng, đủ kéo những đứa con của làng quay về. Người ta có hàng trăm lý do để rời nơi cội nguồn xa xứ, thì cũng có hàng trăm duyên cớ để quay về với cố quận. Như Nguyên – đứa con của đất. Như không gian đất nung Thanh Hà đang đón đợi, chờ người từ khắp nơi

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyên… và khói của đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO