Nhà doanh điền Bùi Tấn Diên

CHÂU YẾN LOAN 17/12/2017 08:56

Tộc Bùi ở làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên là một dòng tộc lớn vang danh trong nước không những vì “của nhiều người đông” mà còn vì có lắm nhân tài ở mọi lãnh vực với những tên tuổi chói sáng như nhà báo Bùi Thế Mỹ, bác sĩ Bùi Kiến Tín, thi sĩ Bùi Giáng, nhà giáo Bùi Tấn… Vị thủy tổ của đại tộc này chính là nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, tiền hiền làng Vĩnh Trinh.

Từ đường tộc Bùi ở Vĩnh Trinh.
Từ đường tộc Bùi ở Vĩnh Trinh.

Bùi Tấn Diên quê ở Nghệ An, cho đến nay vẫn không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 15 dưới triều Lê Thánh Tông. Ông đã theo đoàn quân nam tiến của vua Lê vào Quảng Nam, khai phá vùng đất mới, lập ra làng Vĩnh Trinh.

Mở cõi

Huyện Duy Xuyên, trước có tên là huyện Hy Giang thuộc phủ Thăng Hoa nguyên là đất Chiêm động của Chiêm Thành. Thời nhà Hồ, sau khi lên ngôi năm 1402 Hồ Hán Thương đã đem đại binh vượt qua Hải Vân đánh thắng quân Chiêm, chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy mở rộng biên cương đến Quảng Ngãi. Nhà Hồ chia hai động này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Họ Hồ hạ lệnh cho dân không có ruộng ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn, dân ấy phải thích hai chữ tên châu mình trên cánh tay cho khỏi bỏ trốn. Những người có trâu đem nộp thì được ban phẩm tước để lấy trâu cấp phát cho dân cày. Nhưng chủ trương di dân của nhà Hồ không được lâu dài, chỉ 4 - 5 năm sau quân Minh nấp dưới chiêu bài phù Trần diệt Hồ sang đánh nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội đó cấu kết với quân Minh lấy lại đất ấy và phần lớn những di dân người Việt vào đây đã phải theo Nguyễn Lỗ trở về Thuận Hóa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông thân chinh, bình Chiêm thắng lợi, đổi Thăng Châu, Hoa Châu thành ba huyện Hà Đông, Hy Giang và Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa; Tư Châu, Nghĩa Châu thành ba huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang và Mộ Hoa, thuộc phủ Tư Nghĩa. Chia đất cũ của Chiêm Thành là Đồ Bàn thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn, đặt ba phủ rồi đưa tù nhân ba loại bị tội đồ tới đây để làm “đầy biên giới. Với chiến thắng này, vua Lê không những thực hiện được ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, mà còn mở rộng biên cương đến miền Vijaya, tức là phủ Hoài Nhơn (ngày nay là Bình Định). Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đặt chức Án sát ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ đó.

Khác với lần di dân trước dưới thời nhà Hồ, lần này khi di dân Việt đến thì người Chiêm không rời bỏ quê hương ra đi vì họ biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng nơi mình đang sinh sống và họ cũng không còn hy vọng lấy lại đất đã mất nên chấp nhận lệ thuộc Đại Việt. Cuộc di dân dưới thời Lê Thánh Tông vô cùng quan trọng vì giúp người dân yên ổn làm ăn, không còn nơm nớp lo sợ người Chiêm đến cướp phá như ở Thuận Hóa trước kia. Sau khi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã giao cho Phạm Nhữ Tăng cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt với chức Quảng Nam Thừa tuyên Đô thống, Thái úy Trình quốc công Nguyễn Đức Trung làm Đô ty Thừa tuyên Quảng Nam và cử các tướng Nguyễn Văn Lang, Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung là những vị tướng tài ba đã từng theo vua bình Chiêm, ở lại khai hoang lập ấp, di dân đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này.

