Chưa bao giờ quân dân trên đảo Đá Tây, thủy thủ đoàn và công binh hân hoan như giờ phút ấy. Đó là lúc những viên đá đầu tiên của bạn đọc được chuyển lên đảo và thả xuống lòng đại dương. Hôm ấy có rất nhiều ngư dân đến chia vui, có người ví von thời khắc trọng đại đó là phút “giao thừa” trong lòng biển giữa Trường Sa.
|
Những viên đá đầu tiên từ đất liền được chuyển ra Trường Sa xây dựng đảo Đá Tây A trong những ngày bão gió. Ảnh: Tấn Vũ |
Đợi phía chân trời
Ngày… tháng… năm…
Đã 10 ngày ra vào ngắm con tàu Trường Sa 21 thả neo cách đảo Đá Tây hơn một hải lý nhưng chúng tôi đành bất lực. Sóng to, gió lớn bão bùng liên tục quăng quật khiến công việc xây đảo gần như khựng lại.
Đêm tối như mực. Đã 3 giờ sáng nhưng phía bên ngoài hành lang nhà tạm công binh vẫn còn đốm tàn đỏ khói thuốc. Bên dưới, những con sóng vẫn ầm ào vỗ vào bờ ta luy tung bọt trắng xóa. Nhiều đêm rồi Trung tá Nguyễn Đức Huấn - Khung trưởng Khung xây dựng đảo Đá Tây A vẫn đứng đây ngóng tàu và ngắm đường chân trời. Ông Huấn nhẩm tính, nếu mỗi chuyến tàu ngốn hết một tháng trời cho việc vận chuyển đá thì chắc chắn tiến độ công trình sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều đêm rồi, từ lúc con tàu thả neo ngoài hồ, ông không ngủ được khi nghĩ đến điều này. “Xây đảo giữa mùa đông quả là điều không dễ. Những năm trước mùa đông thường là lúc công binh thu quân. Nhưng nay, quân chủng quyết tâm thực hiện xây dựng kể cả mùa đông hay trong dông gió bão bùng” - ông Huấn chia sẻ.
Rít một hơi thuốc thật sâu, Trung tá Huấn phân vân: “Nếu tí nữa đường chân trời có ráng đỏ, tôi sẽ đánh thức hậu cần dậy nấu cơm. Hừng sáng sẽ cho anh em bắt tay ngay vào việc. Ngày hôm nay biết đâu sẽ chuyển được đá”. Theo kinh nghiệm dân gian, khi góc chân trời phía đông hừng ráng đỏ tức trời sẽ không mưa.
3 giờ 30 phút…
Ông Huấn đánh thức tổ hậu cần dậy nấu cơm. Bốn anh nuôi nhanh chóng lao vào việc.
4 giờ 10 phút…
Chuông báo thức toàn đại đội. Có 20 phút dành cho việc vệ sinh buổi sáng và cơm nước, tất cả phải kết thúc đúng 4 giờ 30 phút.
Mở cuốn sổ theo dõi thủy triều của hải quân khu vực Trường Sa xem mực nước trong ngày tại khu vực Đá Tây, ông Huấn quả quyết: “Hôm nay đá sẽ xuống biển. Tất cả phải chuyển nhanh trước khi thủy triều cạn lúc 12 giờ 30 phút”. Các đại đội tập trung để khung trưởng phổ biến công việc trong ngày. Ba đại đội trưởng được phân chia làm ba khu vực. Tổ xuồng máy được phân công kiểm tra lại mọi chi tiết máy lần cuối đảm bảo mọi việc sẵn sàng một cách thông suốt. Tám người phụ trách 4 xuồng HQ kéo tải, 4 người lo bộ phận kéo, 12 người ra phía đầu tàu để bốc đá. Quân số còn lại chia làm 3 ca chuẩn bị bốc đá phía trong bờ, đưa đá từ xuồng thả xuống biển.
Qua ICOM đầu cầu tàu Trường Sa 21 mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Cũng như công binh tất cả thủy thủ đoàn bật dậy từ sớm, cơm nước xong và chuẩn bị bắt tay vào việc. Bộ phận cẩu đá, dây cáp, và máy móc vận hành tàu được máy trưởng tự mình kiểm tra.
Mọi việc tưởng như hoàn tất thì hướng tây nam đột ngột xuất hiện quầng mây đen. Những cơn mưa lâm thâm cùng những con sóng bạc đầu lấp ló ngoài mép đáy hồ. Nhiều anh em công binh mặc áo phao ngồi thừ trước hiên nhà tạm. Tất cả đều lo sợ một buổi sáng như mọi buổi sáng vừa qua, biển êm nhưng phút chốc chợt nổi sóng.
Đất mẹ nâng lên từ biển
8 giờ sáng…
Sau những cơn mưa, mây tan nhanh, mặt trời phía đông chiếu thẳng xuống lòng hồ Đá Tây. Biển trở lại màu ngọc bích một cách kỳ lạ. Toàn bộ chỉ huy, chiến sĩ và thủy thủ đoàn trong trang phục chỉnh tề xếp thành hàng dài từ hầm hàng đến bệ thả xuồng của tàu Trường Sa 21. Những viên đá chẻ đầu tiên chi chít chữ ký của bạn đọc trong ngày lễ xuất quân ở TP.Vũng Tàu được các chiến sĩ nâng niu chuyền tay nhau đưa xuống xuồng.
Thuyền trưởng - Đại úy Nguyễn Tiến Dũng ra lệnh mở nắp hầm hàng, chiếc cần cẩu từ từ thả từng rọ đá xuống xuồng tải. Bốn chiếc xuồng máy cắm cờ Tổ quốc thay nhau kéo xuồng chở đá nhắm hướng đông trên đảo thẳng tiến. Để cùng đón sự kiện trọng đại này, quân dân đảo Đá Tây làm lễ tiếp nhận những viên đá đầu tiên của bạn đọc. Chiếc băng rôn màu đỏ chào mừng sự kiện viên đá đầu tiên được chiến sĩ trên đảo tự tay cắt dán treo phía trước doanh trại. Đá được công binh chuyển từ xuồng máy lên đảo và được Đảo trưởng - Đại úy Phùng Mạnh Dũng trân trọng đặt trước tấm bia chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc. Những viên đá đầu tiên được các chiến sĩ chuyền tay nhau trước khi trao lại cho lực lượng công binh.
8 giờ 28 phút…, tọa độ 8 độ 51’52” Vĩ Bắc - 112 độ 22’00 Kinh Đông…
Đôi tay run run vì xúc động, Trung tá Nguyễn Đức Huấn mang viên đá đầu tiên thả xuống giữa vùng nước xanh, nhìn nó chìm vào đáy biển. Một hồi còi của đại đội trưởng thay mệnh lệnh. Biển ầm ầm dậy sóng bởi hàng trăm viên đá được các chiến sĩ liên tục thả xuống. Bọt tung trắng xóa. Khuôn mặt người chỉ huy ít nói nghiêm nghị nhìn về phía xa mặt trời đang rực sáng, mắt ông ánh lên một niềm vui khôn xiết.
Sau những ngày biển động, hàng loạt ngư dân của các tàu cá, tàu câu mực từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên tấp nập vào đây đóng dấu xác nhận của hải quân ở Đá Tây. Ngồi trước thềm nhà công vụ nhìn ra công trình đang tấp nập, ngư dân Trương Văn Rí, quê Quảng Ngãi, chủ tàu QNg-90479TS, bật dậy móc gói thuốc lá bọc trong túi ni lon bơi ra biển mời từng chiến sĩ đang bốc đá. Tự tay ông bật quẹt châm lửa cho từng người. Có lẽ ông thấu hiểu cái lạnh của biển cũng như không giấu được những cảm xúc riêng mình. “Hơn 20 năm đi biển, không biết mấy chục lần ghé đảo Đá Tây, chưa bao giờ tôi mừng như hôm ni. Đảo càng to ngư dân càng nhiều chỗ trú ẩn lúc hoạn nạn, mưa gió, bão bùng…” - ông Rí thổ lộ.
Tranh thủ chút thời gian ngắn trước khi thủy triều xuống, các chiến sĩ công binh ăn bữa trưa ngay trên xuồng. Ngậm miếng cơm mặn chát vì nước biển tạt vào, Binh nhất Hồ Trọng Vinh tươi cười nói: “Anh an tâm, công binh không sợ nhọc, chỉ sợ hết thời gian. Tất cả vì mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi sẵn sàng!”.
Bốn chiếc xuồng máy như những con thoi liên tục rẽ sóng kéo đá từ tàu Trường Sa 21 lên đảo. Những viên đá đầu tiên chứa chan tình yêu biển đảo Tổ quốc của bạn đọc chính thức nhô lên khỏi mặt biển.
Đảo chìm đã nổi…
_________________
Bài 3: Những lái xuồng siêu đẳng
Quật tay lái cho con xuồng song song theo chiều sóng rồi lách nhẹ phần mũi để “leo” mình cắt qua thân sóng theo chiều xuôi, chiếc xuồng rơi thỏm qua bên kia mép nước. Các anh - những người lái xuồng - “tài sản không thể thay thế” giữa Trường Sa.
TẤN VŨ