(QNO) - Cách làm du lịch độc đáo và chuyên nghiệp của Thái Lan để lại ấn tượng mạnh cho đoàn phóng viên một số cơ quan báo chí; nhân khởi động đường bay thẳng trực tiếp Đà Nẵng - Băng Cốc do Công ty du lịch Vietravel tổ chức chuyến Presstrip tại 2 thành phố Băng Cốc và Pattaya (Thái Lan).
Bài 1: Thú vị chuyện đi, ăn và mua sắm
Thái Lan là một đất nước rộng lớn ở Đông Nam Á với diện tích khoảng 513 nghìn km2 và dân số trên 67,5 triệu người (số liệu đến tháng 7.2014). Du lịch Thái Lan luôn mang đến cho du khách những bất ngờ thú vị từ văn hóa, lịch sử đến kiến trúc cũng như cuộc sống của người dân nơi đây.
Chuyện giao thông ở Thái Lan
Nếu lần đầu đến Thái Lan, bạn sẽ choáng ngợp trước hệ thống giao thông của nước sở tại. Đưa vào sử dụng năm 2006 với kiến trúc 4 tầng, sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Băng Cốc được xem là một trong số ít sân bay lớn nhất Đông Nam Á với lưu lượng máy bay lên xuống mỗi ngày 800 chuyến và bình quân mỗi năm đón khoảng 50 triệu lượt khách. Chỉ hình dung từ cầu thang máy bay, xe buýt đưa khách vào đến nhà ga làm thủ tục nhập cảnh phải chạy mất 10 phút, sẽ thấy sự rộng lớn của sân bay này. Tại Băng Cốc và Pattaya, 2 thành phố chúng tôi đến, ngoài hệ thống tàu điện ngầm thì đường sá khá hiện đại và trật tự, nhất là hệ thống đường trên cao, có chỗ được thiết kế đến 5 tầng chằng chịt và kéo dài vài chục cây số. Trên đường phố,ì ô tô rất nhiều đến nỗi xe máy muốn lưu thông bắt buộc phải bật đèn ngay cả ban ngày để tránh ô tô. Thế nhưng, tại đây hầu như ít có tiếng còi xe hay lấn làn, tranh đường, tất cả đều tuân thủ trật tự. Anh Nguyễn Đức Thắng - hướng dẫn viên Công ty Vietravel có kinh nghiệm 7 năm đưa khách đến Thái Lan cho biết, sở dĩ có nhiều ô tô vì chính phủ Thái Lan trợ giá và hỗ trợ người dân bằng các chính sách tài chính như cho vay lãi suất thấp thời hạn 60 năm. Riêng với ai muốn mua xe cũ thì giá cũng rất rẻ khoảng từ 50 - 70 nghìn baht (1baht tương đương 650 đồng Việt Nam) dành cho xe chất lượng sử dụng còn khoảng 70%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của nước Anh, tất cả xe ô tô ở Thái Lan đều thiết kế theo tay lái nghịch, nghĩa là tài xế ngồi lái bên phải, khách lên xuống bên tay trái và khi lưu thông cũng theo chiều ngược với Việt Nam. Khi dịch vụ là "đặc sản" Nếu như Pattaya được xem là thiên đường giải trí thì Băng Cốc là thiên đường mua sắm. Bạn có thể mua bất cứ thứ gì cần và giá cả cũng rất rõ ràng. Đặc biệt, tại 2 thành phố chúng tôi đến đều có một quy định bất thành văn là món hàng nào có giá trên 100 baht (khoảng 65 nghìn đồng Việt Nam) thì khách có quyền mặc cả còn dưới 100 baht thì bạn đừng trả giá vô ích, họ sẽ không bao giờ bán dù chỉ bớt một baht. Do thời điểm tháng 8 là tháng sinh nhật của hoàng hậu (12.8) nên người Thái cũng chọn tháng này làm tháng khuyến mãi. Tại các siêu thị, hàng quán, shop bán lẻ đều treo bảng giảm giá từ 40 - 80% kể cả những cửa hàng nhỏ. Hầu hết những ai đã từng đến Thái Lan đều thừa nhận, khó thể bỏ qua hàng hóa nơi đây, nhất là hàng điện gia dụng như lò nướng, nồi cơm điện và áo quần… vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, không như các nơi khác, các điểm bán hàng tại Thái Lan mở cửa khá trễ, nên khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đã 9, 10 giờ sáng nhưng hầu hết cửa hàng, siêu thị vẫn còn im ỉm đóng. Ngày cuối cùng của chuyến hành trình 5 ngày trên đất Thái, chúng tôi tổ chức đi mua sắm tại siêu thị Big C, nơi được anh hướng dẫn viên giới thiệu có giá bán rẻ nhất Băng Cốc. Đây là một trong các siêu thị khá lớn của thủ đô Thái Lan nên hàng hóa rất phong phú. Qua 4 giờ đồng hồ mua sắm nhưng dường như vẫn chưa ai thỏa mãn, đến nỗi sau bữa ăn tối một số người lại rủ nhau đi chợ đêm và kết quả là mỗi người lại mang thêm về lô lốc áo vì giá quá rẻ (một áo thun mẫu mã đẹp, vải tốt chưa đến 100 nghìn đồng Việt Nam). Việc Thái Lan chọn tháng Tám làm tháng khuyến mãi đã trở thành điểm nhấn du lịch hàng năm. Trong những ngày ở đất Thái dễ dàng nhận thấy khách du lịch châu Á khá nhiều, đa phần là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam. Chuyện ăn uống cũng là điều khác lạ. Tại Băng cốc và Pattaya rất hiếm thấy quán cà phê như Việt Nam, còn cà phê thì pha rất loãng nên chắc chắn sẽ làm thất vọng không ít người. Riêng thức ăn, trái với cảnh báo của nhiều người về món Thái chua, cay khó ăn, hầu như trong suốt chuyến đi ai cũng ngon miệng và hợp khẩu vị. Thắc mắc với anh hướng dẫn viên thì được biết bây giờ nhà hàng Thái cũng rất thức thời nên các món ăn đều được tiết giảm một số gia vị đặc trưng của Thái nhằm đảm bảo mọi khách Việt đều có thể ăn được vì thời gian gần đây khách Việt du lịch sang Thái Lan rất đông, thậm chí có thời điểm đứng vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng thị trường khách đến đất nước này. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi nghe nhân viên nhà hàng, khách sạn hoặc shop lưu niệm nói tiếng Việt... lơ lớ hay thấy tiếng Việt xuất hiện trên các bảng hướng dẫn tham quan bên cạnh tiếng Trung và tiếng Anh. Nói như lời anh hướng dẫn viên tại cung điện Ananta Samakhom, người Thái rất nhạy bén trong kinh doanh du lịch nên sẽ làm hài lòng tất cả du khách. VĨNH LỘC Bài 2: Người Thái làm du lịchXe SongTaew, phương tiện giao thông công cộng đặc trưng của thành phố Pattaya được nhiều du khách ưa chuộng Tiếng Việt được sử dụng khá nhiều tại các điểm du lịch của Thái Lan