Nhặt chuyện ở K'nonh

ALĂNG NGƯỚC 03/10/2019 13:36

Làng cổ K’nonh của đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới A Xan (huyện Tây Giang). K’nonh là làng Cơ Tu duy nhất sở hữu nghề gốm, và cũng là nơi vẽ chân dung một cán bộ là “người ơn” của làng.

Một góc bình yên làng K’nonh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc bình yên làng K’nonh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đã từng có rất nhiều người đặt nghi vấn, rằng ở nơi thâm sơn cùng cốc này, bằng cách nào mà người Cơ Tu có thể có được nghề gốm? Liệu có phải đây là nghề đặc trưng của đồng bào, hay nghề này đến theo sự giao thoa văn hóa vùng miền trong lịch sử? Nhưng ở K’nonh có hẳn một câu chuyện về người con gái đầu tiên phát minh ra nghề gốm. Thời điểm đó, cho đến bây giờ nếu cộng lại cũng đã hơn 6 đời người...

“Nghệ nhân” cuối cùng

Chúng tôi bước vào gươl. Ít phút sau, bên trong cũng đông đúc người làng tìm đến. Ở vùng cao, gươl là nơi đón tiếp khách và sinh hoạt cộng đồng. Khác so với rất nhiều nơi mà chúng tôi từng đến, gươl ở K’nonh được trang trí hoàn toàn bởi những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian và nắng gió. Như pr’eeng (chiếc gùi đựng thóc), đh’điêng (cái nia), tà’lec (gùi đàn ông) và cả các loại chum đựng gạo, hủ đựng thóc… cũng đều được đặt tên, hàm nghĩa tri ân sau thời gian gắn bó với người làng.

Ông Hôih Tiến - Trưởng thôn K’nonh nhìn tôi, bảo trong số đồ gốm được trưng bày ở gươl, đa số là do chính tay cụ Bh’ling Truốh làm ra từ đất sét. Loại đất này chỉ được lấy về từ thung lũng K’ool, cách chừng vài cây số, có màu vàng nhạt, rất dẻo. Đất K’ool sau khi trộn đều với nước và dùng chày giã nhuyễn, được phụ nữ Cơ Tu đặt trên tảng đá lớn để chế tác nên những sản phẩm gốm độc đáo. Tất cả đều làm bằng thủ công, ra lò sau thời gian phơi khô, nung lửa.

Cụ Truốh kể về công đoạn làm gốm, rành mạch như tuổi thanh xuân của mình gieo lúa trên đất rẫy. Bởi với cụ, nghề gốm chẳng khác gì chồng con, cả cuộc đời gắn bó. Để đến bây giờ, khi nhìn lại, cụ Truốh đã là một bà lão. Người đời gọi cụ là “nghệ nhân duy nhất còn sót lại ở làng gốm K’nonh”. Thông tin đó, một cán bộ đang công tác ở ngành văn hóa địa phương xác nhận với tôi, ngay trước mặt cụ. Nhưng cụ thì vẫn cứ cười hồn nhiên như một đứa trẻ. Bởi thật lòng mà nói, danh xưng nghệ nhân hay thứ gì đấy mà họ chưa quen tai, không là điều quan trọng với bất kỳ tài năng nào ở núi.

Những phụ nữ Cơ Tu ở làng K'Nonh khoe bình gốm, sản phẩm đầu tiên do họ làm ra. Ảnh: H.T.P
Những phụ nữ Cơ Tu ở làng K'Nonh khoe bình gốm, sản phẩm đầu tiên do họ làm ra. Ảnh: H.T.P

Dù đã qua 90 mùa rẫy, nhưng trông cụ Truốh vẫn rất minh mẫn. Phụ nữ Cơ Tu như cụ, rất hiếm. Ngay cả người em gái mà cụ giới thiệu, ngồi cạnh bên, cũng cảm giác già hơn cụ Truốh. “Bây giờ già lắm rồi. Đau ốm liên tục. Amế (mẹ) không thể tự tay cầm chày để giã đất sét, cũng không thể làm ra bình gốm vừa mịn vừa đẹp như trước. Amế chỉ có thể bày cho mấy đứa cháu trong làng cách làm thôi” - cụ Truốh chia sẻ, rồi hướng sang những chiếc bình gốm màu đất, nói đó là thành quả sau thời gian truyền nghề cho lớp phụ nữ trẻ ở làng. Gần 10 cô gái theo học, ròng rã suốt một tháng trời, cơ bản cũng đã tạo ra được sản phẩm cho riêng mình.

Cụ Truốh thở phào, nhìn “học trò” giới thiệu gốm với khách, rồi quay sang nói với tôi: “Vẫn chưa đẹp”. Thời của cụ Truốh, những bé gái trong làng chừng 13 - 14 tuổi đã bắt đầu biết làm gốm. Vì gốm thời đó rất có giá trị nên người ta sẵn sàng mang cả trâu, bò, heo để đổi lấy, xem đó như một tặng phẩm, “của hồi môn” cho con gái về nhà chồng. Gốm càng đẹp, càng được đồng bào ưa chuộng.

