Nhìn lại những nỗ lực vì sự an toàn của người dân

ĐĂNG KHOA 09/04/2020 10:16

(QNO) - Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12.2019 tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và lây nhiễm ra các địa phương của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về người. Sau đó, dịch lây lan nhanh chóng, nguy hiểm ra nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, sau đó tăng cấp độ, công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh kiểm tra và động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ cắm chốt thuộc Đồn Biên phòng A Xan. Ảnh: V.V
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch vùng biên Tây Giang. Ảnh: VĂN VINH

1. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở từng thời điểm cụ thể, công tác phòng chống dịch của nước ta nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao”.

Kiểm soát, đo thân nhiệt người dân qua lại khu vực biên giới tại điểm chốt của Đồn Biên phòng Ga Ry kịp thời phát hiện ngăn chặn người bị nghi nhiễm bệnh. Ảnh: V.V
Lực lượng biên phòng đo thân nhiệt người dân qua lại khu vực biên giới. Ảnh: VĂN VINH

Trước đó, tại phiên họp của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt lưu ý: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn”. Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất. Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì.

2. Tại Quảng Nam, khi biết thông tin có nhiều hành khách đi trên chuyến bay với chị N.H.N. - ca nhiễm Covid-19 thứ 17 đến Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có mặt kịp thời tại TP.Hội An để trực tiếp chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành ngay phương án điều tra, xác định rõ người liên quan trên chuyến bay, triển khai các biện pháp cách ly theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi với lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: VINH ANH
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: VINH ANH

Theo đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định “công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh vào cuộc đồng bộ, quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân”.

UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống Covid-19 và các tiểu ban giám sát, điều trị, truyền thông, cơ sở vật chất… cũng được thành lập, đi vào hoạt động bài bản, khoa học, trách nhiệm cao. Mỗi người mỗi việc, chẳng ai bảo ai nhưng họ đều hăng hái, làm hết sức mình, làm tất cả những gì có thể nhằm góp sức cho mọi nhà, mọi người được yên vui, mạnh khỏe.

Bà con dân bản thương bộ đội, đem những củ sắn, cây mía, quả đu đủ tặng cho tổ cắm chốt của Đồn Biên phòng Ga Ry. Ảnh: V.V
Bà con dân bản mang củ sắn, cây mía, quả đu đủ tặng tổ cắm chốt của Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang). Ảnh: VĂN VINH

Những người ở tuyến đầu chống dịch như đội ngũ thầy thuốc, lực lượng cán bộ, chiến sĩ quân đội, biên phòng, công an… đã chấp nhận “cách ly” tổ ấm của gia đình tham gia xông pha nơi “chiến trường”, với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Nhiều nghĩa cử đẹp trong cộng đồng, doanh nghiệp đã và đang được khơi dậy cùng chung tay, góp sức, tiếp thêm sức mạnh với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch; mỗi phường xã, thôn bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình đều là một pháo đài phòng chống dịch như chỉ đạo quyết liệt, sát sao của người đứng đầu Chính phủ.

Nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo các cấp cũng “tả xung, hữu đột”, không quản khó khăn, gian khổ, lúc thì lên rừng, khi lại xuống biển. Họ đã có những đêm ăn không ngon, ngủ không yên vì lo cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

Việc xây dựng, triển khai kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh cũng được UBND tỉnh triển khai với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực; phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch bệnh được các địa phương đẩy mạnh. Công tác cách ly, điều trị được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Mọi hoạt động phòng chống dịch bệnh đều được công khai, chính xác, kịp thời.

Chốt kiểm dịch Covid-19 tại Tam Hiệp. Ảnh: HOÀI AN
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm soát phương tiện tại chốt kiểm dịch phía nam (Núi Thành). Ảnh: HOÀI AN

Tính đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Quảng Nam đã được kiểm soát tốt; nhiều du khách quốc tế, nhiều trường hợp trong nước, trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ cách ly và họ đã rất vui vẻ, xúc động khi được sự quan tâm đón tiếp, chăm sóc, phục vụ tận tình của các ngành chức năng liên quan. Cả 3 du khách người Anh dương tính với Covid-19 tại Quảng Nam (bệnh nhân thứ 31, 33 điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và bệnh nhân thứ 57 điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quảng Nam) đều đã xuất viện.

3. Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn luôn tâm niệm 4 chữ: “yêu nước, thương dân”. Trong bài viết “Sao cho được lòng dân”, của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh Chiến Thắng) đăng Báo Cứu quốc (số 65, ngày 12.10.1945), Bác nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đây chính là vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng.

Thiết nghĩ, học Bác, làm theo lời Bác dạy, mỗi chúng ta phải nhận thức đây là công việc tự giác, thường xuyên hằng ngày và mỗi việc làm dù rất nhỏ cũng phải hướng tới nhân dân, vì nhân dân, xem đó là mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm, là niềm vui, hạnh phúc của mỗi cán bộ, đảng viên như lời Bác đã dạy: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”…

Chốt kiểm soát dịch tại Cẩm Hà, TP.Hội An. Ảnh: QUỐC HẢI
Chốt kiểm soát dịch tại Cẩm Hà, TP.Hội An. Ảnh: QUỐC HẢI

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công bố dịch trên phạm vi toàn quốc, đồng thời ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, với yêu cầu: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày qua nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tuổi trẻ Quảng Nam chung tay chống dịch. Ảnh: QUỐC TUẤN
Tuổi trẻ Quảng Nam chung tay chống dịch. Ảnh: QUỐC TUẤN

Tỉnh Quảng Nam cũng đã kịp thời chỉ đạo nghiêm túc và có trách nhiệm về vấn đề này. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, khẳng định: “Quảng Nam nhất quán chủ trương và quyết tâm chính trị cao, triển khai quyết liệt các giải pháp mạnh về cách ly xã hội và có thu phí. Đây là cách làm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và hợp lòng dân”. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có thư gửi Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh vận động bà con Quảng Nam đang lao động, học tập, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh không nên về quê cho đến ngày 15.4 nhằm phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biêt thêm, đến ngày 6.4, tại phiên họp giao ban của Thường trực HĐND tỉnh, sau khi nghe Thường trực UBND tỉnh và các ngành liên quan báo cáo tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, công tác thành lập và vận hành các khu cách ly tập trung, xem xét đánh giá tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường đã thống nhất chỉ đạo: “Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động, sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp cách ly tập trung đối với người dân Quảng Nam từ vùng dịch trở về Quảng Nam từ ngày 1.4 - 15.4; phối hợp Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác hỗ trợ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. UBND tỉnh nghiên cứu hỗ trợ kinh phí thực hiện xét nghiệm, chỗ ở, điện, nước cho những đối tượng trên”.

Như chúng ta đã biết, trong số các địa phương có dịch hiện nay thì Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 2 địa phương có nguy cơ cao nhất, đã lây lan ra cộng đồng và mất dấu F0. Trước ngày 1.4 và sau thời điểm các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Budda (TP.Hồ Chí Minh) bùng phát, số lượng người từ 2 địa phương này về Quảng Nam gần 1.000 người, trong đó có những địa phương tập trung khá cao (Đại Lộc 666 người). Vì vậy các biện pháp ban đầu mà tỉnh đã áp dụng là cần thiết, kịp thời để hạn chế gấp dòng người từ 2 địa phương này về Quảng Nam; quy định này là phù hợp với mục 4 Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “Dừng di chuyển từ vùng dịch về các địa phương khác....”.

