Nhà máy thép Việt - Pháp lại ngừng hoạt động

TRẦN NGUYỄN 19/07/2017 08:15

Nhà máy thép Việt - Pháp thuộc Công ty TNHH Thép Việt Pháp đóng tại Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1 (thuộc khối Bảy A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) lại tiếp tục ngừng hoạt động, trong khi đó “số phận” của nhà máy này đang chờ quyết định của... Trung ương.

Bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt Pháp cho biết, trước việc người dân địa phương “cấm đường”, nhiều ngày qua doanh nghiệp của bà bất đắc dĩ phải dừng hoạt động, ngưng trệ việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động. Sau khi có chủ trương của tỉnh về việc di dời nhà máy, công ty đã tiến hành làm các thủ tục cần thiết nhưng hiện vẫn chưa có địa điểm nào (từ địa bàn huyện Đại Lộc cho đến thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Doanh nghiệp trông chờ vào quyết định cuối cùng của tỉnh, mong muốn được di dời sớm để ổn định sản xuất lâu dài. Theo ông Nguyễn Đức Tài - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn, trước mắt chính quyền phường Điện Nam Đông đứng ra vận động người dân không có những hành động gây thiệt hại cho nhà máy, làm mất an ninh trật tự. Vừa qua UBND tỉnh có thông báo kết luận là trồng cây xanh cách ly nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường. Việc di dời mà chưa có được sự thống nhất của tỉnh về điểm đến cho nhà máy thì dự định di dời dân đến một nơi an toàn hơn.
Trước Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, cử tri huyện Đại Lộc đề nghị nghiên cứu, cân nhắc lại việc cấp phép xây dựng Nhà máy thép Việt - Pháp tại huyện Nam Giang (có nguồn vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường vùng hạ du. Trả lời ý kiến cử tri, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh cho rằng, trước khi quyết định chính thức việc cho phép đầu tư nhà máy thép, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang tại Quyết định số 4048/QĐ-UBND ngày 16.11.2016. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu công ty TNHH Thép Việt Pháp đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án, đảm bảo chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành để kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức. UBND tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư; mặt khác cũng đang xem xét lại chủ trương di dời.

Trong khi đó, lo ngại trước việc ô nhiễm, thiếu nguồn nước sạch sử dụng trong các khu công nghiệp ở thị xã Điện Bàn, cử tri địa phương cũng kiến nghị cần có giải pháp đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước hiện có. Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời, để đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các xã vùng đông thị xã Điện Bàn, nơi tập trung các khu công nghiệp như Điện Nam - Điện Ngọc, Trảng Nhật, Cụm công nghiệp Thương Tín, tỉnh đã giao cho Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam phối hợp với chính quyền thị xã Điện Bàn, TP.Hội An triển khai đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước đô thị Điện Nam - Điện Ngọc tại Cụm công nghiệp Trảng Nhật 1. Dự án này sẽ thi công trong năm nay, dự kiến đưa vào sử dụng sau 18 tháng thi công. Tiếp theo là nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP.Hội An từ công suất 21.000m3/ngày đêm lên 41.000m3/ngày đêm thuộc Tiểu dự án cấp thoát nước đô thị Điện Nam - Điện Ngọc và Tam Hiệp, dự án sử dụng nguồn vốn vay ADB, đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà máy thép Việt - Pháp lại ngừng hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO