Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở đoạn đường đèo miền núi hẻo lánh. Một nhân chứng chụp hình hiện trường, chia sẻ trên facebook. Vài phút sau, thông tin đó xuất hiện trên mục tường thuật trực tiếp của một trang báo online, và người đưa tin tại hiện trường chính là nhân chứng của vụ tai nạn...
Phóng viên VOV, thường trú tại miền Trung phỏng vấn đại diện lãnh đạo xã A Nông (Tây Giang) trong dịp công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đại khái, con đường của tin tức ngày nay từ hiện trường đến trang báo, có thể nhanh chóng như vậy.
Với điện thoại thông minh, máy tính bảng, wifi, 3G..., người ta có thể truy cập internet hầu như mọi lúc mọi nơi. Song song với sự phát triển về số lượng người dùng, tập quán sử dụng internet dần dần trở nên chủ động hơn. Không chỉ dừng lại ở việc truy cập để tìm thông tin, ngày nay đa số người dùng mạng xã hội đã chủ động trở thành người xuất bản những thông tin do chính mình thủ đắc - những thao tác mang tính chất công việc của một nhà báo.
Mạng xã hội đã đặt mỗi công dân trước cơ hội trở thành nhà báo. Vậy thì những nhà báo “chính quy” trong biên chế các tờ báo chính thống, vai trò của họ đã bị thử thách như thế nào?
Đầu tiên có lẽ là một chút tổn thương khi nhà báo không còn ở vị trí độc tôn trên mặt trận thông tin. Thông tin giờ đây không còn là độc quyền của các tờ báo, và các nhà báo khó có thể cảm thấy mình là người duy nhất trên hiện trường tác nghiệp. Điều đó sẽ gây ra ít nhiều áp lực, buộc các nhà báo phải cân nhắc hơn, có trách nhiệm hơn với công việc của mình, vì bất cứ một sơ sót nào trong xử lý thông tin cũng có thể bị “sửa lưng” bởi một nguồn thông tin khác trên các mạng xã hội. Điều này có vẻ hơi xúc phạm những nhà báo nghiêm túc với nghề nghiệp. Nhưng ở đâu cũng vậy, sự nghiêm chỉnh trước hết không cần e ngại, và không nhất thiết phải loại trừ mọi sự phê phán.
Hãy giả định một cuộc cạnh tranh thông tin giữa các “nhà báo có thẻ” với cộng đồng mạng xã hội, chắc chắn các nhà báo - với lực lượng có hạn, sẽ bị tràn ngập bởi hàng triệu “nhà báo công dân” - từ hơn 30 triệu người dùng mạng xã hội hiện nay. Thực tế có những tài khoản blog cá nhân nổi tiếng thu hút lượng độc giả khiến các trang báo online phải ghen tỵ. Tuy vậy điều đó không làm cho vai trò của các nhà báo bị thách thức, ngược lại, đó có thể là một sự cạnh tranh lành mạnh, để các nhà báo phải nỗ lực hơn trong việc khai thác thông tin, làm mới phương cách tác nghiệp để hoàn thiện hơn trong môi trường truyền thông kỹ thuật số.
Trong nhiều trường hợp, thông tin của mạng xã hội mang tính chất bổ sung cho thông tin của báo chí. Điều này xuất phát từ những góc nhìn rất riêng tư của từng cá nhân trước cùng một hiện tượng, khiến môi trường thông tin đa sắc thái, hấp dẫn hơn. Những nhà báo chuyên nghiệp có thể tìm thấy trong rừng thông tin trên các mạng xã hội những tin tức đắt giá, những đề tài hấp dẫn, thậm chí thiết lập được cả một mạng lưới nguồn tin hữu ích...
Nhà báo cũng có thể dựa vào phản hồi dưới từng bài viết trên trang báo online để biết được đánh giá của độc giả về thông tin của mình, đo lường sự quan tâm của họ và có kế hoạch cho những bài viết mới đáp ứng được đúng nhất mong mỏi của độc giả. Nguồn phản hồi nóng của những “công dân mạng” cũng góp phần làm các trang báo sống động hơn, mang tính tương tác cao và kéo gần người đọc với nhà báo, khiến tờ báo trở nên gần gũi hơn với độc giả của mình.
Hạn chế lớn nhất của những “nhà báo công dân” là tầm tiếp cận thông tin hạn chế, hầu như chỉ gói gọn trong những gì bản thân họ chứng kiến, trải nghiệm. Trở lại tình huống giả định ở đầu bài viết này. Nhân chứng - cộng tác viên tức thời cho trang báo online kia có thể đưa những thông tin rất sống động về tình trạng hiện trường, về diễn biến việc cứu hộ... Nhưng anh ta không thể tiếp cận để phỏng vấn, để biết được nhận định của cơ quan chức năng về vụ việc đó chẳng hạn. Nghĩa là đến một giới hạn nào đó, các nhà báo công dân phải nhường sân chơi lại cho nhà báo chính quy.
Vì là chia sẻ chủ quan, nên tính chất chung của thông tin trên mạng xã hội là thiếu sự tham chiếu, kiểm chứng. Đó là phần việc của nhà báo chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất tin tức. Và đó chính là “dư địa” để các nhà báo tung hoành với nghiệp vụ của mình. Để bên cạnh áp lực phải thẩm tra giữa một rừng thông tin, còn có niềm tự hào riêng của nghề nghiệp.
TRẦN QUÁN