Chuyện hai cựu chiến binh già xứ Quảng

LÊ ANH DŨNG 19/05/2021 09:44

Đúng như người xưa nói, ở đời không ai lường trước được chữ “ngờ”. Tôi cũng không ngờ có ngày mình kết nối làm nên cuộc gặp gỡ của hai cựu chiến binh tuổi đã ngoài tám mươi, từng tham gia du kích, rồi bộ đội thời kháng chiến chống thực dân Pháp, là đồng hương, lại cùng có duyên gắn bó với Bác Hồ. 

Cụ Phạm Minh Thông (bên phải) và cụ Võ Như Thông tặng sách quý viết về việc xây vườn hoa trong Lăng Bác Hồ và Nhà thờ Bác Hồ. Ảnh: LÊ ANH DŨNG
Cụ Phạm Minh Thông (bên phải) và cụ Võ Như Thông tặng sách quý viết về việc xây vườn hoa trong Lăng Bác Hồ và Nhà thờ Bác Hồ. Ảnh: LÊ ANH DŨNG

Một người tham gia xây dựng Vườn hoa Lăng Bác Hồ - kỹ sư Phạm Minh Thông, quê Điện Bàn.Và một người từng làm trợ lý tuyên huấn Cục Hậu cần Quân khu 5, khi về hưu đã dùng toàn bộ tiền hưu, tiền dành dụm phát tâm xây dựng khu nhà lưu niệm thờ Bác Hồ trên đất Bắc Trà My, là Thiếu tá Võ Như Thông, cũng quê Điện Bàn.

Hai nhân vật đặc biệt ở tuổi gần đất xa trời này cùng tên Thông, cùng quê, cùng bộ đội đánh Pháp, ấy thế mà hơn nửa thế kỷ qua, gần hết đời người mới gặp nhau tại huyện miền núi Bắc Trà My. Do tôi xem trên truyền hình Trung ương, trên báo Quảng Nam, báo Đà Nẵng biết cụ Võ Như Thông xây khu nhà thờ Bác Hồ và cụ Phạm Minh Thông (do các cụ trùng tên nên sau đây xin gọi là cụ Thông Võ và Thông Phạm) tham gia xây lăng Bác Hồ và thấy mình có nhiệm vụ kết nối để hai cụ gặp nhau.

1. Một ngày, tôi cùng phóng viên Lê Ngọc Khoa đưa cụ Thông Phạm về thăm Nhà thờ Bác Hồ của cụ Thông Võ tại thị trấn Trà My, ở số nhà 14 đường Chu Huy Mân. Không gian nơi đây thật thiêng liêng, ấm áp. Trước nhà là tượng Bác Hồ đứng, bằng đá Non Nước, cao 1m70, tay trái cầm cuốn sách, tay phải giơ cao thân ái chào mọi người, gương mặt nhân từ phúc hậu; sân vườn trồng các loại cây ăn quả và ao cá chép bơi lội tung tăng.

Trước cổng nhà có bốn cây trụ bằng đá trắng tạc câu đối: “Lo vì Dân, nghĩ vì Dân, vui khổ cũng vì Dân, dốc chí thờ Dân, công Bác với Dân thiên thu bất tận/ Bố gọi Bác, con gọi Bác, cháu chắt lại gọi Bác, nối dòng theo Bác, lòng Dân mong Bác vạn thọ vô cương”.

Bên trong là phòng lưu niệm Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ, có bức tượng Bác Hồ dưới đế chiếc hòm gỗ phủ vải đỏ bọc hai nắm đất ở quê nội, quê ngoại Bác Hồ; gian trưng bày hàng trăm đầu sách, tranh ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Ngoài gian thờ Bác Hồ, còn có đền thờ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương; chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội, Cần vương Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu, gian thờ chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ cách mạng như Nguyễn Thị Minh Khai, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý…

Cụ Thông Phạm xúc động tặng cụ Thông Võ cuốn sách “Tấm lòng người thợ xây lăng Bác Hồ” của mình và tấm bằng giải thưởng cuộc thi viết về “Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trung ương.

Còn cụ Thông Võ tặng lại cụ Thông Phạm cuốn sách photocopy “Những bài báo viết về tấm lòng đồng bào Trà My với Bác Hồ”, do Hoàng Tùng sưu tầm, ca ngợi thành quả, công đức của cụ Thông Võ xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ.

Hai cụ ôm nhau vỗ vai, vỗ lưng đồm độp với chất giọng Quảng Nam oang oang cả nhà: “Đồng đội, đồng hương ơi, răng anh với tui không gặp nhau sớm hơn hỉ. Thôi, chừ mới được Bác Hồ linh thiêng cho bọn mình gặp nhau cú chót cuối đời cũng vui lắm rồi. Rứa hỉ!”. Rồi hai cụ quấn quýt nổ chuyện như bắp rang, không dứt ra được.

2. Nói đến chuyện xây nhà thờ Bác Hồ, cụ Thông Võ tâm sự: “Để tỏ lòng kính yêu và nhớ thương Bác Hồ, tôi đã dành hết tâm trí khi về hưu để xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện Nhà thờ Bác Hồ. Hằng năm vào ngày 2.9, tôi và vợ con đều thành kính làm giỗ Bác, được nhiều bà con đồng bào các dân tộc Trà My đến dâng hương tưởng nhớ và nghe tôi kể chuyện 3 lần được gặp Bác Hồ và tấm gương trong sáng về đạo đức của Bác, về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Về cụ Thông Phạm đây, nếu không tặng cuốn sách “Tấm lòng người thợ xây Lăng Bác Hồ” thì tôi cũng không biết cụ tham gia tích cực trong xây dựng Vườn hoa trước Lăng Bác Hồ năm 1974, một nhiệm vụ, một trách nhiệm và một bổn phận thiêng liêng, cao cả của người cựu chiến binh, kỹ sư, đảng viên”.

Cụ Thông Phạm tiếp lời: “Kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, tôi tập kết ra Bắc năm 1955, được đơn vị tạo điều kiện ăn học, ôn tập thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1962. Trong đời mình, tôi vinh dự được 2 lần gặp Bác Hồ.

Lần đầu vào tháng 12.1961, Bác về thăm Sư đoàn 324 tại Rú Đụn, Nam Đàn, Nghệ An. Khi đó tôi là chuẩn úy, mang quân phục nghiêm trang đón Bác. Là người chiến sĩ được nhân dân vinh danh Bộ đội Cụ Hồ thì đón Bác Hồ là một vinh đự lớn lao trong đời mình và đồng đội.

Lần hai, tháng 3.1962, Bác Hồ về thăm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi là một trong 250 người được lựa chọn đón Bác. Xuất thân bộ đội, lại là sinh viên miền Nam, nên tôi được ngồi nhìn thấy rõ Bác hơn các bạn và cán bộ lãnh đạo, giảng viên toàn trường”.

Cũng theo lời cụ Thông Phạm, tự hào được gặp Bác Hồ và quyết noi gương Bác Hồ trong chiến đấu, trong sự kiện 12 ngày đêm năm 1972, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, vào Hà Nội, ông với tư cách Giám đốc Xí nghiệp Bê tông Vĩnh Tuy Hà Nội kiêm Trung đội trưởng tự vệ xí nghiệp đã chỉ huy đơn vị phối hợp bắn rơi một máy bay của giặc Mỹ, được Bộ Tư lệnh Thủ đô tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Và một vinh dự lớn lao nữa trong đời ông là vào tháng 8.1974 được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất toàn bộ thanh bê tông cường độ cao để thi công vườn hoa phía trước Quảng trường Lăng Bác Hồ.

Cụ Thông Phạm kể: “Gấp rút - Chất lượng - Thẩm mỹ - Thời gian, là mệnh lệnh của trái tim: Phải bàn giao cho Ban Chỉ huy Công trường xây dựng Lăng Bác Hồ sao cho kịp khánh thành vào ngày 2.9.1975 đón đồng bào miền Nam ra thăm Lăng Bác...

Trong thời gian thi công công trình, miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), non sông thu về một mối, tôi và vợ cũng gợn tâm trạng ngày Bắc đêm Nam, muốn về thăm quê thắp hương mộ cha, chăm sóc mẹ già hơn 30 năm chờ con mòn mỏi.

Nhưng xác định nhiệm vụ như lời tuyên thệ và động viên toàn xí nghiệp bám công trường, nâng cao năng suất chất lượng và đã bàn giao xong trước ngày 20.8.1975. Mừng vui khôn xiết. Đây là chiến công mới kỷ niệm 6 năm ngày mất của Bác Hồ…”...

Sau khi thắp hương lạy tạ Bác Hồ và trước lúc chia tay, tôi gợi ý về nguyện vọng cuối đời, thì được hai cụ bắt tay tôi phát cùng một ý: “Qua bao vinh quang và cay đắng, qua bao thăng trầm, từng bị thiệt thòi, hoạn nạn, nhưng tâm niệm học theo tấm gương Bác Hồ về đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, việc cống hiến, phụng sự cho đất nước, cho dân tộc, nên không nản lòng, nản chí”.

Hai cụ ôm nhau thấm thía và cùng đọc bài thơ “Giã gạo” của Bác Hồ viết trong tù ngục kẻ thù: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện ắt thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện hai cựu chiến binh già xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO