Nhiều tồn tại trong xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN SỰ 24/05/2018 09:01

Cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong khâu chỉ đạo và tự thỏa mãn với thành quả ban đầu khiến hàng loạt xã không giữ vững danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong khi đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn kéo dài với số tiền lớn, việc giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2018 tại nhiều địa phương diễn ra khá chậm chạp…

Chính quyền cấp huyện phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2018 để UBND các xã tiếp tục triển khai thi công kết cấu hạ tầng. Ảnh: VĂN SỰ
Chính quyền cấp huyện phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2018 để UBND các xã tiếp tục triển khai thi công kết cấu hạ tầng. Ảnh: VĂN SỰ

Không giữ vững danh hiệu đạt chuẩn

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, đến cuối năm 2016 tất cả 13 xã tham gia thực hiện chương trình NTM trên địa bàn thị xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá lại theo Quyết định số 756/QĐ-UBND (ngày 13.3.2017) của UBND tỉnh thì hiện nay Điện Bàn có đến 7/13 xã không duy trì được danh hiệu đạt chuẩn NTM, gồm Điện Phước, Điện Minh, Điện Phương, Điện Trung, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam. Nguyên nhân khiến các xã trên không giữ được chuẩn là bị rớt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất hoặc tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, thậm chí có xã rớt cả 2 tiêu chí vừa nêu. Ông Chơi nói: “Có một thực tế là việc đánh giá lại bộ 19 tiêu chí NTM theo Quyết định số 756 của UBND tỉnh tại Điện Bàn còn ở mức tương đối chứ nếu làm một cách căn cơ thì chắc chắn số xã bị rớt tiêu chí và số tiêu chí bị rớt sẽ nhiều hơn”.

Trong khi đó, ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh cho biết, ngoài 7 xã của Điện Bàn thì qua rà soát trên toàn tỉnh cho thấy tại 12 địa phương khác gồm Tam Kỳ, Hội An, Phú Ninh, Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước, Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My có đến 34 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM bị rớt một số tiêu chí. Ông Lộc nhìn nhận: “Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là theo quy định mới, chất lượng các tiêu chí được nâng lên và nhiều tiêu chí tăng thêm chỉ tiêu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ban chỉ đạo của nhiều địa phương thiếu quyết liệt và có phần tự thỏa mãn với kết quả đạt được nên 41 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016 không tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí”.

Nợ đọng nhiều, giải ngân ì ạch

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thời gian tới các đơn vị liên quan cần nhanh chóng khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, đồng thời sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục trong việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất. Đặc biệt, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2018 do UBND tỉnh phân bổ để UBND các xã triển khai thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu, nếu tiếp tục chậm trễ thì mùa mưa lũ đến sẽ bị ảnh hưởng rất lớn…

Tại hội nghị giao ban văn phòng điều phối NTM các cấp diễn ra tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc hàng loạt xã trên địa bàn tỉnh bị rớt một số tiêu chí thì tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Thời gian qua mặc dù UBND tỉnh liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng theo số liệu thống kê mới nhất thì hiện nay tại các xã tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn nợ hơn 73,3 tỷ đồng (nợ công trình đã quyết toán hơn 50 tỷ đồng, nợ công trình chưa quyết toán hơn 23 tỷ đồng). Theo ông Đỗ Vạn Lộc, các địa phương có số nợ nhiều (trong đó cấp xã nợ chiếm tỷ lệ lớn) nhưng chưa xác định được nguồn thanh toán là Đại Lộc gần 23,2 tỷ đồng, Tây Giang hơn 11,6 tỷ đồng, Tiên Phước 7,1 tỷ đồng, Thăng Bình hơn 5,8 tỷ đồng… Không chỉ vậy, hiện toàn tỉnh còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của 2 năm 2016 - 2017 là hơn 275,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn thuộc ngân sách trung ương và tỉnh nợ xấp xỉ 79 tỷ đồng, cấp huyện nợ hơn 111 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ gần 86 tỷ đồng.

Năm 2018 UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương hơn 355,8 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương 246,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh gần 109 tỷ đồng) để tiếp tục thực hiện những phần việc của chương trình xây dựng NTM. Trong tổng số tiền vừa nêu, vốn đầu tư phát triển hơn 227 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp 128,9 tỷ đồng. Ông Đỗ Vạn Lộc thông tin, đối với kinh phí sự nghiệp, thời gian qua hầu hết chính quyền cấp huyện đã phân bổ lại cho cấp xã. Thế nhưng, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, hiện nay rất nhiều địa phương vẫn chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và phân bổ vốn lại cho cấp xã để tổ chức thực hiện. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 5.5.2018, trong tổng số hơn 227 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển thì mới chỉ giải ngân được 19 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 8,37%). Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân 0% như Tam Kỳ, Hội An, Quế Sơn, Tiên Phước, Nông Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… “Đây là vấn đề rất bức xúc cần phải nhanh chóng tập trung giải quyết. Bởi, mùa mưa bão sắp đến gần, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản” - ông Lộc nói.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều tồn tại trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO