Nhiều nước châu Á chuẩn bị đón tết

QUỐC HƯNG 22/01/2022 06:15

Các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân bắt đầu rộn ràng khắp châu Á cùng ước nguyện vượt qua khó khăn đại dịch, hướng đến cuộc sống an bình và thịnh vượng.

Những chú hổ rực sáng khắp các nẻo đường ở Singapore để chào đón năm mới 2022. Ảnh: Straittimes
Những chú hổ rực sáng khắp các nẻo đường ở Singapore để chào đón năm mới 2022. Ảnh: Straittimes

Những ngày này, các con đường khắp quốc đảo Singapore được trang trí lộng lẫy đón mùa xuân mới, với hình ảnh trang trí chủ đạo là những chú hổ - linh vật xuân Nhâm Dần 2022.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng nổi tiếng với nhiều lễ hội mùa xuân thu hút rất nhiều du khách như lễ hội hoa đăng kéo dài 15 - 20 ngày, lễ hội Singapore River Hongbao với loạt sự kiện giải trí, lễ hội đường phố Chingay hay lễ hội trang phục và hóa trang...

Tại khu phố Tàu đang diễn ra lễ hội ánh sáng với việc xuất hiện các đèn lồng với hình dáng những con hổ oai hùng rực sáng cho đến đầu tháng 3.2022, trong đó có hình những con hổ Bengal khổng lồ với chiều dài lên tới 4,5m và chiều cao gần 5m.

Tổng thống Singapore Halimah Yacob cho biết: “Con hổ đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Đây là những đặc điểm mà tôi hy vọng sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ thoát ra khỏi đại dịch”.

Tổng thống Halimah Yacob mong rằng lễ hội ánh sáng vốn kéo dài vào mùa xuân suốt 20 năm qua sẽ là cơ hội cho người Singapore thuộc mọi chủng tộc xích lại gần nhau hơn. Các chủ hàng tại Singapore thì hy vọng con số bán hàng năm nay lạc quan hơn, một phần nhờ vào việc triển khai các mũi tiêm vắc xin ngừa Covid nhắc lại và chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở đây.

Đầu tuần nay, tại Trung Quốc bắt đầu kỳ xuân vận cho kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán 40 ngày hay cuộc di cư thường niên lớn nhất hành tinh bao gồm nhiều người ở thành phố quay về đoàn tụ với gia đình và quay trở ra thành phố sau đó, kéo dài đến ngày 25.2.2022.

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ước tính, kỳ xuân vận 2022 dự kiến sẽ có 1,18 tỷ chuyến đi của hành khách, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn 20,3% so với năm 2020. Các nhà ga và sân bay tăng cường nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm Covid-19, như tạo điều kiện cho dịch vụ không tiếp xúc, khử trùng và đo nhiệt độ.

Tuy vậy, một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải vận động người dân ăn tết tại chỗ, không về quê, như tặng tiền cho người ở lại. Nhiều doanh nghiệp đảm bảo chỗ ở, cung cấp thức ăn ngày tết cho công nhân ở lại sản xuất.

Tại Hàn Quốc, hổ từ lâu đã đi vào cuộc sống như một trong những loài vật đại diện cho bản sắc Hàn Quốc. Hổ không chỉ được coi là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực mà còn là thần hộ mệnh, hóa giải vận rủi của người dân Hàn Quốc.

Để chào mừng năm mới 2022, Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc tổ chức một triển lãm đặc biệt kể về nhiều câu chuyện của loài hổ với chủ đề “Vùng đất của những chú hổ” để trưng bày các đồ vật và tài liệu liên quan đến hổ.

Qua đó, khách tham quan có thể thưởng thức những hình ảnh văn hóa của loài vật có trong nhiều câu chuyện và trong cuộc sống của người dân nước này từ xưa đến nay.

Các sản phẩm, hàng hóa thương mại và đại diện văn hóa lấy cảm hứng từ loài hổ từ cuối những năm 1980 được giới thiệu, như linh vật của Thế vận hội được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 1988 và 2018, biểu tượng con hổ trên đồng phục của đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc.

Kim Eun-jin - một người dân Seoul cho biết, triển lãm giúp nhiều người cảm nhận được năng lượng mạnh mẽ từ hổ để vượt qua khó khăn, hướng đến cuộc sống tươi đẹp hơn. Để thu hút khách hàng, các cửa hàng, quán cà phê... thực hiện các phiên bản đặc biệt của sản phẩm và chương trình khuyến mãi với chủ đề về con hổ...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nước châu Á chuẩn bị đón tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO