Nhìn lại vòng bảng World Cup 2018

VU GIA 30/06/2018 16:23

(QNO) - World Cup 2018, FIFA lần đầu tiên sử dụng Công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR), và tính đến chỉ số fair-play. Nhiều người đồng tình với việc tính chỉ số fair-play, mà chưa đồng tình lắm với VAR, nhưng đã vào cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi. Dễ người dễ ta. May mắn cũng là yếu tố không thể chối bỏ.

Đội tuyển Đức (áo xanh) bị loại ngay từ vòng bảng là một bất ngờ lớn của giải năm nay. Ảnh: Internet
Đội tuyển Đức (áo xanh) bị loại ngay từ vòng bảng là một bất ngờ lớn của giải năm nay. Ảnh: Internet

Vào lúc 21 giờ tối nay 30.6, vòng knock-out World Cup 2018 bắt đầu khởi tranh với trận Pháp gặp Argentina. Ba mươi hai đội bóng mạnh nhất của các châu lục đã đến nước Nga giành cúp vàng thế giới, và sau 48 trận chỉ còn lại 16 đội vào vòng knock-out. Tất cả những đội bóng được vào vòng này đều xứng đáng.

Một trong 2 đội tranh tài trận cuối cùng của vòng bảng là Anh - Bỉ, thì HLV Southgate (Anh) bị báo chí xứ sở xứ sương mù "vùi dập" không thương tiếc, bởi cái nhìn chung của nhiều người, trong đó có Việt Nam là Southgate "quá liều" khi chọn gặp Colombia khó hơn ở vòng 1/8, nhường cho Bỉ phần dễ dàng hơn - chỉ gặp Nhật Bản, đại diện duy nhất châu Á giành quyền đi tiếp.

Với tôi, khi đã vào được vòng knock-out thì chẳng có đội nào dễ chơi, nên gặp đội nào cũng thế. Có khi càng có áp lực thì càng có động lực, nên không thể nói trước được điều gì. Nếu những nhà bình luận biết sắp xếp chiến lược, chiến thuật cho từng trận đấu giỏi như thế thì chắc chắn đã được mời làm huấn luyện viên có danh có lợi hơn gấp nhiều lần so với những lời bình luận theo cảm tính của mình.

Chuyện đội Đức bị loại ngay từ vòng bảng, nhiều người cho là cú sốc lớn nhất ở World Cup 2018, bởi vì người hâm mộ quá tin tưởng mà nói thế, chứ chuyện gì cũng vậy, hễ chủ quan là gánh lấy hậu quả, mất đoàn kết cũng gánh lấy hậu quả chẳng tốt đẹp gì. Lịch sử World Cup đã chỉ rõ điều ấy. Cụ thể, World Cup 2002 với đương kim vô địch Pháp, 2010 với đương kim vô địch Italia, 2014 với đương kim vô địch Tây Ban Nha, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục, nếu bị hào quang chiến thắng ru ngủ.

Á quân World Cup 2014, sau trận thua 0-3 trước Croatia, tập thể cầu thủ Argentina đã chấn chỉnh kịp thời và lọt qua khung cửa rất hẹp để góp mặt ở vòng knock-out. Nhưng có như thế, bóng đá mới hấp dẫn, chứ mọi việc đúng như dự đoán thì chẳng ai thức đêm thức hôm coi bóng đá làm gì cho mệt sức.

World Cup 2018, FIFA lần đầu tiên sử dụng VAR, và tính đến chỉ số fair-play. Nhiều người đồng tình với việc tính chỉ số fair-play, mà chưa đồng tình lắm với VAR, nhưng đã vào cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi. Dễ người dễ ta. May mắn cũng là yếu tố không thể chối bỏ. World Cup năm nay, những người yêu bóng đá Việt Nam cơ bản được xem trọn vẹn ít nhất 2/3 trận tranh tài giữa các đội tuyển được cho là mạnh nhất thế giới, bởi giờ giấc khá phù hợp so với những kỳ World Cup trước. Niềm vui cùng nỗi buồn của những người yêu bóng đá Việt Nam dành cho những đội tuyển mình yêu thích, và hồi hộp theo từng đường chuyền, từng cú sút của cầu thủ…

Nhìn lại vòng bảng, chúng tôi chọn một số chi tiết mà chủ quan cho là "thú vị" những mong làm "hành trang" để cùng 16 đội tuyển bước vào vòng knock-out này:

- Bàn thắng đầu tiên tại World Cup 2018: Cầu thủ Yuri Gazinsky thực hiện ở phút 12 (trận Nga - Ả Rập Saudi: 5-0).

