Lãnh đạo, quan chức cấp cao của 193 quốc gia vùng và lãnh thổ đã cùng nhau đến New York (Mỹ) để tìm hướng giải quyết những thách thức chung của toàn cầu.
Kỳ họp Cấp cao lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) vừa được khai mạc tại trụ sở LHQ tại New York. Với chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Cú hích toàn cầu để chuyển đổi thế giới”, bàn tròn nghị sự năm nay kéo dài từ ngày 19 - 26.9, dày đặc các chủ đề nóng xoay quanh cuộc khủng hoảng người tị nạn, xung đột, bệnh tật, đói nghèo, biến đổi khí hậu, an ninh hạt nhân, nguồn nước, giáo dục… Trước đó, tại kỳ họp diễn ra ngày 25.9.2015, LHQ chính thức thông qua 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030. Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, các mục tiêu đó là để tất cả quốc gia cùng chung tay xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn, vì một thế giới mà không để bất kỳ ai lại phía sau.
Người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Ảnh: AP |
Không phải ngẫu nhiên mà kỳ họp của Đại hội đồng LHQ năm nay quyết định chọn chuyên đề về người tị nạn để mở đầu, đây cũng là hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của LHQ về người tị nạn. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Peter Thomson khẳng định, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ riêng năm 2015, hơn 65,3 triệu người trên toàn cầu (tăng hơn 5 triệu người so với năm 2014) phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, xung đột, chủ yếu tại Syria, Afghanistan và Iraq. Cuộc di cư đó khiến hàng chục nghìn trẻ em mất tích, bị hạo hành, xâm hại, hàng triệu trẻ em khác không được học hành, hàng triệu người bị bỏ đói và bệnh tật… Một cuộc di cư mà ngay chính người trong cuộc đều biết nguy hiểm luôn rình rập và tương lai mờ mịt. Các quốc gia Liên minh châu Âu chia rẽ, bất đồng về cuộc khủng hoảng đó.
Bên cạnh đó, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh New York vừa xảy ra các vụ nổ bom gây chấn động, khiến 29 người bị thương. Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio thông báo kết luận ban đầu rằng vụ nổ “là hành động cố ý nhưng chưa có bằng chứng liên quan đến khủng bố”. Dù vậy, lực lượng chống khủng bố của New York được triển khai và an ninh đang được thắt chặt. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng trấn an người dân Mỹ, kêu gọi họ kiên cường và bình tĩnh trong cuộc chiến chống khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân hiện vẫn là những mối đe dọa hàng đầu cho hòa bình thế giới.
Tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ lần này, nhà lãnh đạo LHQ thúc giục các quốc gia tham gia phê chuẩn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được thông qua vào tháng 12.2015. Thỏa thuận Paris chỉ có hiệu lực khi 55 quốc gia, hoặc chiếm đến 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phê chuẩn. Tính đến này 20.9, đã có 27 quốc gia phê chuẩn Thỏa thuận Paris, trong đó có hai nước phát thải nhiều nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiếm tổng cộng gần 40% lượng phát thải. Được biết, thêm 20 quốc gia nữa phê chuẩn Thỏa thuận Paris thì hy vọng thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Bởi trong nhóm vừa nêu, Mexico và Brazil chiếm 10 - 12% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
NAM VIỆT