Cây tùng xứ Quảng...

MỘC MIÊN 16/02/2021 08:10

(Xuân Tân Sửu) - Mộ cụ Phan Châu Trinh nằm trên đường Phan Thúc Duyện ở Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Tìm  cũng dễ. Có ông khách đến mua cây cảnh, thắc mắc với anh Dương Sinh, là nhà nước kỳ quá, mộ Cụ ở đây thì đường nên đặt là đường Phan Châu Trinh chứ! Tôi góp chuyện, là Phan Thúc Duyện cũng đồng hương Quảng Nam, là đồng chí của Cụ trong phong trào Duy tân. Bạn bè sống chết gần nhau, đó chẳng phải là điều quá hay, quá ấm lòng giữa ba đào thế sự nổi nênh, dù cỡ Cụ Phan, một đời sương tuyết phong ba, có cần chi vỗ về của trăm họ.

Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh.
Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh.

Tôi thơ thẩn trong vườn. Nắng sớm xuyên qua bức tượng bán thân bằng đá Non Nước đem từ Đà Nẵng vào, phản chiếu xuống hồ nước rồi khúc xạ ngược lên, óng ánh, rắc vàng những sợi thẳng băng, khiến tôi nghĩ đến những cơn sóng dữ từ cuộc đời bão dông của Cụ, sóng thế sự mà cũng là sóng như thác gầm biển động từ đôi mắt nhìn xuyên thời đại như thể từ đất quê nghèo Tiên Lộc nứt ra, thấu trời xanh. Vẫn hằn trong tôi ý nghĩ những mẫu người một thuở, ra đi từ mái tranh xơ xác nắng mưa xứ Quảng mà dựng cơ nghiệp tư tưởng giữa trời Nam như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, kỳ lạ như thể trời đất đặt vào tay họ một lời nguyền, một sứ mệnh được chọn không thể khác.

Có nhóm thanh niên đâu đó vào thắp nhang, lời người hướng dẫn rằng “Cụ là, là, là...”. Họ thắp nhang vội vã rồi nói cười, chụp ảnh như thể đi phượt. Biết làm sao được, “sóng đã khác, biển bây giờ cũng khác”.  Cũng đành thôi. Mỗi thời có một sự quan tâm khác biệt, nhưng chắc chắn nan đề triết học từ thuở con người nhận thức được “Ta là ai, từ đâu đến, làm gì, ra sao”, mãi là câu chuyện không bao giờ cũ. Truy vấn nhận thức này chỉ có được bằng một chữ, là Trí, còn khi  nào nhận ra được, có được hay không, là… tùy duyên.

Anh Dương Sinh là người xã Điện Minh, Điện Bàn, vào đây năm 2004, phụ cùng bà Sáu Sương  - là em dâu nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - coi sóc khu lưu niệm này. Anh nói “cô Bình giúp em về đây, sau mấy năm em làm ở ngành địa chất”. Thôi thì gắng giúp gia đình Cụ Phan, cũng là cái duyên vậy. Vườn rộng, nên cho một cơ sở châm cứu y học cổ truyền thuê một khu làm nơi chữa bệnh, rồi bán thêm cây cảnh, thảy để có tiền mà chăm sóc nơi hương khói Cụ.

Nhắc nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, tôi nhớ năm kia được phỏng vấn bà tại Hội An thông qua sự giúp đỡ của anh Nguyễn Sự. Cả buổi chiều, nói đủ thứ chuyện từ chính trị qua đời thực, tôi gói gọn hành trạng cuộc đời của bà chỉ trong ba chữ của ông ngoại là Cụ Phan Châu Trinh “chi bằng học” trong bài viết của Cụ trên báo Tiếng Dân số 613 năm 1933. “Bất như học” (chi bằng học) là chữ Hán. Cả đời Cụ là câu chuyện tư tưởng, thì học chính là ngọn đèn quán chiếu tất cả, để biết mình đang u mê, ù ù cạc cạc nên phải làm khác đi. Chuyện về tinh thần và tư tưởng Phan Châu Trinh có giá trị xuyên thời đại ra sao, bây giờ khỏi bàn nữa, và tôi nói thẳng, 45 năm qua, câu chuyện giáo dục ở mình, đem so với lời Cụ nói gần 100 năm trước, thấy quá bẽ bàng. Ở đây tôi chỉ nói riêng chuyện học mà thôi. Có trời đất thánh thần chi đi nữa, thì đi học để kiếm cái nghề mà sống. Hồi đó Cụ đã kêu gọi “Người ta trọng có tài có nghiệp/ Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn”, mà nghề “Dầu rằng thợ mộc, thợ rèn” nhưng “Tài hay trí tốt tiếng khen vang”. Ô hô, ngó cái sự háo danh, học hành bây giờ, nói chán ngán kiểu Quảng Nam, là không thèm nói nữa, làm thinh trớt.

