Nhiều nơi ngập úng, sạt lở do mưa lớn

H.LIÊN - V.SỰ - M.THÔNG - PH.UYÊN 27/03/2015 10:36

(QNO) - Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên tại nhiều nơi của tỉnh xuất hiện những đợt mưa lớn kéo dài, nhất là ở các địa phương miền núi gây ngập úng, sạt lở nghiêm trọng.

Mưa lớn gây ngập úng hoa màu của nông dân ven sông Vu Gia (Đại Lộc). Ảnh:H.LIÊN
Mưa lớn gây ngập úng hoa màu của nông dân ven sông Vu Gia (Đại Lộc). Ảnh:H.LIÊN

* Trong hai ngày 25 - 25.3, do lượng mưa trên địa bàn Đại Lộc quá lớn (trên 200mm), cộng với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên hệ thống Vu Gia đột ngột lên nhanh, dưới báo động 1. Theo đó, gây ngập úng toàn bộ hơn 60ha dưa hấu, hoa màu đang kỳ thu hoạch của các bãi biền ven sông Vu Gia, khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng.

Sáng 26.3, có mặt tại khu vực bãi biền ven sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Hương (xã Đại Quang) và thôn Bàn Tân (xã Đại Đồng), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm hộ trồng dưa, hoa màu ven sông bất lực nhìn toàn bộ 20ha dưa hấu, dưa gang, bí đỏ đang kỳ thu hoạch bỗng dưng bị “nuốt chửng” sau một trận mưa lớn.

Ông Phan Văn Tuấn (trú thôn Phú Hương, Đại Quang), một nông hộ trồng cả mẫu dưa hấu giống hắc mỹ nhân chia sẻ: “Cả mẫu dưa của tôi chỉ còn đúng 1 tuần nữa là xuất bán, chưa kịp mừng vì sắp có tiền để trang trải nợ nần và cho con cái ăn học, nào ngờ chỉ qua một trận mưa tất cả đã mất trắng”. Ông Tuấn cho biết thêm, vào chiều tối 25.3, khi vừa ở chòi dưa về thì mọi thứ vẫn bình thường, không ngờ chỉ một lúc sau, nghe bà con hô hoán, cả nhà chạy ra bãi thì nước đã ngập trắng. Nếu bình thường dưa chín đẹp, với giá bán trên thị trường hiện 3.000 đồng/kg, 1 mẫu dưa sẽ đem lại cho gia đình ông nguồn thu từ 40 - 45 triệu đồng.

Ruộng dưa đang lớn như thổi bị bỏ hoang sau trận mưa lớn. Ảnh: Hoàng Liên

Cùng cảnh ngộ với ông Tuấn, đêm 25.3, khi đang ăn tối cùng gia đình, bà Đoàn Thị Bốn nghe người dân điện báo gần mẫu dưa và đậu, bí của gia đình bị nước sông dâng cao nuốt chửng trong đêm. “Làm dưa vụ đông xuân đã nhiều năm, tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh này. Đây là mùa vụ an toàn nhất, lại được mùa, được giá nhất trong năm. Song trời không thương thì đành chịu” - bà Bốn thở dài.

Tại thôn Bàn Tân (xã Đại Đồng), cảnh tượng trước mắt chúng tôi vẫn là những ruộng dưa nổi lềnh bềnh. Được biết, vụ này, bà con Bàn Tân sản xuất trên vùng bãi biền với diện tích khoảng 15ha, chủ yếu trồng dưa Trang Nông 10 xuất khẩu. Ông Phan Chín xót xa: “Trồng cả mẫu dưa, biết bao công lao chăm sóc, phân, nước, nhân công, ước tính thu được 15 tấn, song giờ chỉ vớt được đúng 1 tấn dưa các loại, cả sống lẫn chín. Vụ này coi như trắng tay, tiền nợ phân, giống, công chăm sóc không biết lấy đâu ra trả”. Vụ dưa đầu mùa này, ruộng dưa của gia đình anh Trần Đình Diệm được xem là trúng nhất nhì ở vùng này, song tới giờ anh Diệm cũng chỉ vớt được 1 tấn dưa, bán ra không đủ trả tiền giống.

Ông Nguyễn Văn Nhơn - Bí thư Chi bộ thôn Bàn Tân cho hay: “Vùng này chưa bao giờ xảy ra tình trạng tương tự, nhất là đang ở thời điểm nắng nóng kéo dài, lại chỉ mới có một trận mưa lớn. Từ phản ánh và những thiệt hại nặng nề của dân, chúng tôi đã thống kê sơ bộ tình hình báo cáo lên trên để có hướng xem xét”.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc cho hay: Những ngày qua, do mưa lớn trên địa bàn với lượng mưa trung bình trên 200mm. Cùng với đó, một lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Vu Gia dâng lên đột ngột ở mức dưới báo động 1, khiến 60ha hoa màu ven sông bị ngập cục bộ, chủ yếu là diện tích trồng dưa hấu. Tình trạng ngập cục bộ này do mưa lớn chứ không phải do xả lũ. Lượng nước về sông Vu Gia với lưu lượng lớn là lượng nước nằm ngoài lưu vực lòng hồ thủy điện, còn lượng nước nằm trong lưu vực lòng hồ chắc chắn các thủy điện giữ lại vì đang ở đầu mùa khô hạn. “Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo thu thập, thống kê và tổng hợp đầy đủ số liệu, tình hình thiệt hại, trình Sở NN-PTNT xem xét, chỉ đạo” - ông Mẫn nói.

Trong khi đó, do mưa lớn từ đêm ngày 26 đến rạng sáng 27.3 cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên trên địa bàn huyện Nông Sơn khiến mực nước các sông, suối dâng cao. Các tuyến đường giao thông đi lại các xã bị ngập từ 0,5 - 1,5m; đặc biệt là tuyến đường liên  xã Quế Trung - Quế Lâm.

Tại xã Phước Ninh mưa lớn đã làm giao thông trên địa bàn bị chia cắt hoàn toàn, tuyến đường DH đi qua địa phận xã Phước Ninh bị ngập đến 1,5m tại cầu Khe Rinh. Còn tại xã Quế Lâm hầu hết các tuyền đường giao thông trong xã cũng bị chia cắt hoàn toàn, cầu Khe Sé ngập sâu hơn 1m. Đặc biệt,  hơn 70% diện tích cây lúa và hoa màu của bà con bị ngập nước.

Ông Nguyễn Hồng Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: “UBND xã đã chỉ đạo lực lượng phòng chống bão lũ xã tiến hành cắm chốt kiểm tra tại những khu vực nguy hiểm và kiên quyết không cho người dân qua lại. Tại những vùng có thể lưu thông, xã sẽ bố trí ghe lớn để chuyên chở người qua lại, sẵn sàng phương tiện để di dời dân trong trường hợp nước dâng cao”.

Chủ tịch UBND xã Quế Ninh Nguyễn Tiến Phi cho biết thêm, hiện nay mưa đã làm hầu hết các diện tích hoa màu ven sông, ven suối đã bị hư hại nặng do ngập úng. Theo thống kê ban đầu, có khoảng hơn 30ha lúa, bắp của bà con nông dân chắc chắn bị hư hỏng.

* Do thời tiết thay đổi, đới gió mùa đông bắc bất thường với cường độ mạnh, liên tục xuất hiện trong 3 ngày qua đã gây sạt lở tại bãi tắm công cộng Cửa Đại (Hội An). Sóng to vượt tràn qua hệ thống bao tải và hàng cọc đã kè trước đây, đánh sâu vào bờ, gây sạt lở nặng khoảng 300m bờ biển. Hàng chục cây dừa trên bãi biển đã bị sóng đánh bật gốc; một số điểm sạt lở nặng tạo nên bờ vực, có độ chênh lệch giữa mặt bờ biển với mực nước cao gần 2m.

Bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở do mưa lớn. Ảnh:L.HIỀN
Bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở do mưa lớn. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Trước tình hình trên, ngày 26.3, TP.Hội An đã phải huy động hơn 300 dân quân của các xã phường khẩn trương kè chống xâm thực, dùng dây thừng lớn để cột giữ dừa, đồng thời sử dụng các bao tải, đóng đầy đất cát để kè tạm, ngăn không cho sóng đánh sâu hơn vào khu vực bãi dừa còn lại. Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An nói: “Đây chỉ là giải pháp tạm thời trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường. Để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới cần giải pháp căn cơ hơn nữa bởi một số đoạn lở sâu vào đất liền hơn một mét”.

Kè bao tải cát là giải pháp tình thế cho bờ biển Cửa Đại. Ảnh:L.HIỀN
Kè bao tải cát là giải pháp tình thế cho bờ biển Cửa Đại. Ảnh: P.UYÊN

H.LIÊN - V.SỰ - M.THÔNG - PH.UYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nơi ngập úng, sạt lở do mưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO