Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế…
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai khá nhiều phần việc của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ông Muộn nói: “Trong số 204 xã tham gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thì chúng tôi phân thành 5 nhóm. Hiện giờ, nhóm 1 có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn; nhóm 2 có 9 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; nhóm 3 có 58 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; nhóm 4 có 78 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; nhóm 5 có 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Nam phấn đấu có thêm 60 xã đạt chuẩn, nâng tổng số địa phương hoàn thành chương trình này lên 114 xã vào cuối năm 2020 nhằm đảm bảo đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Riêng từ nay đến cuối năm 2016 các cơ quan có trách nhiệm sẽ tập trung hỗ trợ nhiều khâu để 9 xã ở Điện Bàn, Phú Ninh, Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn về đích NTM”.
Cần tập trung hỗ trợ cư dân nông thôn phát triển mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập.Ảnh: N.PHƯƠNG |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện xây dựng NTM vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 9 tháng đầu năm 2016 bằng nhiều kênh vốn huy động, UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố hơn 309 tỷ đồng để triển khai những phần việc liên quan. Trong đó, vốn đầu tư phát triển, vốn trái phiếu chính phủ, kinh phí sự nghiệp thuộc ngân sách trung ương 207,7 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển, nguồn vượt thu năm 2015 từ ngân sách tỉnh xấp xỉ 102 tỷ đồng. Thế nhưng, theo số liệu thống kê, tính đến đầu tháng 10.2016 chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 29,7 - 47,4% vốn ngân sách trung ương và 93,8% vốn ngân sách tỉnh.
Ngoài việc giải ngân vốn chậm thì các tiêu chí về phát triển sản xuất, nhà ở, thu nhập cũng kém chuyển biến, chất lượng chưa cao, mới chỉ đạt ngưỡng so với quy định và khó có khả năng duy trì bền vững. Trong khi đó, một số xã tuy đã đạt chuẩn nhưng đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn và việc thụ hưởng thành quả NTM chưa nhiều. Đặc biệt, qua kiểm tra, khảo sát tại nhiều địa phương thì nổi lên tình trạng là quá thiên về đầu tư cơ sở hạ tầng, còn các nội dung liên quan đến vấn đề hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đối với các xã được công nhận đạt chuẩn, thời gian gần đây khi không có ngân sách nhà nước hỗ trợ thì đã có dấu hiệu chững lại, nhất là rất lúng túng trong việc thực hiện chương trình ở giai đoạn “nâng chất” bộ 19 tiêu chí NTM.
Theo ông Lê Muộn, một số hợp phần hỗ trợ trong cơ chế giảm nghèo của giai đoạn 2011-2015 còn mang nặng tính “cấp phát”, “cho không” nên vô hình trung đã làm một bộ phận không nhỏ hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Đáng nói hơn, nhiều địa phương thuộc xã điểm thực hiện mô hình NTM ở khu vực miền núi cũng còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo với mục đích được hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư của cả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM lẫn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
NHÃ PHƯƠNG