Chuyện “in ấn có sai sót” trong một văn bản quy định “không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu” của Bộ Xây dựng khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Ngạc nhiên và chê cười vì hiện tượng “sai sót” lặp lại như trước đây có ngành đưa ra dự thảo quy định kiểu người điều khiển phương tiện giao thông phải không thuộc diện “ngực lép, ba sườn lồi”... Những sai sót kiểu vậy được “nhại” lại là điều đáng cảnh báo trong quy trình soạn thảo và ban hành văn bản có tính chất pháp quy. Đó là chưa kể có những dự thảo quy định khó khả thi với người dân và cả cơ quan công quyền có trách nhiệm thi hành như việc xử phạt hành vi “mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng…”.
Nhại hay nhái, nôm na là chuyện bắt chước, có mặt tốt, có mặt xấu. Bắt chước điều hay chẳng ai nói chi, còn bắt chước làm điều tầm bậy thì không những bị người đời tức giận mà pháp luật cũng chẳng dung tha. Như chuyện làm hàng nhái (hàng dỏm mà nhái nhãn mác uy tín) thì bị kiện, “xộ khám” có ngày.
Trở lại chuyện “nhại” hay là kiểu giả cổ trong kiến trúc, thật là chuyện khó phân xử. Có một xu hướng thực tế là khi bước chân vào thế giới hiện đại, quay cuồng với nhịp sống hối hả, con người muốn tìm về lối xưa. Ngôi nhà xưa đâu còn thì người ta muốn tái hiện nó bằng cách xây dựng hay trùng tu theo mô hình “giả cổ”. Như với đất Quảng Nam có nhiều di sản cổ kính mà tiền nhân dày công tạo dựng đã chìm dưới lớp bụi thời gian. Trong khi đó, nhu cầu của đời sống thực tại đang đặt ra thử thách với việc bảo tồn di sản. Trước đây, ở phố cổ Hội An đã từng có hơn 250 trường hợp xin tu bổ, sửa chữa nhà ở, có 14 trường hợp vi phạm quy chế trùng tu di sản, là một ví dụ cho thấy sự va đập giữa nhu cầu hiện đại và nhu cầu giữ gìn sự cổ kính. Người dân phố cổ đã cố gắng giữ gìn di sản, tránh việc cơi nới, sửa chữa nhằm bảo tồn “tính nguyên gốc” của di tích nhưng có cái cổ hư nát quá phải sửa gấp thì đành “nhại” kiểu xưa mà làm tạm đã. Và phải nói điều này, trên địa bàn xứ Quảng còn nhiều kiến trúc cổ, không chỉ kiến trúc Việt mà còn của Chăm, Hoa, Nhật, Pháp… Do vậy, nếu để xu hướng “nhái”, giả cổ tràn lan thì một thời gian lâu đủ để rêu phong sẽ gây mập mờ trong mắt khách tham quan, nhưng nếu cứ làm kiểu “nhà hộp diêm” ồ ạt như thời gian qua thì phá vỡ cảnh quan. Rốt cuộc, câu chuyện kiến trúc hiện tại còn “lố nhố” đủ kiểu.
Xưa, từng có người “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” thì nay cũng không ít người muốn vậy. Hiện đại hóa, trong xây dựng và cả cách sống, đó là xu thế tất yếu nhưng cũng khó quy định người ta không bắt chước những kiểu kiến trúc cổ đã thành biểu tượng cái đẹp. Có chăng là chỉ có thể cấm xây dựng bát nháo, nhái tùm lum trong một tổng thể không gian di sản kiến trúc cổ cần bảo tồn.
ĐĂNG QUANG