Và ở lại

Trong chiến dịch này, từ đất Hoan Châu (Nghệ An), Bùi Tấn Diên theo đoàn quân nam tiến của vua Lê Thánh Tông giữ nhiệm vụ vừa đồn thủ vừa khai phá những vùng đất mới thu phục được. Bùi Tấn Diên và con trai là Bùi Tấn Trường đã ở lại bờ nam của sông Thu Bồn cùng với đoàn di dân trải qua bao gian khổ khai khẩn đất đai lập nên 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù bàn, An Lâm. Trong bài Hoài niệm tổ tiên, ông Bùi Tấn đã viết về lịch sử mở đất của tổ tiên mình:

...“Bùi gia gốc ở Nghệ An,
Hoan châu tên cũ, mộ phần còn ghi.
Vào đời Hồng Đức, Hậu Lê,
Rời quê, Thỉ tổ quản gì gian truân.
Tôn xưng ngài bằng Đại lang,
Tấn Diên tên húy, lên đường cùng con.
Kể chi vượt suối trèo non,
Màn trời chiếu đất hao mòn xiết bao!
Sông Gianh rộng, Hải Vân cao,
Đá mềm chân cứng lần vào Quảng Nam.
Bến hiền thuyền đậu quyết tâm,
Thăng Ba, La Tháp khéo cầm chân ai.
Lần thâu tháng rộng ngày dài,
Cùng chư tộc khác ra tài khẩn hoang.
Sáu thôn phân định lân bàng,
Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Cù Bàn tiếp sau.
An lâm, Cổ Tháp, Thanh Châu,
Lục thôn tự sở bắt đầu tạo chung”…

Bùi Tấn Diên là một trong hai vị tiền tiền của hai tộc Bùi và Đào đã sáng lập ra làng Vĩnh Trinh. Bài văn tế đọc trong lễ khánh thành từ đường Bùi tộc ngày 20.2.1992 ở Duy Xuyên cũng có đoạn kể lại con đường lập nghiệp nhiều gian nan và những thành quả lớn lao mà ông đã đóng góp cho huyện Duy Xuyên:

“Theo đoàn nam tiến, dưới thuở Hậu Lê;
Từ đất Hoan Châu chính nơi cựu thổ  
Trên đường lập nghiệp, khi băng ngàn, khi vượt suối, xiết nỗi gian lao;
Đến chốn định cư, có đất rộng, có khe trong, thuận bề quy tụ.
Xây đình mở chợ, đống lương góp sức, lục châu tự sở, bia cũ từng ghi;
Đắp đập khai hoang, kiến thiết ra công, xã hiệu Bình Khương, tên xưa từ đó.

Ngay khi mới lập ra làng xã, Bùi Tấn Diên và Bùi Tấn Trường cùng cư dân lục thôn đã dựng Đình Châu để làm nơi sinh hoạt chung của 6 thôn. Ban đầu đình dựng bằng tranh, lâu năm bị hư hỏng đến năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) mới được tái thiết và dựng bia kỷ niệm.

Trong Cung lục gia phả họ Bùi ở Duy Xuyên cũng ghi:

“Ngài thủy tổ Bùi Đại lang, húy Tấn Diên, ngày xưa từ Hoan Châu, Nghệ An vào Thăng Hoa phủ, Ba Châu thuộc, sinh ra ngài Cao cao tổ Bùi Quý công, húy Tấn Trường khai khẩn ra xã hiệu Bình Khương và rạng rỡ thay! phúc ấm dồi dào, đời đời kế tiếp.
Đến triều Gia Long, xã hiệu Bình Khương đổi thành Bình Thuận. Gần đây, xã hiệu Bình Thuận lại được đổi thành Vĩnh Trinh. Sự nghiệp của ông cha ta ngày xưa không phải là không to tát”.

Bùi Tấn Diên không những đã có công lớn trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang huyện Duy Xuyên, biến vùng đất biên cương mới thu phục thành làng mạc trù phú mà ông còn là thủy tổ của một dòng tộc có lắm nhân tài thành công trên nhiều lĩnh vực.

CHÂU YẾN LOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà doanh điền Bùi Tấn Diên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO