Không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến, ngày nay xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) - nơi có địa danh “Rừng dừa Bảy Mẫu” còn được nhiều người biết đến bởi nghề làm tre, dừa có tiếng. Trong đó, nhà lá Cẩm Thanh đã tạo được thương hiệu nhiều người biết đến.
Đi lên từ… tre, dừa
Nghề tre, dừa ở Cẩm Thanh là nghề thủ công truyền thống có từ rất lâu. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, làng nghề mới phát triển mạnh. Hiện, toàn xã Cẩm Thanh có khoảng 60 cơ sở làm nghề tre, dừa, đó là chưa kể nhiều hộ làm nhỏ lẻ. Có khá nhiều sản phẩm được làm ra từ làng nghề như bàn ghế, giường tủ làm từ tre, tuy nhiên nổi tiếng và được làm nhiều nhất vẫn là nhà lá. Theo người dân địa phương, nhà lá là nhà được lợp bằng lá dừa bản địa, kết hợp với cột, kèo làm bằng tre. Ngày trước, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nhà lá nhưng sau đó do điều kiện kinh tế phát triển, người dân chuyển qua làm nhà bằng bê tông, gạch ngói..., vậy là nhà lá ở Cẩm Thanh không còn. Những năm gần đây, khi du lịch Hội An phát triển, nhất là du lịch sinh thái, nhà lá Cẩm Thanh khôi phục sự hưng thịnh. Những khu resort, quán bar, nhà hàng… được làm bằng nhà lá trở thành “mốt” trong đầu tư các công trình phát triển du lịch. Đó cũng là lý do mà người dân địa phương cho rằng, nghề tre dừa Cẩm Thanh khôi phục và phát triển như hiện nay chủ yếu nhờ du lịch.
Người dân thu hoạch dừa làm nguyên liệu. |
Anh Lê Công Thắng, một chủ cơ sở sản xuất tre, dừa ở thôn Thanh Nhất, xã Cẩm Thanh cho biết: “Du lịch phát triển, du khách khắp nơi tìm đến địa phương, từ đó mà nghề truyền thống của cha ông được nhiều người biết đến. Tiềng lành đồn xa, khách hàng khắp nơi tìm đến thuê chúng tôi đi làm nhà, làm quán bar, khu nghỉ dưỡng…”. Cơ sở sản xuất tre dừa Lê Công Thắng được đánh giá là một trong những cơ sở làm nhà lá có uy tín ở Cẩm Thanh, sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Nhiều khu resort, khách sạn có tiếng ở Hội An cũng như các thành phố lớn biết và sử dụng sản phẩm nhà lá của cơ sở Lê Công Thắng. Hiện nay, cơ sở của anh Thắng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương với thu nhập trung bình hàng tháng 4 - 5 triệu đồng/người. Đó là chưa kể những lúc nhận công trình lớn phải gọi thêm nhiều lao động. Có được thành công như hôm nay, anh Thắng cũng đã trải qua không ít khó khăn buổi ban đầu. “Nghề tre dừa Cẩm Thanh là nghề truyền thống ông cha đi trước để lại. Nhưng để sản phẩm được khách hàng đánh giá cao như hôm nay, thế hệ chúng tôi đã phải tự mày mò, sáng tạo dựa trên những cơ bản truyền thống để làm ra sản phẩm tốt và đẹp hơn. Điều này, đòi hỏi chúng tôi phải bỏ thời gian, tiền bạc để học nghề, học làm những sản phẩm mới”.
Anh Lê Công Thắng, chủ một cơ sở sản xuất tre dừa nước Cẩm Thanh chuẩn bị những tấm lợp để chở đi làm nhà lá cho khách hàng. Ảnh: V. ANH |
Trăn trở của người yêu nghề
Tháng 10.2013, UBND TP.Hội An bàn giao Khu trung tâm làng nghề tre, dừa nước Cẩm Thanh (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh) cho địa phương quản lý, khai
|
Làm nên thương hiệu nhà lá Cẩm Thanh hôm nay phụ thuộc chủ yếu ở chất lượng sản phẩm. Được biết, ngoài Cẩm Thanh, nhiều nơi khác cũng có nghề này, tuy nhiên sản phẩm nhà lá thì khó sánh nổi với Cẩm Thanh. Theo những người làm nghề lâu năm ở Cẩm Thanh như anh Thắng hay hộ ông Trần Bừa, Võ Tấn Mười…, ưu điểm chính của nhà lá Cẩm Thanh nằm ở độ bền của sản phẩm. Nếu làm đúng kỹ thuật, tức là tre, dừa phải được ngâm nước mặn đúng thời gian thì tuổi thọ của nhà lá do làng nghề Cẩm Thanh làm ra có thể đạt thời gian 20 năm. Dừa Cẩm Thanh khác ở nhiều vùng khác vì là dừa nước mặn, sau khi thu hoạch, tàu dừa được xé ra đem phơi khô và ngâm nước. Đặc biệt, dừa chỉ được thu hoạch mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 8. Lúc này, dừa mới đạt độ già. Tương tự, công đoạn xử lý tre cũng khá cầu kỳ. Tre chỉ thu hoạch duy nhất vào tháng 11 trong năm. Bởi vì thời gian này tre không ra măng và đã đạt đến độ già nhất định. Tre được các thương lái thu mua ở các huyện vùng núi sau đó vận chuyển bằng đường sông xuống tận xã Cẩm Thanh bán cho các cơ sở sản xuất tre dừa. Mua tre về, các cơ sở sản xuất phải ngâm tre dưới lớp bùn nước mặn 6 tháng rồi mới vớt lên đem phơi khô. Do cả tàu dừa, tre được ngâm dưới bùn, nước mặn nên khả năng chống chịu với thời tiết, mối mọt rất cao. Đồng thời khi làm nhà lá, các cơ sở sản xuất ở Cẩm Thanh thường ưu tiên dùng cột bằng gỗ kiền kiền, hoặc bằng tre tươi, chứ không dùng cột bê tông.
Cái riêng biệt về điều kiện tự nhiên và quy trình sản xuất khiến cho sản phẩm làng nghề Cẩm Thanh tạo nên được thương hiệu ngày càng cao trên thị trường. Tuy nhiên, với những người gắn bó, tâm huyết với nghề như anh Thắng và nhiều người trong làng vẫn canh cánh nỗi lo mất thương hiệu. Anh Thắng cho biết: “Việc tạo được thương hiệu là chuyện khó và mất nhiều thời gian mới khẳng định được. Nhưng để giữ và phát huy được thương hiệu cũng quan trọng không kém”. Được biết, trong tổng số 60 hộ dân làm nghề tre dừa ở Cẩm Thanh mới chỉ có 24 hộ được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và công nghệ công nhận đạt thương hiệu “Tre dừa Cẩm Thanh”. Có một thực tế đáng suy ngẫm, hiện nay việc phát triển làng nghề ở Cẩm Thanh vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có sự quản lý theo mô hình tổ hợp tác và không có quy chế rõ ràng. Đây là lý do để những hộ làm ăn lâu năm như anh Thắng lo lắng đến chuyện có thể thương hiệu tre dừa Cẩm Thanh bị lung lay. “Cũng sợ lắm chứ! Mình làm ăn đang tốt thế này, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao là nhờ mình luôn đặt chất lượng lên đầu, nhưng làm sao biết những hộ khác có làm đúng kỹ thuật, nguyên vật liệu có được bảo quản đúng quy trình, thời gian hay không. Nếu lỡ có ai đó vì lợi nhuận mà không làm đúng quy trình, chẳng hạn như ngâm tre không đủ thời gian, dừa thu hoạch non… làm cho tuổi thọ công trình giảm thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu” - anh Thắng trăn trở.
Làng nghề đang “ăn nên làm ra”, nhưng làm sao giữ vững và tồn tại được trên thị trường là điều khó khăn không riêng gì đối với làng nghề tre dừa Cẩm Thanh. Điều này đang đặt ra vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng và ý thức của người dân địa phương trước chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống.
VINH ANH