Bệnh nhân thứ 57 (điều trị tại Quảng Nam) và người vợ tạm biệt y bác sĩ khi được chữa khỏi bệnh. Ảnh: ĐẠO QUÂN
Bệnh nhân thứ 57 (điều trị tại Quảng Nam) và người vợ chào tạm biệt y bác sĩ sau khi được chữa khỏi bệnh. Ảnh: ĐẠO QUÂN

Đến nay tình hình khá ổn do bà con đã ý thức được tác hại nguy hiểm và sự lây lan trong cộng đồng của dịch bệnh. Đồng thời Hội đồng hương Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh đã và đang tích cực hoạt động hỗ trợ; tàu, xe, máy bay đã giảm nhiều chuyến; cơ sở vật chất, hậu cần, lực lượng đã sẵn sàng nên việc điều chỉnh như vậy là phù hợp và đã nêu rõ tại Công văn 1779/UB-KGVX ngày 31.3.2020 “sẽ điều chỉnh tùy diễn biến tình hình”.

Mặt khác, UBND tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để đảm bảo lo đầy đủ cho bà con cả về ăn uống, chỗ ở, xét nghiệm để bà con không phải nộp khoản tiền nào. Công tác xét nghiêm sẽ được tăng cường vì chúng ta có 2 nơi đủ điều kiện là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và Trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh. Những trường hợp nào âm tính 2 lần trong khoảng thời gian theo quy định của Bộ Y tế sẽ cho về cách ly tiếp tại nhà (khoảng 9 - 10 ngày thay vì 14 ngày).

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, tại Điều 4 quy định về nguyên tắc phòng chống bệnh truyền nhiễm có nêu rõ:

“Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng chống bệnh truyền nhiễm. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng chống dịch.

Điều 49, tổ chức cách ly y tế cũng quy định:

(1) Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A (có vi rút corona) và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

(2) Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

(3) Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch.

Tại Điều 8 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Về giải thích các từ ngữ trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng ghi rõ: Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Vùng có nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.

Về Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ Luật Hình sự; Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30.9.2010 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và mới đây nhất là văn bản Hướng dẫn số 45/TANDTC-PC ngày 30.3.2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19; Chỉ thị số 03/CT-VKSNDTC ngày 3.4.2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19; Công điện số 03/CĐ-BCA-V01 của Bộ Công an ban hành ngày 6.4 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 2673/VPCP-KGVX ngày 6.4 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 đều có đề cập và yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật các hành vi vi phạm liên quan về khai báo y tế, trốn cách ly, không chấp hành biện pháp phòng chống dịch… Và nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Viện dẫn cơ sở pháp lý trên để thấy rằng, quy định của pháp luật đã rất cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi người dân là phải “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nhất là giai đoạn cao điểm này phải có nhiều giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn nữa để chung tay đẩy lùi dịch bệnh chứ không nên bàn chuyện đúng, sai trong cách làm của mỗi địa phương. Tất cả đều phải cùng hướng đến tinh thần “mình vì mọi người”.

Trong định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương gần đây cũng liên tục yêu cầu các cơ quan báo chí, các địa phương, đơn vị phải “bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách, biện pháp cụ thể để người dân tiếp nhận, thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; tập trung đưa tin về các nỗ lực phòng chống dịch của các địa phương trong cả nước. Vận động người dân thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế; đặc biệt đẩy mạnh khai thác, lan tỏa những câu chuyện, hình ảnh đẹp, nhân vật tích cực, chân thực, xúc động cả những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đẩy lùi Covid-19. Yêu cầu lãnh đạo các cơ quan báo chí phải tăng cường công tác biên tập, rà soát, kiểm tra tin bài, rút tít; không để sai sót; xử lý nghiêm các sai phạm”.

Kết thúc bài viết này tôi muốn đề cập lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để mọi người cùng quan tâm, cùng hành động: “Bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng. Phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ thị gần đây của Thủ tướng. Không làm suy giảm tinh thần các chỉ thị, nhất là Chỉ thị 16 trong tổ chức thực hiện”. Nếu quyết tâm, đồng lòng và mọi việc chúng ta làm đều hướng đến lợi ích của nhân dân, của dân tộc thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lại những nỗ lực vì sự an toàn của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO