Ngôi nhà lá mái của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ ở Làng Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được xây lên không phải để phục vụ du lịch, thế nhưng ngày nào cũng có người đến thăm, trong đó đa số là văn nghệ sĩ và khách du lịch quốc tế. Phát hiện ra điều này sau khi đọc cuốn sổ lưu niệm tại đây, một vị khách đến từ Hà Lan đã ghi cảm nghĩ của mình như sau: Theo tôi, đây là một ngôi nhà toàn cầu.
Kiến trúc thân thiện với môi trường
Nghỉ hưu, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ lập tức rời Tam Kỳ. Người đoán anh về sống ở đất Thần Kinh quê mẹ, vì hầu như trong cuộc chuyện trò nào anh cũng nhắc đến Huế với nhớ thương tràn đầy. Người đoán anh về Đà Nẵng sống cùng vợ con, vì anh từng khoe mình có 3 thứ làm lẽ sống: Vợ con, hội họa và.. nghiên cứu văn hóa Chăm. Nhưng rồi, đùng một cái, lại nghe nói anh lên Duy Phú, chọn mua một lô đất nằm ngay trong Làng Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn để làm nhà.
Ngôi nhà lá mái của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. |
Lẽ nào “con ma Hời” này nảy nòi làm du lịch? Nghe bạn bè hỏi, Nguyễn Thượng Hỷ vò mái tóc dài rối bù của mình, nói một câu đúng điệu Huế: “Có mô ốt dột rứa!”. Rồi anh giải thích, rằng chẳng qua vì đến lúc nghỉ hưu, anh vẫn “chưa hết nợ tang bồng”, phiêu dạt lên chốn rừng núi “thanh vắng và độ lượng” này để mỗi ngày được tự do làm cuộc rong chơi cho tâm hồn mình và để vẽ.
Tưởng sẵn tiền bán ngôi nhà nhỏ ở Tam Kỳ cộng với tiền chế độ nghỉ hưu “một lần”, Nguyễn Thượng Hỷ sẽ xây ngôi nhà hoành tráng. Nhưng hóa ra đó chỉ là căn nhà tranh vách đất. “Tôi mê nhà tranh vách đất lâu rồi. Đây là lúc để được sống với niềm đam mê ấy...” - anh nói.
Bất cứ ai đến đây cũng đều được họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tặng bức ký họa chân dung. Ảnh: P.C.A |
Ngôi nhà nằm giữa khu đất rộng, có ao thả hoa súng kết hợp nuôi cá đồng, phía trước là vài bụi hoa dại, một vạt rau xanh, mấy cây ớt hiểm, một giàn bầu, phía sau là khu rừng tràm xanh nghít. Ngôi nhà chỉ có đất và tranh, tre. Vách được xây bằng đất bùn nhồi rơm cốt tre. Nền nhà và giường ngủ được làm bằng đất nện, bền, ấm và chắc chắn. Mái nhà thì có hẳn 2 lớp. Lớp dưới là đất bùn nhồi tre, cách một khoảng 20 phân là mái tranh, rất mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Một điểm đặc biệt nữa là, gian giữa của ngôi nhà này (được chủ nhân gọi là “phòng khách”) được trang trí, điểm xuyết bằng một số hình tượng, họa tiết mô phỏng kiến trúc Chăm và tất cả cũng đều được làm bằng... tre. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ giải thích: “Loại nhà này người Quảng Nam gọi là nhà bỏ đất, người Quảng Ngãi kêu là nhà đắp; còn Bình Định, Phú Yên gọi là nhà lá mái. Ngôi nhà này của tôi được làm theo nguyên mẫu của nhà lá mái, cực kỳ... thân thiện với môi trường”.
