Bức tranh thế giới năm 2016 được vẽ nên từ những nét chấm phá nhiều màu sắc.
Hai phi hành gia người Thụy Sĩ Andre Borschberg (phải) và Bertrand Piccard là hai nhân vật gây chú ý năm 2016. Ảnh: Reuters |
1. Một công bố mang tính đột phá khoa học: dò bắt được sóng hấp dẫn – đúng như dự đoán cách đây 100 năm của nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein. Với thành tựu này, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế thuộc dự án Ligo Scientific Collaboration mở ra một cánh cửa mới cho nghiên cứu khoa học vũ trụ.
2. Một kỷ lục phi thường khi hai phi hành gia người Thụy Sĩ - Bertrand Piccard và Andre Borschberg hoàn tất hành trình hơn 40.000km vòng quanh thế giới bằng máy bay năng lượng mặt trời - Solar Impulse 2 - cổ xúy cho phong trào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
3. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân gây sốc khi người Colombia bác bỏ hiệp định hòa bình được ký kết vào cuối tháng 8.2016 giữa Chính phủ và phong trào nổi dậy FARC. Bởi người Colombia buộc những kẻ có tội phải đền tội khi gây nhiều tổn thương cho dân tộc hơn nửa thế kỷ qua. Dẫu vậy, nỗ lực kiến tạo hòa bình dưới thời Tổng thống Juan Manuel Santos được thế giới tôn vinh và nhà lãnh đạo Colombia được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2016.
4. Tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ), một đoạn video trên Facebook quay cảnh cậu bé 6 tuổi Alex (Mỹ) tự mình đọc bức thư rất xúc động khiến cả nghị trường lặng đi. Alex gửi thư này cho Tổng thống Mỹ Barack Obama để hỏi xem liệu Omran Daqdeesh (5 tuổi) - từng gây chấn động thế giới khi bức ảnh em với khuôn mặt thẫn thờ, đầy máu đang ngồi trên xe cứu thương sau vụ sụp đổ tòa nhà tại thành phố Aleppo, Syria - có thể đến và sống cùng gia đình Elex không. Lá thư như thể hiện thiện chí và khát vọng hòa bình của một đại diện thế hệ tương lai.
5. Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề biển Đông gây chú ý cộng đồng quốc tế. Theo phán quyết, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” - là trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển. Phán quyết cũng khẳng định Ba Bình và những bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa chỉ là “đá” và Trung Quốc không có quyền tuyên bố bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào ở Trường Sa. Công lý phải được thực thi, Trung Quốc phải chấm dứt hành động vi phạm luật pháp quốc tế từ trước đến nay trên biển Đông.
6. Khủng hoảng di cư châu Âu chưa có hồi kết. Gần 5.000 người phó mạng cho đại dương trong hành trình trốn chạy xung đột, nghèo đói và bệnh tật. Đau lòng không kém - cơ quan cảnh sát hình sự châu Âu cho biết - ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi kèm đang mất tích sau khi đặt chân đến châu lục. Thủ tướng Angela Merkel nổi lên như nhà lãnh đạo đạo đức của châu Âu, mở cửa đón hơn 1,2 triệu người tị nạn vào Đức. Châu Âu vẫn đồng loạt đóng cửa nhiều tuyến biên giới, ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu lục.
7. Khủng bố vẫn diễn ra khắp nơi, vẫn là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Paris (Pháp) đau lòng chứng kiến vụ đâm xe khủng bố tại thành phố Nice khiến gần 90 người thiệt mạng, nổ súng tại họp đêm Orlando (Mỹ) khiến 49 người chết….
8. “Cơn địa chấn” mang tên Donald Trump khi vị tỷ phú này - một người “phi truyền thống” - đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 45. Ông hứa hẹn đưa ra nhiều chính sách sẽ được Mỹ thực thi ở trong nước và trên toàn cầu.
9. Liên minh châu Âu họp cuối năm 2016 với nhiều tin buồn hơn vui. Người dân Anh bỏ phiếu quyết định tương lai đất nước khi đồng ý rời khỏi Liên minh châu Âu. Thủ tướng Anh Theresa May sẽ bấm nút kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3.2017 để Anh - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu rời khỏi liên minh khu vực trong lo toan của châu Âu và không ít người dân xứ sở sương mù.
NAM VIỆT