Rơi vào tình trạng khó khăn tài chính kéo dài, cộng với việc không chịu khắc phục ô nhiễm môi trường khiến nhà máy sản xuất sô đa thuộc Công ty CP Sản xuất sô đa ngừng hoạt động gần 2 năm nay. Nhà máy nợ nần chồng chất để lại nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhà máy sản xuất sô đa đóng cửa gần 2 năm nay. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Đóng cửa gần 2 năm
Sự trắc trở của của nhà máy này bắt đầu từ quá trình ì ạch thi công, chậm tiến độ kế hoạch đề ra hơn 3 năm. Tháng 6.2015, vừa đưa vào vận hành thử nghiệm, nhà máy đã gặp sự phản đối quyết liệt của người dân do xả thải thẳng ra môi trường chưa qua xử lý. Sau đó, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 730 triệu đồng. Từ đầu tháng 8.2016, doanh nghiệp này đã bị Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN-MT và UBND tỉnh xử phạt và dừng hoạt động từ đó đến nay. Trong thời gian nhà máy hoạt động, người dân địa phương bức xúc vì nguồn xả thải trực tiếp ra môi trường. Các đợt kiểm tra của lực lượng chức năng cấp Trung ương và địa phương đều phát hiện nhà máy của công ty hoạt động nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và yêu cầu nhà máy chỉ được phép hoạt động trở lại khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Tuy vậy các yêu cầu này đến nay doanh nghiệp hầu như chưa thực hiện.
Yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai xây dựng ngày 30.4.2010 trên diện tích 20ha tại Khu công nghiệp Tam Hiệp (huyện Núi Thành) với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, công suất thiết kế 200 nghìn tấn/năm. Từ năm 2015, khi nhà máy còn hoạt động, kết quả lấy mẫu xét nghiệm nước thải cho thấy nồng độ pH vượt cao hơn mức cho phép. Tổng cục Môi trường xác định Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai đã thực hiện không đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại. Nghiêm trọng hơn, công ty chưa có giấy phép xả nước thải. Tháng 8.2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký văn bản gửi Bộ TN-MT yêu cầu nhà máy sô đa Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường mà Tổng cục Môi trường đã có kết luận thanh tra trước đó. Nhà máy chỉ được hoạt động trở lại khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định. Tuy vậy, từ đó đến nay công ty vẫn chưa khắc phục các nội dụng mà lãnh đạo tỉnh yêu cầu và đóng cửa nhà máy gần 2 năm nay. |
Nhà máy ngừng hoạt động, địa phương bớt lo ô nhiễm môi trường sống nhưng để lại nhiều hệ lụy xã hội như người lao động thất nghiệp, bị nợ tiền lương, vốn vay ngân hàng và nợ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Cuối tháng 12.2017, vòng quanh khu vực bên ngoài nhà máy này thấy khung cảnh đìu hiu. Các cổng chính, phụ đều then cài cửa đóng. Chỉ có một vài nhân viên bảo vệ trông nom tài sản tại đây. Ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, từ khi UBND tỉnh có văn bản gửi Trung ương yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm tiếng ồn và nước thải (hồi tháng 8.2016) đến nay công ty vẫn chưa đi vào sản xuất. Lãnh đạo địa phương cũng thông tin, có nhiều người lao động địa phương bị nhà máy này nợ lương, đóng bảo hiểm.
Ngân hàng lo lắng
Về tình hình khôi phục sản xuất, kinh doanh của nhà máy này, ngay cả Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (đơn vị cho thuê đất, quản lý chung các doanh nghiệp đóng chân tại Khu công nghiệp Tam Hiệp) vẫn chưa nắm bắt cụ thể. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, đến nay nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai vẫn ngưng vận hành hoàn toàn, chưa khắc phục hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường như yêu cầu của chính quyền tỉnh. Qua xác minh bước đầu, doanh nghiệp chậm phục hồi sản xuất là do gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, UBND tỉnh khẳng định, thời điểm này chưa nhận được thông tin cụ thể nào từ phía Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai báo cáo.
Ngoài nợ tiền lương người lao động, công ty này còn chưa thanh toán tiền cho các đối tác là nhà thầu thi công nhà máy, tiền nguyên liệu sản xuất. Theo tìm hiểu, từ năm 2010 đến ngày 25.10.2016, công ty nợ Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai gần 50 tỷ đồng tiền thuê sử dụng đất thời hạn 50 năm. Đặc biệt, từ khi đầu tư đến nay, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai là con nợ của 5 ngân hàng với tổng số tiền hơn 2.300 tỷ đồng. Về phía Agribank chi nhánh Quảng Nam đang tạo điều kiện để công ty phục hồi sản xuất kinh doanh, giãn thời gian trả nợ. Tháng 4.2017, Agribank Quảng Nam làm đầu mối mời các ngân hàng còn lại họp bàn phương án giải quyết nợ của công ty. Sau khi nhà máy dừng hoạt động, Agribank Việt Nam đã thành lập tổ thu hồi nợ, xử lý tài sản thế chấp trong tình huống doanh nghiệp không tái hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời giám sát thường xuyên mọi động tĩnh của nhà máy này. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh Agribank Quảng Nam, với số tiền mà công ty nợ quá lớn trong khi phương án phục hồi lại “mơ hồ”, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ đối mặt với tình trạng nợ xấu.
TRẦN HỮU