“Nhà toàn cầu” của Nguyễn Thượng hỷ đã và đang là điểm hẹn để mọi người cùng đến, lưu lại, sẻ chia và thăng hoa. |
Kết nối toàn cầu
Xây “nhà thân thiện với môi trường” để thỏa niềm đam mê chứ không phải để làm du lịch, nhưng rồi ngôi nhà lá mái của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ ngày nào cũng có người đến thăm, trong đó đa số là văn nghệ sĩ và không ít người là khách du lịch quốc tế. Trong cuốn sổ lưu niệm do chủ nhân ngôi nhà lập ra còn lưu lại “bút tích” của hàng chục vị khách người nước ngoài. Một vị khách có tên là Han Ji Woo đến từ Hàn Quốc, viết: “Lưu lại trong ngôi nhà này chưa quá một ngày nhưng tôi đã nhìn thấy tâm hồn của người họa sĩ chủ nhân và cả tâm hồn của người Việt Nam nữa. Tôi sẽ giữ bức ký họa chân dung họa sĩ chủ nhân vẽ tặng như là một báu vật của mình...”. Còn Ivanovna, một du khách Nga, thì viết: “Có rất nhiều thứ ở đây. Nhà Việt, không gian Việt, họa sĩ Việt, và những người Việt yêu nghệ thuật...”. Trong khi đó, Michel Simon, một người làm nghề tiếp thị nghệ thuật ở Pháp, thì cho biết ngôi nhà lá mái của Nguyễn Thượng Hỷ là một trong những lý do để anh trở lại Việt Nam vào kỳ nghỉ năm sau. Đặc biệt là, anh muốn trở lại không chỉ với chiếc máy ảnh cá nhân mà sẽ “đi” cùng với máy móc chuyên dụng. Và Simon tâm tình: “Tôi đã nhìn thấy ở đây một lối sống giản dị, một thứ nghệ thuật giản dị, gần gũi. Người Pháp cũng nên và cần biết về chúng lắm chứ”.
Một view đơn sơ mà đẹp của “nhà toàn cầu”. |
Không chỉ người nước ngoài, khách du lịch và giới văn nghệ sĩ người Việt cũng ngạc nhiên và phấn khích không kém khi đến thăm và lưu lại trong ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Anh Đỗ Ngọc Kỳ, một du khách đến từ Hà Nội, kể: “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ bác Hỷ nói nhầm “nhà mái lá” thành “nhà lá mái”. Nhưng khi được giải thích, tôi đã hiểu và cảm ơn anh rất nhiều vì đã cho tôi biết thêm một thứ mà một kẻ hay đi và ham tìm hiểu như tôi chưa từng được biết”. Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương, Việt kiều Tây Ban Nha, thổ lộ: “Ban đầu, tôi chỉ có ý định về Việt Nam thăm chơi. Nhưng khi đến và ở lại trong ngôi nhà của anh Hỷ, tôi chợt nhận ra rằng mình không thể không vẽ”. Và, một trong những tác phẩm mà họa sĩ Thúy Hương đã vẽ và gửi lại để góp vào bộ sưu tập tranh của Nguyễn Thượng Hỷ là bức sơn dầu “Huyền thoại Mỹ Sơn” lung linh huyền ảo và cũng... “rất Mỹ Sơn”. Đặc biệt, hồi tháng 5 năm 2013, có tới 13 họa sĩ đến từ Đà Nẵng, Huế, TP.Hồ Chí Minh, Ninh Thuận đã đến, lưu lại đây, sáng tác được gần 20 tác phẩm mới và tổ chức triển lãm tại chỗ trong suốt thời gian diễn ra Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V. Họa sĩ Nguyễn Mậu Triết (Huế) tâm sự: “Đến đây, chúng tôi được tắm mình trong cảm xúc thật, vẽ thật và được phô diễn tác phẩm của mình trong không gian nghệ thuật đích thực và mới mẻ. Đấy quả thật là một niềm hạnh phúc...”.
Mỗi ngày trôi qua, cuốn sổ lưu niệm của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ lại đầy thêm, với những cái tên nước ngoài lạ hoắc và những cái tên quen thuộc của giới văn nghệ sĩ Việt Nam... Và cứ thế, vượt lên trên những công năng của một ngôi nhà bình thường, ngôi nhà lá mái của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã và đang là một điểm đến hấp dẫn. Ở đó, khách có thể lưu lại, sẻ chia, sống thật với mình và thăng hoa...
PHAN CHÍ ANH