Tôi ngắm nghía gốm. Cả cũ lẫn mới. Thấy rõ sự khác biệt giữa hai thế hệ. Một bên là truyền thống, mềm mại từng đường xoay và cách tạo hình. Còn một bên có chút hiện đại, đầy sự phá cách trong tiếp cận của người trẻ. Để các cô gái dễ hình dung về kỹ thuật làm gốm, vài tháng trước, Trưởng thôn Tiến đã dẫn họ xuống tận các làng nghề gốm ở TP.Hội An để học tập và trau dồi kinh nghiệm.

“Nói gì thì nói, công sức của bà Truốh là lớn nhất. Từ kinh nghiệm chọn đất, trộn đều nước để tạo sự kết dính, cho đến cách tạo ra các hình tượng của gốm đều được bà hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo. Bởi tâm nguyện lớn nhất của bà, là mong muốn nghề gốm truyền thống của cha ông mãi mãi không bị thất truyền” - ông Tiến nói.

Chân dung trên vách gươl làng

Làng K’nonh có 169 hộ với 670 nhân khẩu, đều là người Cơ Tu sinh sống lâu đời. Nhiều năm trước, đồng bào chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước bậc thang và làm gốm. Vài năm gần đây, đồng bào ở K’nonh đã bắt đầu trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng và phát triển mô hình trồng rừng thay thế nhằm cải thiện sinh kế. Năm ngoái, từ chủ trương của Nhà nước, các thôn K’noonh 1 và K’noonh 2 sáp nhập và đổi tên thành K’nonh, như bây giờ.

Chẳng cần nói gì thêm. Điều đó, với tôi là rất lạ. Vẽ chân dung một người trên vách gươl không phải là điều dễ nhìn thấy trong văn hóa đồng bào Cơ Tu. Nếu có, cũng chỉ là chân dung của các vị lãnh tụ. Bằng không, người ta chỉ phác họa một vài bức phù điêu ghi lại hoạt cảnh về đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Nhưng ở K’nonh thì khác, xen giữa hình ảnh quen thuộc, trên vách gươl, là chân dung của một người nào đó rất lạ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

“À, anh này là Zơrâm Tuốc, thời kỳ kháng chiến là Chủ tịch xã Ch’Ơm, bây giờ thì ảnh đã mất rồi. Hồi đó, K’nonh cũng thuộc xã Ch’Ơm, anh Tuốc giúp đỡ rất nhiều” - già làng Alăng Giar giải thích với chúng tôi về bức chân dung được ưu tiên vẽ trên vách gươl làng K’nonh. Bức vẽ này do nghệ nhân Coor Tíc thực hiện lúc gươl làng vừa mới dựng lên, cách đây vài năm, dựa theo một bức ảnh của nhân vật.

Ông Tuốc có thời gian làm chủ tịch xã, sau đó tăng cường lên huyện, rồi lại trở về địa phương đảm nhận vị trí Bí thư Đảng ủy xã. Suốt cuộc đời làm cách mạng, ông Tuốc luôn hết lòng vì dân làng, trực tiếp cùng đồng bào tham gia sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu vốn còn dai dẳng trong tập quán người vùng cao.

Già Giar chia sẻ, trước khi chân dung của ông Tuốc được vẽ lên gươl, các già làng đã tổ chức cuộc họp cộng đồng để thống nhất, tránh điều tiếng không hay sau này. Nhưng công lao của ông Tuốc với dân làng thì ai cũng biết. Vì thế, khi vừa đề xuất, các già làng đã nhận được ngay sự đồng ý từ cộng đồng. “Thời đó, vai trò của cán bộ xã rất lớn, nên ông Tuốc được nhiều người làng vùng cao mang ơn. Vẽ hình lên vách gươl, là để vừa làm kỷ niệm vừa tri ân công lao của anh Tuốc với dân làng K’nonh”.

Già Giar nói, ngày trước không có công việc gì ở thôn, ở xã mà thiếu mặt ông Tuốc, từ tổ chức lễ hội, cúng tế thần linh, cho đến ma chay, cưới hỏi, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng. Ông Tuốc, với thêm 4 người khác ở làng, là những người đầu tiên ở vùng cao Tây Giang cầm giáo đâm chết giặc Pháp, bảo vệ dân làng. Người K’nonh mang ơn ông nên vẽ chân dung lên vị trí được xem là quan trọng nhất của gươl, xưa nay vốn rất hiếm ở làng vùng cao.

Nếu không nhầm, tôi nhớ, chỉ duy nhất, là ở gươl chung tại Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang đặt ở trung tâm huyện là có chân dung từng vị lão thành cách mạng qua các thời kỳ có công lớn cho sự nghiệp phát triển của địa phương, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức trưng bày hình ảnh chân dung, chứ không khắc họa lên vách gươl như ở K’nonh này. Vì thế, khi đem chuyện này kể với một vài già làng khác, cũng ở Tây Giang, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, dù sau đó rất ủng hộ, giống như người miền xuôi khi mang ơn vị nào đó có công với làng cũng đều xây dựng miếu thờ để tri ân, nhắc nhớ con cháu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhặt chuyện ở K'nonh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO