Quảng Nam không chỉ là đất học mà còn là vùng đất của công tác khuyến học - khuyến tài (gọi tắt là khuyến học), trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phong trào “nhà nhà làm khuyến học, người người làm khuyến học”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải trao Học bổng Đất Quảng năm 2013 cho sinh viên xuất sắc. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Lan tỏa phong trào
Quảng Nam là vùng đất của phong trào Duy tân nổi tiếng trong lịch sử, và trong công tác khuyến học (KH) ngày nay, thật trùng hợp khi đất Quảng cũng là nơi khởi xướng phong trào. Vào tháng 10.1991, Hội KH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ra đời. Việc Hội KH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời sớm trước cả 5 năm so với Hội KH Việt Nam cho thấy công tác KH trong người dân đất Quảng đã sớm phát triển mạnh mẽ, trở thành một phong trào rộng lớn thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nhưng đi đâu cũng nghe bàn về chuyện KH. Rầm rộ nhất là vào dịp khai giảng năm học mới và kết thúc năm học; học sinh (HS) giỏi được khen thưởng để nỗ lực học tập xuất sắc hơn, HS nghèo vượt khó được trao học bổng để có điều kiện học giỏi hơn. Gần đây, mỗi hộ dân trong tỉnh tự nguyện tham gia ít nhất 1 - 2 tổ chức KH (chỉ tính việc đóng góp kinh phí cho KH) từ cấp thôn, khối phố, trường học đến tộc họ. Với phong trào KH sôi nổi và hiệu quả, từ năm 2002 đến nay, Hội KH Quảng Nam liên tục nhận cờ thi đua xuất sắc của Hội KH Việt Nam và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2004, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008. Nhiều hội KH huyện, thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Hội KH Việt Nam khen thưởng, trong đó Hội KH Tam Kỳ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009.
Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, hiện nay tổ chức hội KH đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Không chỉ ở cấp huyện, thành phố, tổ chức hội KH còn phát triển mạnh mẽ về các xã, phường, lan rộng ra đến tận thôn, tổ, khối phố, góp mặt ở hầu hết trường học, tộc họ, cơ quan. Theo báo cáo của Hội KH Quảng Nam, cả tỉnh hiện có 18 hội KH huyện, thành phố; 244 tổ chức hội KH xã, phường; 1.355 chi hội thôn, khối phố; 354 chi hội cơ quan; 692 chi hội trường học; 1.870 chi hội tộc họ; 1.258 chi hội tổ đoàn kết. Ngoài ra, còn có 92 chi hội bộ đội, 95 chi hội tôn giáo, 96 chi hội đồng hương tại các tỉnh, thành phố. Có thể nói, ở Quảng Nam hiện nay, KH đã ăn sâu vào trong tâm thức của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.
Tiếp sức học trò nghèo
Nhiều năm qua, thông qua Hội KH tỉnh, nhiều chương trình học bổng lớn đã mang đến cho HS Quảng Nam cơ hội thuận lợi để học tập. Chương trình hỗ trợ học tập SPELL của tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ 7.000 suất với tổng số tiền 15 tỷ đồng; học bổng “Ươm mầm đại thụ Việt Nam” của Ngân hàng Cathay United hỗ trợ hơn 4.000 suất với số tiền hơn 2 tỷ đồng; Quỹ học bổng Đất Quảng gần 600 suất với số tiền gần 2 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ HS nghèo dựa vào kết quả đầu ra (GPOBA) 1.750 suất với số tiền 3,15 tỷ đồng; Học bổng Chanchu 775 suất với số tiền 847 triệu đồng; học bổng 3 cấp hơn 2.000 suất với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn có thể kể đến rất nhiều học bổng khác như Lá xanh, Mai vàng, Allen Nelson, Lawrence Sting… với số tiền hàng chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. |
Cùng với việc phát triển tổ chức hội, tạo ra một phong trào quần chúng rộng rãi, công tác huy động nguồn quỹ KH được coi là nhiệm vụ hàng đầu để có nguồn tài chính khen thưởng các em học giỏi, hỗ trợ kịp thời cho HS nghèo tiếp tục đến trường, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng. Vì thế, ngoài nguồn quỹ từ sự đóng góp của hội viên, các cấp hội còn tích cực vận động nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí. Những năm qua, một số nhà tài trợ đóng góp tích cực với số tiền khá lớn cho công tác KH của tỉnh như tổ chức Đông Tây hội ngộ (SPELL), Quỹ đầu tư Indo China Capital, Ngân hàng Cathay United, Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Trường Nhật ngữ Đông du TP.Hồ Chí Minh… Từ năm 2003, Quỹ học bổng Đất Quảng được thành lập và qua 10 năm đã cấp học bổng cho gần 600 sinh viên đại học có kết quả học tập đạt loại giỏi. Cạnh đó, tỉnh cũng có một số quỹ học bổng có giá trị lớn như Học bổng Chanchu, học bổng 3 cấp Hội KH tỉnh, mỗi năm cấp hơn 400 suất với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.
Nhờ có nguồn kinh phí huy động được, những năm qua Hội KH tỉnh và các hội KH huyện, thành phố đã tiếp sức cho hàng chục nghìn con em gia đình nghèo vượt khó để học tập, khen thưởng động viên các em học giỏi nỗ lực hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Hội KH tỉnh và các huyện, thành phố đã huy động được hơn 41 tỷ đồng cho quỹ KH. Theo đó, hơn 133 nghìn HS đã được khen thưởng và nhận học bổng; đó là chưa kể, cả nghìn chi hội KH thôn, khối phố, trường học, tộc họ cũng đã tổ chức khen thưởng, trao học bổng hằng năm cho HS. Ngoài ra, với nhiều chương trình học bổng, một số nơi còn xây dựng được quỹ học bổng của địa phương với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng nhằm động viên khuyến khích con em thi đua học tập xuất sắc như Quỹ học bổng huyện Thăng Bình, Quỹ học bổng Lê Thiện Trị (Duy Xuyên), Quỹ ươm mầm tài năng Tây Giang, Giải thưởng Phan Châu Trinh (Tam Kỳ và Phú Ninh), Giải thưởng Võ Chí Công (Núi Thành), Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Những liệt kê trên đã nói lên hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào “nhà nhà làm KH, người người làm KH” ở Quảng Nam.
Theo bà Phạm Thị Minh Chiến - Chủ tịch Hội KH Quảng Nam, với mạng lưới KH phát triển rộng khắp và nguồn quỹ KH dồi dào như hiện nay, có thể nói, HS gia đình khó khăn ở bất cứ địa bàn nào cần sự trợ giúp đều được tiếp sức kịp thời. Trong vòng tay yêu thương của xã hội, các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các cấp hội KH không thể để xảy ra tình trạng HS bỏ học vì nghèo. Ngược lại, các em luôn được chia sẻ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường, vươn lên học tập tốt.
XUÂN PHÚ