Bên trong Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh.
Bên trong Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh.

Tôi đứng trước lối vào mộ Cụ, ngước nhìn hai cây tùng to lớn được trồng từ ngày làm khu lưu niệm năm 1993, nhớ bài thơ “Tùng” của Nguyễn Trãi: “Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thuở ba đông/ Lâm tuyền ai rặng già làm khách/ Tài đống lương cao ắt cả dùng”. Cây tùng xứ Quảng đã vươn trong sương tuyết bão dông từ đông sang tây, vắt nhựa mình mà dâng hiến cho đồng bào, chấp phận tù tội, truy đuổi mà ngọn mà dáng không ngã nghiêng. Tôi nghĩ về Nelson Mandela, lãnh tụ Nam Phi một đời tù đày để trở về trong vòng tay người dân, đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ. Vòng tay của người Việt hay những cờ, biểu, đôi chân rần rần xuống đường biểu tình năm Cụ tạ thế, chính là sự thức tỉnh của một tinh thần Việt khi nhận ra mình phải làm chi trước họa mất nước, vong nô và  ngu mê. Vậy cuối cùng của những lời hò hét như sấm vang (chữ của Huỳnh Thúc Kháng dành cho cụ Phan) để lại bài học  gì cho dân Việt, và nói thu gọn hơn ở xứ Quảng Nam, là gì? Đó chính là Văn hóa. Đây không phải là kết luận của tôi, mà là của một người dân xứ Quảng, nhà văn Nguyên Ngọc.

Tiền nhân chúng ta đã đi trước thời đại khá lâu, những điều họ trao truyền không nằm ngoài cái mạch sống cần và đủ để cháu con tạo dựng vị thế đời sống từ cá nhân đến xã hội, dẫu nhân loại đã đi đến đâu và sẽ ra sao. Sự hiểu biết sẽ dẫn dắt chứ không phải là khẩu hiệu. Một nền tảng văn hóa vững, sẽ quyết định một hành động đúng. Khó là ở chỗ dám vượt thoát định kiến, dám nhìn nhận đúng sai và dám đương đầu với tất cả  tâm thành và nhiệt huyết. Lớp sĩ phu thời cụ Phan, trí óc họ, muốn êm ấm trang viên, bổng lộc, khó chi, nhưng họ bất cần bởi họ rành quá cái câu “gót danh lợi bùn pha sắc xám”, rồi cái câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” khiến họ không quay lưng với thời thế.

Người Quảng Nam vốn cứng cỏi, thời nào cũng có kẻ khí tiết, nhưng không lẽ cứ rút kinh nghiệm và ê a học thuộc bài cho xong hay sao? Khu kinh tế mở Chu Lai, Đô thị cổ Hội An với những đột phá trong quản lý, mở mang, giữ gìn, thể hiện rõ tinh thần Quảng Nam, nhưng chỉ chừng đó, đâu có đủ. Người ta trông chờ những đột phá khác từ cái sự học được tiêu hóa bằng tầm nhìn riêng có trong khát vọng muốn đổi thay. Chỉ có vậy, quê xứ mới mong đổi thay, để kẻ ra đi xa xứ hay người ở lại, khi nghĩ về cha ông, lòng không thẹn...

Có điện thoại, người bạn hỏi đang ở đâu, tôi nói đang thăm mộ Cụ Phan Châu Trinh, anh cười “dân Quảng Nam muốn thành danh, thường phải ở xa xứ”. Tôi cũng cười, rằng cái này “Phủ biên tạp lục” Lê Quý Đôn có nói xa gần rồi, tội cho phong thổ thôi, tức thì anh nói rằng, ngon ở đó mà thành thì mới mát lòng cha ông! Tôi đành xuống nước, rằng ông nói như công án. Ai giỏi giang, hễ giúp đời là quý, cần chi ở đâu, nhưng ở phương vị quê nhà, tinh thần cụ Phan được kích hoạt ra sao, không phải lúc nào cũng dễ, khi muôn đời những người mở đường, đầu óc khác biệt, bao giờ cũng cô đơn.

Tôi ngó lại lần nữa hai cây tùng ngạo nghễ trong nắng phương Nam, nhớ quê mình giờ đã tiết đông chí…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây tùng xứ Quảng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO