Chân trần xung trận

LÊ VĂN CHƯƠNG 06/05/2022 07:59

Từ bé cho tới lúc đi bộ đội, chàng trai trẻ Nguyễn Tấn Đồng (SN 1944) chưa từng biết tới đôi dép. Đôi chân trần của cậu bé hàng ngày cùng mấy anh em băng qua trảng cát nóng bỏng, từ thôn Vĩnh Đại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành qua tuyến đường ray xe lửa sang thôn bên cạnh để đi học. Ngày lên rừng theo quân giải phóng, ông nổi bật giữa đoàn người khi vẫn đi chân không.

Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Đồng luôn nhớ về những hồi ức thời đi chân trần đánh trận. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Đồng luôn nhớ về những hồi ức thời đi chân trần đánh trận. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Gõ mõ - Vô rừng

Tối 15.11.1961, ngôi làng vắng vẻ, đêm về hun hút tiếng gió bất chợt vang lên tiếng mõ lốc cốc. Tiếng mõ đầu làng vừa dứt thì cuối làng lại vang lên, sau đó lan sang các ngôi làng khác, giống như một bản nhạc ngẫu hứng của gió.

Người dân nghe tiếng mõ rộn vang trong đêm thì mừng. Vì đó là dấu hiệu của cách mạng về làng. Còn các đối tượng có liên quan tới địch, như chỉ điểm, nằm vùng thì run sợ. Một loạt súng bắn chỉ thiên trong đêm càng làm ngôi làng nằm giữa những gò cát trắng thêm ám ảnh đối với 2 ông Tấn và Tứ.

Rồi tiếng súng lách cách trước nhà của 2 đối tượng này. Người ta nói lao xao gì đó về việc bắt đối tượng nằm vùng để nắm tình hình cách mạng ban đêm, ban ngày báo cho bọn dân vệ. Hai đối tượng này bị trói gô sau lưng và bị dắt đi vào màn đêm.

Cùng lúc đó, ở nhiều hướng khác, thanh niên, nam nữ đã tập trung dần về khu vực trảng cát đã được cơ sở quy ước là điểm tập kết. Chàng trai Nguyễn Tấn Đồng 16 tuổi, đi chân trần, ánh mắt ngơ ngác và nói với mọi người về việc sẽ theo quân giải phóng trên rừng, khi lên đó không biết có gặp được anh trai đã vào rừng trước đó vài năm.

Khi tiếng mõ lốc cốc lắng xuống, mọi người bắt đầu tập hợp thành hàng và có giao liên dẫn đường, hướng về phía ngọn núi xa xa. Đi về vùng nào? Mọi người hỏi thì chỉ biết sẽ đi qua cả ngọn núi Chúa, đến vùng đất cực kỳ hoang sơ và hiểm yếu thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Con đường đi trong đêm đầy gai góc, dẫm lên đá nhọn, nhưng chàng trai trẻ với đôi chân không vẫn không hề xuýt xoa. Có thể vì mệt mỏi, vì say sưa với con đường mới nên cậu quên mất cảm giác. Nhưng cậu lý giải về việc từ bé đã đi chân trần, vì vậy gai không còn xuyên qua được lớp da dày như lốp xe dưới đôi bàn chân.

Đi từ nửa đêm hôm trước mãi đến trưa hôm sau thì cả đoàn tạm nghỉ bên một cánh rừng già, chỉ có tiếng gió reo và không bao giờ nghe thấy tiếng đạn pháo, trực thăng. Chàng trai Nguyễn Tấn Đồng nổi bật giữa đám đông ở đôi chân trần và ai cũng ngỡ ngàng vì sao đôi chân kia có thể dẫm trên đá nhọn, gai góc, nhưng vẫn đi băng băng suốt một đêm trường.

Chàng trai trẻ kể rằng, cả nhà 6 người con, nhưng không sắm nổi dép, ai cũng đi chân trần. Những ngày đi học, mỗi người mang theo một cành dương liễu. Đi qua bãi cát cháy bỏng để sang thôn bên học văn hóa, mọi người cứ thả cành lá để đặt chân lên, rồi lại đặt cành lá kế tiếp.

Trảng cát rộng khoảng cây số trở thành hình ảnh theo cậu từ lúc thơ ấu cho tới lúc cuối đời. Chàng trai chân trần được biên chế về Trung đoàn 1 (sau này là Trung đoàn Ba Gia), đơn vị đã tham gia đánh trận Vạn Tường, là trận chạm trán đầu tiên giữa quân giải phóng với lính Mỹ tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 18.8.1965.

Đánh trận mất dép

Khi thấy chàng lính trẻ tập luyện với đôi chân trần, anh Thuận, tiểu đội trưởng hứa “khi nào đánh lấn xuống vùng dưới sẽ mua cho em đôi dép”. Giữ đúng lời hẹn, khi xã Kỳ Thạnh trở thành vùng giải phóng, anh Thuận liền mua ngay cho chàng trai đôi dép cao su. Lần đầu tiên trong đời biết tới đôi dẹp, chàng trai Nguyễn Tấn Đồng cứ phải đi đi, lại lại để chân quen với cảm giác nằm cách mặt đất, dưới bàn chân là một bàn chân khác.

