“Riêng với nghề thầy thuốc, ngoài giữ y đức sáng trong, mỗi người đều phải không ngừng học hỏi, dù 60 hay 70 tuổi…”. Đó là đúc kết của các thế hệ thầy thuốc từng phục vụ ngành y Quảng Nam.
Xây dựng
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam do Sở Y tế tổ chức hôm 25.2, có dịp trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Văn Lý - nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi hiểu rõ hơn hành trình dài xây dựng và trưởng thành của ngành y tế đất Quảng. Phải nói đến những ngày đầu thành lập nha quân y năm 1947. Biên chế toàn ngành có khoảng 50 người. Tuy nhân lực mỏng, nhưng ngành y tế đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân nên cơ bản giải quyết được nhu cầu cấp cứu, điều trị cán bộ, bộ đội, du kích bị thương trong chiến đấu.
Trao tặng Bằng khen của Bộ Y tế cho các cá nhân trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng ngành. Ảnh: P.G |
Trong những ngày ấy, khó khăn chồng chất, không dụng cụ, thuốc men, chỉ có một số người ít ỏi để xây nên viên gạch nền tảng cho ngành y Quảng Nam. Nỗ lực đến năm 1948, Bệnh viện Cây Sanh của tỉnh đã bào chế thành công các loại thuốc tiêm như Quinoserum, Quinindiclohydrate, Quinoblue, Nacacodylat, Strychnin, Novocain, Dầu long não… “Nhắc lại như vậy để thấy rằng, ngành y của tỉnh chúng ta ngày ấy khó khăn rất nhiều. Con người dù rất ít vẫn không ngừng đoàn kết, phấn đấu để xây dựng nền tảng đầu tiên cho sự nghiệp y tế. Điều đó không chỉ cần tài mà cần tâm, cái tâm của đại cuộc” - bác sĩ Nguyễn Văn Lý tâm tư.
“Người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh, người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang... phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu” . “Chúng ta đã độc lập tự do, cần giúp đỡ đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta... dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc, đại chúng… Phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. (Trích thư Bác Hồ gửi cán bộ y tế ngày 27.2.1955) |
Từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh (1997), ngành y tế Quảng Nam đã xác định những mục tiêu phù hợp để phát triển trong điều kiện một tỉnh còn nghèo, diện tích lớn, địa bàn miền núi rộng, ý thức phòng bệnh của người dân còn thấp, nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Qua 17 năm xây dựng, từ những cơ sở y tế cũ, xuống cấp, ngành y tế đã chủ động đề xuất và huy động kinh phí xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa, trạm y tế… Nguồn nhân lực được chú trọng đầu tư và phát triển. Đầu năm 1997 toàn ngành có 3.254 cán bộ y tế, trong đó có 494 bác sĩ. Đến nay, nhân lực toàn ngành có 6.320 cán bộ y tế, lĩnh vực y tế công lập có 5.870 người và lao động y tế ngoài công lập 450 người. Ngoài ra, có 66 người làm việc tại phòng y tế huyện, thành phố; hơn 170 người làm việc tại Trường Cao đẳng Y tế và gần 300 người làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, có 731 bác sĩ, đạt 4,87 bác sĩ/vạn dân, dược sĩ đại học đạt 0,45/vạn dân; 100% số thôn có cán bộ y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: “Về cơ bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế tỉnh đã được đầu tư ngang tầm với các tỉnh trong khu vực như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Nhiều bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi và tất cả các trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh được đầu tư xây mới. Hầu hết trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã đều đã được xây mới, nâng cấp sửa chữa và trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn”.
Trưởng thành
Ghi nhận cố gắng và nỗ lực của toàn ngành, trong những năm qua ngành y tế Quảng Nam đã được Bộ Y tế và UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao bằng những phần thưởng như Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Ba; 4 Cờ thi đua của Chính phủ; 4 Cờ thi đua của Bộ Y tế... và nhiều phần thưởng cho cá nhân khác. |
Chưa thể hài lòng với những kết quả đạt được, ngành y tế Quảng Nam đang từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc ở từng lĩnh vực, từng vị trí công tác. Toàn ngành đã chủ động phòng chống, khống chế và đẩy lùi có hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, tả, SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), dịch hạch, dịch bệnh Ebola… Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; chương trình phòng chống các bệnh xã hội đạt được những thành quả đáng kể, đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh.
Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu nhiều sự kiện ấn tượng của ngành y tế toàn tỉnh. Ra đời và đưa vào sử dụng Trung tâm Mắt Quảng Nam; dự án Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đang được hoàn thiện, sự ra đời của cơ sở điều trị Methadone bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ, giải quyết được tính cấp thiết trong quản lý và điều trị người nghiện tại cộng đồng. Dự án phát triển nguồn nhân lực, thu hút bác sĩ trẻ phục vụ tại Quảng Nam với 66 bác sĩ trẻ trong diện thu hút đã góp phần giải quyết bài toán khó về nhân lực y tế của tỉnh nhà. “Những thành quả đạt được không chỉ khẳng định những hướng đi phù hợp, đúng đắn mà còn là tiền đề cho việc thực hiện tốt “Chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020”. Những việc phía trước còn rất nhiều, thực sự cần sự hỗ trợ từ các cấp đảng ủy, chính quyền và sự chung tay của toàn ngành. Đúng như lời các thế hệ thầy thuốc đi trước đã chia sẻ, nghề y dù bao nhiêu tuổi cũng đều cần phải học hỏi” - Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
TÂM AN - PHƯƠNG GIANG