- Quả phạt đền đầu tiên và cũng là bàn thắng nhanh nhất đầu tiên tại vòng bảng World Cup 2018: Phút thứ 3 và cầu thủ Cristiano Ronaldo thực hiện thành công (trận Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha: 3-3).

- Cầu thủ lập hat-trick đầu tiên: Cầu thủ Bồ Đào Nha C. Ronaldo (Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha: 3-3).

- Cú đá phạt cố định ngoài vòng 16,50m đầu tiên làm cháy lưới đối phương: Cú đá phạt khoảng chừng 25m của C. Ronaldo vào lưới Tây Ban Nha gỡ hòa (3-3) cho đội Bồ Đào Nha ở phút 88.

- Bàn thua ngớ ngẩn bởi thủ môn: Bàn thua thứ 2 ở phút 45 do sai lầm của thủ môn Tây Ban Nha De Gea (trận Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha: 3-3).

- Bàn đốt lưới nhà đầu tiên: Cầu thủ Aziz Bouhaddouz (Marốc) bay người đánh đầu phá bóng đi thẳng vào lưới nhà vào phút cuối cùng của trận đấu (90+5’), giúp Iran thắng Marốc: 1-0.

- Quả phạt đền bị đá hỏng đầu tiên: Phút 64, trên chấm 11m, Lionel Messi (Argentia) không thắng được thủ thành Halldórsson (trận Argentina - Iceland: 1-1).

- Bàn thắng đầu tiên nhờ VAR: Phút 56, sau khi xem VAR, trọng tài cho đội tuyển Pháp hưởng quả phạt đền 11m, và cầu thủ Griezmann thực hiện cú đá rất căng, đánh bại thủ thành Ryan (Úc) giúp đội Pháp dẫn trước 1-0 (trận Pháp - Úc: 2-1).

- Đơn khiếu nại đầu tiên gửi đến FIFA: Không hài lòng với kết quả 1-1 trong ngày đầu ra quân tại World Cup 2018, Liên đoàn Bóng đá Brazil đã làm đơn đến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) hỏi về thủ tục sử dụng VAR, để xem lại 2 tình huống then chốt trong hiệp 2 (trận Brazil - Thụy Sĩ: 1-1).

- Huấn luyện viên kiêm nghề bác sĩ răng hàm mặt: Huấn luyện viên Heimir Hallgrimmson, 51 tuổi của Iceland vẫn là bác sĩ răng hàm mặt ngoài giờ trên sân cỏ. Công việc hằng ngày của ông không phải huấn luyện bóng đá mà là đến phòng khám riêng của mình để khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân...

- Đạo diễn phim làm thủ môn: Thủ môn Hannes Halldorsson của đội tuyển Iceland từng là đạo diễn phim. Anh từng là đạo diễn của chương trình âm nhạc Eurovision Azerbaijan hồi tháng 5.2012.

- Công nhân làm hậu vệ: Birkir Saevarsson (33 tuổi), hậu vệ đội tuyển Iceland, đang làm công nhân trong một nhà máy đóng gói muối ở thủ đô Reykjavik (Iceland), và chỉ được tham dự World Cup 2018 khi nhận được sự đồng ý của ông chủ. 

- Cầu thủ bị thẻ đỏ trực tiếp đầu tiên: Phút thứ 3, Carlos Sanchez dùng tay cản bóng trong vòng cấm, trọng tài không ngần ngại rút thẻ đỏ trút quyền thi đấu của C. Sanchez, và cho đội Nhật Bản hưởng quả phạt ở chấm 11m. Cầu thủ Shinji Kagawa thực hiện thành công ở phút thứ 6 (trận Columbia - Nhật Bản: 1-2).

- VAR cứu Costa Rica một quả phạt đền đầu tiên: Phút 77, Neymar ngã trong vòng cấm, trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền, và Neymar đặt bóng vào chấm 11m. Nhưng sau đó, xem lại VAR, trọng tài không những cho Costa Rica phát bóng lên mà còn phạt thẻ vàng Neymar.

- Bàn thắng muộn nhất: Phút 90+7 (thực tế là quá giờ đấu thêm so với 6 phút bù giờ), Neymar sút tung lưới Coata Rica, tuy rằng bàn thắng này không có ý nghĩa lắm (trận Brazil - Costa Rica: 2-0).