Ảnh tư liệu về Trung đoàn Ba Gia sau này - là đơn vị trước đây của ông Nguyễn Tấn Đồng.
Ảnh tư liệu về Trung đoàn Ba Gia sau này - là đơn vị trước đây của ông Nguyễn Tấn Đồng.

“Có được đôi dép, trời ơi, quý vô cùng, nên sau ngày giải phóng tôi cố tìm lại anh Thuận để thăm hỏi gia đình, cảm ơn, nhưng tìm mãi không ra tung tích” - ông Đồng kể lại.

Mang đôi dép và không ngại gai góc, chàng trai Nguyễn Tấn Đồng càng trở nên nhanh nhẹn, khi đánh trận thì luồn lách, bò, lê, xung phong cùng đồng đội không còn lo việc phải băng qua những đống lửa khói.

Lên rừng được một năm thì nỗi lòng hướng về gia đình của chàng trai cũng nhẹ đi, vì người mẹ của ông là bà Bùi Thị Toa đã tiếp tục dắt luôn 4 người em chạy vô núi theo cách mạng. Người anh trai đi đầu tiên, tới ông Đồng. Những gia đình có người đi theo cách mạng như vậy thì suốt ngày trở thành mục tiêu đấu tố của chính quyền. Bà Toa dẫn con đi cũng là cách để tránh bị vùi dập, trả thù, để cho những người con lên rừng yên tâm chiến đấu.

Trận đánh đầu tiên trong năm 1961, chàng trai chưa có kinh nghiệm trận mạc, nên được những người lính đi trước giao nhiệm vụ nằm cảnh giới, còn nhóm quân sẽ xuống dốc để đánh đám lính dân vệ. Từ trên lưng đồi nhìn xuống, đám lính dân vệ ở khoảng cách 600 mét, nhưng khi lại gần thì là lính biệt động quân. Anh em nói đùa là đánh để kiếm 6 đôi dép mang về cho anh em sử dụng.

Đi đánh trận thời đó không có đủ thiết bị thông tin, sử dụng súng bắn một phát thì phải lên đạn, bắn 5 phát thì phải thay kẹp đạn, trong khi địch đã trang bị hỏa lực mạnh là súng trung liên, đại liên.

Khi nhóm chiến sĩ vừa đi xuống và khuất sau điểm quan sát 300 mét thì địch phát hiện và triển khai đội hình chiến đấu. Vì không quan sát được nên mọi người vẫn ung dung tiếp tục đi. Ông Đồng thấy tình hình căng quá, không thể gọi với được, nên bắn 2 phát súng báo hiệu.

Anh em đơn vị chạy ngược lên dưới làn đạn bay như trấu của địch. Mọi người rút qua bên kia sườn đồi dưới cơn mưa rả rích. Ông Đồng kêu oái một tiếng, dừng lại rồi tiếp tục chạy. Ông tiếc đứt ruột vì mới đánh trận đầu đã bị mất đôi dép cao su, lại tiếp tục mang chân trần đi đánh giặc.

Năm 1962, trong trận tấn công để làm chủ quận lỵ miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, chàng trai trẻ đã ngã xuống với những vết thương khá nặng. Một viên trúng cổ, một viên xuyên từ ngực xuống hông và một viên trúng tay phải.

Ông kể lại: “Tôi xung phong và tiến vào khu chợ, vừa tiến vừa bắn, nhưng địch nắm được địa hình nên vòng sau lưng và bắn mình 3 phát”. Nhưng rồi ông vẫn sống sót như một phép màu, sau đó được đưa ra trại an dưỡng ở Thanh Hóa vào năm 1964. Khi sức khỏe bình phục, ông luôn nghiến răng để cơ thể hoạt động bình thường, cứ sáng dậy sớm chạy 5km, đến năm 1965 ông thi vào Trường Lục quân 2.

Năm 1975, chàng trai chân đất trở về quê hương và tiếp tục công tác trong ngành tư pháp quân đội, giữ chức Viện Trưởng Viện kiểm sát Quân khu 5. Năm 2001, ông về hưu và tham gia công tác tại địa phương thêm 12 năm nữa. Hai người con trai của ông hiện nay đều nối nghiệp quân ngũ.

Ngồi hồi ức chuyện cũ, ông bảo đừng viết gì về mình, vì mới ra trận thì đã bị thương, trong khi anh em khác nhiều công trạng hơn. Cuối đời, ông viết cuốn nhật ký “Cuộc đời tôi”, trong đó kể khá tỉ mỉ về việc đi học mang theo bó lá.

Ông viết: “Khi đi học, hai anh em tôi phải vượt qua trảng cát rộng hơn 1km. Theo quy luật thì máy bay địch ít xuất hiện vào giờ trưa. Khi tới bìa rừng, hai anh em be một cành cây to để làm dù vượt qua trảng cát. Khi nghe tiếng máy bay thì ngồi xuống, dùng cành lá phủ người giống như lùm cây…”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chân trần xung trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO