Nhiều năm nay hàng trăm hộ dân ở huyện Đại Lộc, liên tục kiến nghị xử lý một số cơ sở tư nhân hoạt động trên địa bàn huyện gây ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Nhà máy xả khí thải
Lưu thông trên tuyến quốc lộ 14B qua khu vực nhà máy chế biến thức ăn gia súc Đại Hòa, dẫu cách xa cả chục cây số vẫn không chịu nổi mùi hôi thối do hoạt động phơi sấy, chế biến thức ăn gia súc của công ty này gây ra. Đến gần trụ sở công ty tại cụm công nghiệp Đại Quang, đập vào mắt chúng tôi là 2 cột khói đen nghịt xả thải lên trời. Còn với hàng trăm hộ dân sống lân cận khu vực nhà máy, chuyện họ phải sống chung với mùi hôi thối xảy ra như cơm bữa. Ông Hứa Nhơn (trú thôn Hòa Thạch, Đại Quang) phản ảnh: “Nhà tôi ở cách công ty này 1km, vì vậy mỗi lần gió thổi xuống là cả khu vực này chìm trong mùi hôi nồng nặc, cái mùi đặc trưng của cá dành cho gia súc không ai chịu được. Có bữa đang ăn trưa, mùi tanh hôi xộc đến làm ai nấy phải cố gắng nuốt cho xong bữa. Mỗi lần công ty sản xuất là khí thải đen ngòm tỏa ra, ở cách xa mấy cũng phải ngửi mùi “đặc trưng”. Trước người dân và chính quyền, công ty hứa sẽ cố gắng khắc phục nhưng vẫn đâu vào đó”.
Quá trình sản xuất của nhà máy chế biến thức ăn gia súc Đại Hòa đã thải ra một lượng lớn chất thải có màu đen, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Ảnh: BL |
Cũng như nhiều hộ dân sống trong khu vực, gia đình chị Lê Thị Thảo (thôn Nghĩa Tân, Đại Nghĩa) nhiều năm qua gánh chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường này. “Khi gió xuống, gia đình tôi phải đóng hết cửa lại nhưng vẫn còn hôi. Gia đình bán cà phê, nước giải khát nhưng khách không dám vào, có trường hợp ngồi được một lúc, vì không chịu được mùi hôi nên họ đứng dậy trả tiền rồi đi thật nhanh. Mong chính quyền xử lý triệt để chứ kiểu ni thì không ai chịu nổi” - chị Thảo nói. Ông Lê Tranh - Trưởng thôn Đông Lâm (xã Đại Quang) xác nhận: “Tình trạng này đã diễn ra thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bà con. Công ty cho biết rằng, đã có nhiều phương án giảm thiểu tối đa mùi hôi như xây dựng cơ sở mới, đầu tư dây chuyền công nghệ sấy trực tiếp nguồn nguyên liệu cho đến khâu chế biến nhưng tình hình vẫn không cải thiện”.
Nhóm hộ gây ô nhiễm
Cả chục năm trời, hàng chục hộ dân thôn Bàu Tròn (Đại An) phải gồng mình hứng chịu mùi tanh hôi do cơ sở hấp cá tươi của một nhóm hộ dân gồm ông Phan Lược, Phan Hóa, Phan Tấn Cảnh và Phan Đình Phương (trú trên địa bàn thôn) gây ra. Đây là nhóm hộ dân lấy cá từ Đà Nẵng, Hội An về với số lượng lớn, hấp cá tại gia rồi đem bỏ mối tiêu thụ tại các chợ. Ít nhất mỗi ngày các cơ sở này hấp đến 3 tạ cá/hộ. Toàn bộ nước thải trong quá trình vận chuyển cá về nơi hấp cho tới nước thải từ quá trình hấp đều thải trực tiếp ra hệ thống đường ống, ra hầm rút tư nhân của mỗi gia đình nhưng mùi hôi thối vẫn xộc lên do công suất hầm rút quá nhỏ. Chưa kể mỗi khi các hầm rút đầy, nước thải tràn ra không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của thôn.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Bàu Tròn cho biết: “Gần 20 hộ sống xung quanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi từ quá trình chế biến cá và mùi nước thải… Số hộ khác thì bị ảnh hưởng bởi mùi hôi tanh dai dẳng theo gió lan xa. Bà con kiến nghị, phản đối nhiều lần, địa phương có kiểm tra, xử phạt nhưng mọi việc vẫn tiếp diễn. Hiện, nước giếng khu vực xung quanh cơ sở hấp cá không thể dùng được vì ô nhiễm. Cần phải quy hoạch những hộ đó về một khu để họ có thể sản xuất mà lại không gây ô nhiễm môi trường khu dân cư”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Khánh - Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc nói: “Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt song vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu. Phòng cũng tính đến giải pháp hỗ trợ các hộ trên xây dựng thêm hệ thống hầm rút với công suất lớn hay hỗ trợ men vi sinh cải tạo mùi hôi, nhưng diện tích khu sản xuất hạn hẹp, không thể cơi nới thêm. Vì đây là toàn bộ kế sinh nhai của một số hộ nên cũng phải cân nhắc khi xử lý, đình chỉ hoạt động. Trong khi việc di dời họ ra điểm biệt lập khu dân cư gặp không ít khó khăn vì yếu tố đất đai, các yếu tố hỗ trợ phục vụ sản xuất. Hiện chúng tôi đang cân nhắc tìm hướng giải quyết hợp lý”.
HOÀNG LIÊN