Nhà thơ Nguyễn Văn Tám: Tiếng chim hót dị thường!

NGUYỄN NHÃ TIÊN 15/03/2014 14:39

Những mong lấy cái nhãn quan tự thể của mình làm thước tấc soi rọi một tác phẩm nghệ thuật nào đó (thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật…) thì quả là việc… đếm mây bay về chốn chân trời! Mượn cách nói ẩn dụ của Bùi Giáng thi sĩ về những đám chuồn chuồn, châu chấu bát ngát trong thơ ông: “Mê chuồn chuồn. Mê một con đã đủ. Hà tất phải mê ngàn con! Làm sao theo dõi hàng ngàn con chuồn chuồn bay khắp không gian thiên thu vạn đại cho được?” (Thi ca tư tưởng). Vâng, không dõi mắt vào cái cõi, cái miền bao la, thăm thẳm vô tận ấy, tôi tựa vào ca dao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa...”, âu cũng là cách lượng sức trước hải hà mà dọ dẫm bước trên cánh đồng thơ  của Nguyễn Văn Tám. Những mong nơi ấy, xứ sở của mênh mang “Ơi cỏ mật, cỏ gừng/ cỏ năn, cỏ chỉ/ cỏ chân vịt, cỏ gấu, cỏ may/ Thản nhiên sống như chưa bao giờ xung quanh có dịch chuyển/ Thản nhiên sống như chưa bao giờ có bão dông dâu bể/ Cỏ vẫn cỏ thôi/ Mong manh mãnh liệt sống giữa đời!” (Hương cỏ ). Mộc mạc đơn sơ thế ấy, nhưng hàm nghĩa một sức sống hòa vào thiên nhiên vô tận, trong veo một niềm tự do khoáng đạt.

Nhà thơ Nguyễn Văn Tám. Ảnh: NG. NHÃ TIÊN
Nhà thơ Nguyễn Văn Tám. Ảnh: NG. NHÃ TIÊN

Đã có lần tôi đọc Milan Kundera viết về “Nghệ thuật tiểu thuyết”, ông viết về một ý niệm mà tôi hiểu ra như thế này: Biết về tác giả không thể làm sáng thêm giá trị và ý nghĩa của tác phẩm. Cố nhiên trong trường hợp này, tác phẩm là thơ Nguyễn Văn Tám, cụ thể là tập “Hương cỏ” vừa mới xuất bản. Khổ nỗi, tôi lại biết quá nhiều về anh. Nguyễn Văn Tám là mẫu nghệ sĩ không đặt ra cho mình một cái đích tới nào cả. Rong chơi trên đường, bất ngờ nghe một thứ âm thanh của gió réo gọi - anh viết nhạc. Bổi hổi bồi hồi trước một cơn mưa đánh thức một nỗi niềm - anh làm thơ. Vấp một hòn sỏi vô tình gọi tên quãng vắng - anh vẽ vời, hoặc có khi tỉ mẫn tạc nên một hình hài… Chẳng phải Nguyễn Văn Tám ôm đồm kiểu sức nuôi một tham vọng gì đâu, mà vì anh là kẻ đa tình, cũng là thứ gió hoang dại lãng du không bờ không bến. Dường như mẹ đẻ ra anh cái nòi đa đoan, nó phải hệ lụy như thế, phải yêu một cách như thế mới thành ra Nguyễn Văn Tám, mà có lần tôi gọi vui với anh là  “Dang dở - Nguyễn Văn Tám”, một dang dở theo cái kiểu “ Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau… lơ lững với nghìn xưa” (Hồ Dzếnh). Chứ chẳng phải dang dở của người bỏ cuộc, dang dở nửa vời.

Thời trai trẻ, anh là sinh viên tốt nghiệp vào loại giỏi của Đại học Giao thông Hà Nội từ những năm cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, từng làm thầy đứng trên bục giảng của trường đại học này, rồi lại có những năm tháng làm cầu thủ bóng đá cho đội Tổng cục Đường sắt. Sau đấy, anh về Nam, cũng lên ghềnh xuống thác suốt cuộc chiến tranh, một con đường như thế, nhìn vào đồng đội của anh kể từ sau ngày hòa bình xem ra bao người nên danh phận. Nhưng anh là kẻ tự nhận ra mình “Có một ngôi sao bùng cháy/ Tôi nghe ra số phận của mình” (Ngôi sao xanh ). Vậy thì hãy cứ bùng cháy hết lòng, yêu hết lòng. Số phận đã lựa chọn anh, đã gọi anh: “Lúc trẻ anh có tài như con kiến, con ong có tài/ Bản năng sống biết tìm ra tín hiệu trong mùi hương/ trong điệu múa” (Chế Lan Viên ). Hoặc là: “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội…” (Bùi Giáng). Những lối “bay”, lối “lội”, lối “múa” ấy như là sự mặc khải của huyền nhiệm, anh cứ tha hồ bay nhảy vãi vung bao tình yêu, bao đắm say trên đường. Không nênh nổi bay cao thì bay thấp, không lặn sâu thì lặn cạn, cách thế nào tôi cũng tin rằng, tất cả mọi cuộc phiêu lưu kia đều do tính lãng du của anh thúc giục. Hồn hậu và trong veo, đơn sơ mà mộc mạc như chân dung anh tự vẽ chính mình “Nhưng tôi là một loài cỏ hoang !” (Chân dung).

Dông dài đôi nét đời riêng về thi sĩ cũng phần nào giúp cho ta cái nhìn về thơ Nguyễn Văn Tám mà hiểu ra đường bay của một loài chim, đường bơi của một loài cá, điệu múa của một loài ong. “Tôi có một phần đời sống lẫn vào trong cỏ/ Tôi chưa sinh ra đã có cỏ rồi/ Cỏ lan man tít tắp cuối chân trời/ Cỏ theo chân trâu bên suối/ Cỏ len vào giấc ngủ/ Những chiều vàng cỏ cháy trên lưng bò/ Khói bay lên trời cũng từ cỏ”. Trong miền thẳm giấc mơ của loài cỏ hoang ấy, có lúc từ chân trời xa ngái hồi âm cho thi sĩ nghe về sức sống hằng cửu như một đức tin: “Như cỏ hoang gặp cỏ hoang thành hoa/ Như hoa gặp hoa thành trái chín” (Tagore). Cũng có thể “đức tin” kia là những giọt huyết thanh tuần hoàn nuôi dưỡng sức vóc nhà thơ, kiểu như anh, đủ sức vóc cọ xát với thời gian mà thi thố cùng sông cạn đá mòn. “Em đi bốn mùa, ta chờ bốn mùa/ em đi năm năm ta chờ năm năm!/ bặt tin/ ta càng nhớ/ sự đợi chờ thành đường mòn vô tận/ mong manh như chiếc lá / vĩnh cửu như giọt sương/ thời gian/ nỗi buồn của tro và mộng mơ của khói/ em như bàn tay vừa đưa ra đã vội vàng rút lại/ là bài thơ ta viết mãi không thành” (Cơn mưa buồn).
Có thể đây là khởi đầu cho một chuyển động mới thơ Nguyễn Văn Tám, hay là dự phóng tích tụ từ một nội tại chất ngất “Nỗi buồn của tro và mộng mơ của khói” kia, đã đến lúc bùng lên, ánh lên như quầng ráng buổi mây chiều. Khác với những dòng thơ tự sự anh viết về những địa danh, những con người, những địa chỉ với bao nỗi khắc khoải khi va đập những kỷ niệm của một thời chiến tranh. Khác với những dòng thơ dông dài cố ý cho lộ diện một triết lý nhân sinh, cái kiểu cách đi tìm chất lửa ngoại giới như Chế Lan Viên đã viết: “Cầm hòn đá đánh nên ngon lửa/ Cái lửa bẩm sinh trời cho nay đã hết rồi” (Thơ về thơ ). Không, tôi tin rằng “Cái lửa bẩm sinh trời cho” trong trái tim luôn phập phồng của Nguyễn Văn Tám vẫn âm ỉ sinh sôi bát ngát những tình yêu.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà thơ Nguyễn Văn Tám: Tiếng chim hót dị thường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO