Ngoài cơ chế ưu đãi, nguồn lao động tại chỗ là hết sức quan trọng để mời gọi doanh nghiệp đến với miền núi. Đó là những bước đi được tính toán thực hiện, nhằm tạo nguồn lao động cho các địa phương vùng cao.
Lao động huyện Bắc Trà My được tư vấn học nghề. Ảnh: D.L |
Những năm gần đây, người lao động (LĐ) ở khu vực các huyện miền núi đã bắt đầu đi học nghề nhưng không được mấy người rời núi vào làm việc ở doanh nghiệp (DN). LĐ miền núi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với việc học nghề, đi làm ở nhà máy từ khi có Quyết định 3577/QĐ-UB của UBND tỉnh. Kỳ vọng của chính sách đề ra là một bước đệm cần thiết nhằm tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi, chuẩn bị cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư đến miền núi.
Bước đệm ban đầu
Ba năm qua, hơn 2.600 LĐ đã được học nghề, trong đó có hơn 60% LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Quyết định 3577 đi vào cuộc sống đã thực sự tạo ra bước chuyển quan trọng trong nhận thức của người LĐ ở vùng miền núi của tỉnh. Lần đầu tiên, LĐ là người đồng bào dân tộc thiểu số quyết đi học nghề và xuống đồng bằng để đi làm hơn cả nghìn người trong một giai đoạn ngắn. Họ chịu khó học hỏi, đi làm trong môi trường công nghiệp. Những người thích ứng được, trụ lại và làm việc khá hiệu quả, được DN đánh giá cao. Dù chưa đào tạo được lực lượng LĐ nhiều về số lượng nhưng Quyết định 3577 đã tạo được bước đệm ban đầu trong đào tạo lượng LĐ làm bộ khung chắc chắn cho các huyện miền núi, sau này kêu gọi DN đến đã có sẵn LĐ đáp ứng nhu cầu của họ”.
Là một DN có sự gắn bó với Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh trong tuyển dụng LĐ, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đã tiếp nhận hơn 500 LĐ miền núi vào làm việc. Theo nhận định của Panko, LĐ ban đầu còn bỡ ngỡ với công việc theo ca kíp, công đoạn của dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng họ chịu khó học hỏi nên nhanh chóng làm quen với công việc.
Ông Chung Jea Ho - Giám đốc nhân sự Tổng vụ Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết: “Là một công ty tuyển dụng nhiều LĐ miền núi, chúng tôi mong sẽ được tiếp tục phối hợp với nhà trường, địa phương trong hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng LĐ vào làm việc. LĐ đến với công ty làm việc có mức thu nhập ổn định, được hỗ trợ các chế độ phúc lợi đảm bảo để họ yên tâm gắn bó với công việc”.
Nền tảng thu hút đầu tư
Dù còn nhiều gian truân nhưng đào tạo nghề cho LĐ nhằm tạo nguồn nhân lực lâu dài cho sự phát triển của miền núi là vấn đề mà các huyện miền núi hết sức quan tâm. LĐ các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Nam Trà My đi học nghề và đến làm việc tại các nhà máy ở Tam Kỳ, Quế Sơn, Điện Bàn... Tại huyện Nam Giang, trong 2 năm 2017 - 2018, hơn 210 LĐ của huyện đã đi học nghề may công nghiệp, đi làm trong và ngoài tỉnh. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, huyện rất quan tâm đến đào tạo nguồn LĐ. Nam Giang có thuận lợi hơn các huyện miền núi khác khi có trường nghề miền núi đóng chân. Ông Mai cho biết: “Khi Quyết định 3577 triển khai, các xã của huyện phải vào cuộc cùng với trường nghề vận động LĐ đi học nghề. Bởi việc học nghề rất quan trọng, sẽ giúp LĐ có công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập, giúp giảm nghèo. Về lâu dài, đây là lực lượng nền tảng để huyện kêu gọi các DN đến đầu tư. Khi họ đến, bên cạnh cơ chế ưu đãi của tỉnh, thì huyện phải có sẵn LĐ họ mới dám đến miền núi”.
Tại huyện Bắc Trà My, 515 LĐ đã chọn đi học nghề sơ cấp và trung cấp trong 2 năm, tạo thành phong trào đi học nghề ở các thôn, xã. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp huyện kêu gọi đầu tư. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, việc kêu gọi DN đến miền núi chưa mạnh được vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trình độ LĐ còn quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu DN. Ông Vũ cho biết: “Bắc Trà My có lực lượng LĐ lớn, nhưng vì họ chưa chịu đi xa để làm việc nên không chịu đi học nghề. Nếu có DN đến miền núi đầu tư, họ sẽ đi học để đi làm gần nhà. Muốn DN đến cần rất nhiều điều kiện ưu đãi, LĐ phải sẵn có. Hơn 500 LĐ của huyện đi học nghề theo Quyết định 3577 chưa nhiều so với tiềm năng LĐ, nhưng là bước ban đầu hiệu quả. Và quan trọng là họ chịu ở lại làm việc ở các nhà máy để nâng cao trình độ, sau này khi DN đến huyện thì họ có thể quay về, thành nguồn nhân lực tại chỗ quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện”.
DIỄM LỆ