Mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở Đại Lộc bước đầu có hiệu quả và từ thực tiễn rút ra được những kinh nghiệm hay, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trong dân.
Hướng tới nhân rộng
Mô hình “nhất thể hóa” chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn vốn không mới ở Đại Lộc. ngay từ những năm 1990, Đại Hiệp là xã làm thí điểm phân công bí thư chi bộ kiêm chức danh trưởng thôn, tổng kết được những kinh nghiệm hay. Năm 2013, Huyện ủy Đại Lộc xây dựng chương trình hành động mang dấu ấn từ chủ trương “nhất thể hóa” chức danh lãnh đạo, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trưởng khối phố.
Bầu cử trưởng thôn, khu phố ở Đại Lộc. Ảnh: Huyện ủy Đại Lộc |
Theo ông Phan Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, việc “nhất thể hóa” chức danh cấp huyện chỉ mới triển khai ở một số trường hợp như trưởng phòng VH-TT huyện kiêm giám đốc trung tâm VH-TT huyện hay trường hợp một số đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy kiêm nhiệm thêm chức danh quan trọng khác. Ở cấp xã/thị trấn, nhiều trường hợp người đứng đầu kiêm nhiệm thêm chức danh như bí thư đảng ủy xã kiêm chủ tịch UBND xã (Đại Hiệp); có 14/18 xã/thị trấn “nhất thể hóa” chức danh bí thư đảng ủy xã kiêm chủ tịch HĐND xã (trừ 4 xã là Đại Hồng, Đại Hiệp, Đại An, Đại Thạnh). Theo chủ trương của tỉnh, việc sáp nhập một số trung tâm, cơ quan, đơn vị có vị trí, chức năng tương đồng cũng sẽ được triển khai thời gian tới.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Quang, ở cấp thôn, mô hình “nhất thể hóa” bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là bước đột phá và tạo dấu ấn đổi mới từ chủ trương tinh giản biên chế, giảm sự cồng kềnh trong bộ máy nhà nước. Nhiệm kỳ bầu cử trưởng thôn/bí thư chi bộ giai đoạn 2015 - 2017, kết quả bầu cử có 15/17 xã với 61/160 thôn đã triển khai “nhất thể hóa”. Số lượng đảng viên ra giữ chức vụ trưởng thôn đạt hơn 90%, qua đó cho thấy uy tín của Đảng ở cơ sở không ngừng được nâng cao, đảng viên giữ chức trưởng thôn là kết quả của quá trình dân cử, dân bầu, dân tin. Thực tế, các địa phương làm tốt “nhất thể hóa” chức danh này cũng là nhóm địa phương dẫn đầu phong trào thi đua của cơ sở, của huyện; các chi bộ phần lớn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Phương châm của Đại Lộc trong chủ trương “nhất thể hóa” là căn cứ tình hình thực tế địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giá, từng bước triển khai nhân rộng. Địa phương nào đủ điều kiện nhất thể hóa hai chức danh, cấp ủy phân công đảng viên ra ứng cử chức danh trưởng thôn, nếu đảng viên trúng cử sẽ tiếp tục giới thiệu để đại hội chi bộ bầu làm bí thư. Nghĩa là việc bầu cử trưởng thôn phải được tổ chức trước kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy xã/thị trấn.
Qua gần 2 năm triển khai mô hình “một trong hai” cái được lớn nhất là tinh gọn bộ máy ở cơ sở, giảm bớt một khâu chỉ đạo trung gian, tạo sự nhất quán trong đường lối, chủ trương, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ở cơ sở. Cũng nhờ sự thống nhất cao vai trò lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện ở cấp thôn mà việc thực hiện chủ trương, nghị quyết kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Cần cơ chế hợp lý
“Kinh nghiệm từ thực tế, muốn làm tốt mô hình nhất thể hóa chức danh, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đảng viên và nhân dân. Mỗi bí thư kiêm trưởng thôn phải xem đây là trách nhiệm của mình, không đùn đẩy, dù là cán bộ nghỉ hưu, nhưng dân tín nhiệm cũng phải làm. Phải lấy sự đồng thuận của dân để giới thiệu nhân sự ứng cử trưởng thôn. trưởng thôn được dân bầu sẽ tiếp tục giới thiệu bầu bí thư chi bộ”. (Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Phan Xuân Quang) |
Qua khảo sát, nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khi lựa chọn cán bộ, đảng viên có đủ những phẩm chất, năng lực vào vị trí “hai vai’’, bởi đảng viên cao tuổi khá nhiều, đảng viên trẻ lại non kinh nghiệm. Chưa kể, có đảng viên làm công tác đảng khá tốt song gặp khó khi làm công tác chính quyền thôn (và ngược lại). Một yếu tố nữa là chế độ phụ cấp cả hai chức danh hiện vẫn còn thấp, chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, trong khi áp lực kinh tế cuộc sống rất lớn, cán bộ thôn sẽ khó dốc sức cho công việc. “Trước những khó khăn đó, cần nghiên cứu, xem xét cho đội ngũ kiêm nhiệm cả hai chức danh được hưởng hai định mức phụ cấp, hoặc quy định cụ thể mức phụ cấp nhất định đối với cả hai chức danh để dễ thực hiện. Đối với một số thôn quá đông dân, có thể tăng cường thêm một phó trưởng thôn để giúp việc cho trưởng thôn trong vấn đề quản lý kinh tế” - ông Phan Xuân Quang nói.
Thực tế cho thấy, việc nhân rộng mô hình cần có thời gian và lộ trình nhất định, đảm bảo tính thuyết phục cao. Vấn đề quan trọng là cần thực hiện tốt cơ chế giám sát quyền lực ở mỗi chi bộ, cơ sở đảng triển khai “nhất thể hóa”. Việc giám sát được tiến hành ở từng thôn, giám sát quy chế làm việc của chi ủy, chính quyền thôn, khu phố, hiệu quả vận hành mô hình. Cần đảm bảo sự hài hòa mối quan hệ “hai trong một”, quy định rõ cái nào là bí thư, cái nào là trưởng thôn, có như vậy mới xử lý tốt công việc. Việc phân loại, đánh giá tổ chức đảng và đảng viên ở cấp thôn cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ mỗi năm. Đó là cơ sở, tiền đề quan trọng để mô hình “nhất thể hóa” chức danh ở cơ sở được triển khai theo lộ trình và có những bước đi vững chắc, tạo sự đột phá trong công tác nhân sự ở cơ sở. Kế hoạch bầu trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017 - 2019 đã được UBND huyện xây dựng và trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét. Dự kiến tháng 5.2017, công tác quán triệt tư tưởng, chủ trương “nhất thể hóa” được đẩy mạnh từ xã, thôn, khu phố. Tinh thần của huyện là thực hiện ở mức cao nhất “nhất thể hóa” hai chức danh, cố gắng đạt 60 - 70% trong nhiệm kỳ 2017 - 2019” - Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Quang cho biết.
HOÀNG LIÊN