- Huấn luyện viên đầu tiên ngã lăn quay trên sân: HLV Tite của Brazil quá vui mừng chạy ào ra sân và ngã lăn quay trên sân sau bàn thắng của Philippe Coutinho ở phút bù giờ (90+1), giúp Brazil dẫn đầu bảng E sau 2 trận (4 điểm). HLV Tite được 2 cầu thủ dự bị đỡ dậy và ông tiếp tục chạy tới ôm chầm các cầu thủ, mặc cho vạt sau chiếc áo vest còn trùm trên đầu sau cú ngã (trận Brazil - Costa Rica: 2-0).

- Cầu thủ "nghèo" nhất thế giới: Siêu sao Neymar của đội tuyển Brazil ra sân luôn mang đôi vớ rách.

- Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất: Harry Kane (Anh): 5 bàn.

- Đội tuyển có nhiều bàn thắng nhất trong 1 trận: Đội tuyển Anh ghi 6 bàn vào lưới đội Panama.

- HLV đầu tiên có hành vi thiếu kiềm chế với đối phương tại sân cỏ: HLV đội Thụy Điển Andersson có những hành vi thiếu kiềm chế với Trưởng đoàn tuyển Đức Olivier Bierhoff sau trận đấu (trận Đức - Thụy Điển: 2-1), vì cho là có những cử chỉ châm chọc khi ăn mừng thắng trận.

- Trung vệ đầu tiên ghi 2 bàn trong một trận: Cầu thủ John Stones của đội tuyển Anh (trận Anh - Panama: 6-1).

- Cầu thủ đầu tiên ghi 5 bàn/2 trận: Cầu thủ đội tuyển Anh Harry Kane.

- Bàn thắng lịch sử cho đội tuyển: Bàn thắng đầu tiên của đội tuyển Panama trong lịch sử World Cup được cầu thủ Felipe Baloy chọc thủng lưới đội tuyển Anh ở phút 78 (trận Anh - Panama: 6-1).

- Bàn thắng mà người ghi bàn không biết: Đó là bàn thắng thứ 3 của Harry Kane (trận Anh - Panama: 6-1). Phút 62, Loftus-Cheek bất ngờ thực hiện cú sút xa, bóng chạm gót chân Kane đổi hướng bay vào lưới đội Panama. Harry Kane không nhảy lên vui mừng, vì anh không biết mình ghi bàn.

- Quan chức bóng đá đầu tiên bị FIFA điều tra vì… vạ miệng: Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Serbia Slavisa Kokeza đang bị FIFA điều tra sau cuộc phỏng vấn trên đài BBC với những cáo buộc cho rằng FIFA chống lại tuyển Serbia (trận Serbia - Thụy Sĩ: 1-2).

- Lần đầu tiên, VAR bị tố thiếu minh bạch: HLV Iran Carlos Queiroz vô cùng bức xúc cho rằng VAR thiếu minh bạch khi trọng tài Enrique Caceres không phạt thẻ đỏ C. Ronaldo ở phút 82, vì tình huống mà ông cho là C. Ronaldo đã "giật chỏ" Morteza Pouraliganji (trận Iran - Bồ Đào Nha: 1-1).

- Trận hòa đầu tiên không có bàn thắng: Đan Mạch - Pháp: 0-0.

- Huấn luyện viên đầu tiên bị cầu thủ đề nghị sa thải: Ngay sau trận thua muối mặt 0-3 trước Croatia (ngày 22.6), Messi cùng các cầu thủ cốt cán của Argentina lên tiếng yêu cầu quan chức của Liên đoàn Bóng đá Argentina hãy sa thải HLV Sampaoli, và tự quyết định đấu pháp trước khi ra sân.

- Đội tuyển gây thất vọng nhất: Đội tuyển Đức - đương kim vô địch World Cup - bị loại ngay từ vòng bảng, trở thành cựu vương sớm nhất.

- Đội tuyển được vào vòng 1/8 nhờ chỉ số fair-play: Đội tuyển Nhật Bản.

Tóm lại, 8 cặp đấu ở vòng 1/8 được xác định gồm: Pháp - Argentina, Uruguay - Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha - Nga, Croatia - Đan Mạch, Brazil - Mexico, Thụy Điển - Thụy Sĩ, Nhật Bản - Bỉ và Colombia - Anh. Và người hâm mộ bóng đá Việt Nam tiếp tục hò reo theo trái bóng tròn, nhưng rất mong không biến niềm vui thành nỗi buồn. Ông cha ta từng tổng kết: "Cờ bạc là bác thầng bần/ Cửa nhà bán hết ra thân ăn mày", nên đừng biến những diễn biến trên sân có thành trò đỏ đen.

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lại vòng bảng World Cup 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO