Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 4.5.2012 (gọi tắt nghị quyết 09) của hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XX) về xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, khu vực này đã tạo thêm sức hút để các dự án động lực tìm đến và triển khai đầu tư. Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 (khóa XXI) được tổ chức vào hôm nay (4.7), các đại biểu sẽ bàn thảo định hướng, những giải pháp để tiếp tục phát triển khu kinh tế này trong chặng đường mới được dự báo là sẽ chịu nhiều sức ép cả về cơ chế và nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Không khí lao động nhộn nhịp ở cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: Phương Thảo |
Tạo dựng hình ảnh
Có thể nhìn thấy không khí sinh động của Khu kinh tế mở Chu Lai qua những chuyến xe chở hàng hóa, nguyên phụ liệu vào ra cảng Tam Hiệp, Kỳ Hà. Thaco - con sếu đầu đàn khu vực này vừa công bố 6 tháng qua đã sản xuất hơn 48.100 xe các loại, bán ra 47.018 xe, doanh thu 26.558 tỷ đồng. Dự kiến sẽ có thêm 42.330 xe khác được sản xuất đến hết năm 2017. Nhà máy Thaco bus sẽ được đưa vào sản xuất trong tháng 9 tới, nhà máy xe du lịch Thaco Mazda (công suất 100.000 xe/năm) cũng sẽ được khánh thành vào tháng 3.2018 và nhiều nhà máy khác sẽ ra đời trong một ngày gần nhất. Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Thaco cho biết tập đoàn cam kết đầu tư giai đoạn 2017 - 2021 tổng cộng gần 3 tỷ USD, phát triển thêm nhiều nhà máy, đầu tư khu đô thị, trở thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.
Thiên Minh ký kết đầu tư vào Chu Lai. |
Không riêng gì sự phát triển của Thaco, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 về xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, khu vực này đã có thêm 37 dự án đi vào hoạt động, bằng 80% tổng số dự án hoạt động của 10 năm trước với tổng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm 369 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 45% (chiếm 57% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Quảng Nam), đóng góp 75% ngân sách, tăng 8.300 lao động (gấp 2 lần năm 2012). Trừ giá trị xuất khẩu không đạt chỉ tiêu tăng 26% (chỉ đạt 19% năm 2016), các chỉ tiêu còn lại như vốn đăng ký, diện tích lấp đầy 5 khu công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp ngân sách và thu hút lao động… đều vượt xa so với nghị quyết đề ra.
Không chỉ vậy, so với năm 2012, Khu kinh tế mở Chu Lai đã thực sự chuyển mình khi có các nhà đầu tư chiến lược, hình thành các dự án động lực, làm tiền đề cho phát triển khu vực này và vùng đông nam Quảng Nam, từ khu đô thị, du lịch, công nghiệp ô tô, đến các dự án khí điện, công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành may, phát triển hàng không và các dự án nông nghiệp sinh thái… Đó là liên danh giữa 3 tập đoàn Chow Tai Fook, Suncity group và Vinacapital; Thaco với Hyundai, Mazda và Peugeot; dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil (Hoa Kỳ); Tập đoàn Panko và Hiệp hội dệt may Hàn Quốc; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng các đối tác và Vinpearl đầu tư hệ thống cảng cá, dự án nông nghiệp sinh thái công nghệ cao.
Có thể nói rằng, kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở với “hạt nhân” khu thương mại tự do đã không thể thực hiện được. Địa vị pháp lý và dự phóng tương lai cũng mất khi Chính phủ công bố chọn xây dựng mỗi miền một đặc khu kinh tế. Cơ chế chính sách gần như tương đồng nên Chu Lai đã mất dần lợi thế so sánh. Chu Lai chỉ còn là hiện thân của một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia được đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Khu kinh tế mở này vẫn loay hoay trong tấm áo cơ chế cũ, chật chội, với những nhà đầu tư riêng lẻ trong chuỗi sản xuất. Cho dù chỉ thành công trong vai trò của một khu công nghiệp hơn là một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia, phải tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, không có chính sách gì đột phá…, nhưng chính khu vực này đã đặt nền móng cho Quảng Nam đứng vào tốp những tỉnh, thành có số thu ngân sách 10.000 tỷ đồng và điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017.
Chặng đường mới
Rất nhiều người đã tự đặt câu hỏi và đã tìm thấy câu trả lời trên thực tế, rằng nếu không có Chu Lai, Quảng Nam sẽ có được tầm vóc như hiện tại? Hình ảnh Quảng Nam liên tục được phát đi trên các phương tiện truyền thông, trong giới doanh nghiệp thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư. Hai thỏa thuận đầu tư chiến lược, 32 giấy chứng nhận chủ trương, thỏa thuận giấy phép đầu tư và nhiều thỏa thuận cấp tín dụng được ký kết, trao tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam tổ chức hôm 26.3.2017 tại Tam Kỳ đã có đến 2/3 số dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Gần đây nhất, Tập đoàn Thiên Minh (Việt Nam) và tập đoàn TUI (Đức) – một trong những tập đoàn du lịch, lữ hành lâu đời và lớn nhất thế giới hoạt động tại 180 điểm đến trên toàn thế giới đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng hệ thống khách sạn tại Quảng Nam. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói hơn 10.000ha đất khu vực này dành cho việc thực hiện 6 nhóm dự án đầu tư chiến lược.
Có thể dễ dàng nhìn thấy Quảng Nam đang đặt cược vào sự phát triển của 6 nhóm dự án động lực kéo dài trên “lãnh thổ” Khu kinh tế mở Chu Lai, khi mỗi một nhóm đã có hạt nhân làm động lực thúc đẩy tăng trưởng. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nêu trong bản báo cáo về Chu Lai trình hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào ngày hôm nay (4.7) ghi nhận các định hướng, mục tiêu Nghị quyết 09 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục duy trì, phát huy và cần làm việc với các cơ quan trung ương đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là các dự án có ý nghĩa quan trọng và đóng vai trò quyết định đối với việc phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.
Quan điểm của Quảng Nam là xây dựng vùng đông nam thành vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển, đóng vai trò hạt nhân, đầu tàu kinh tế. Các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ để phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành công nghiệp sử dụng năng lượng khí và các sản phẩm sau khí, ngành công nghiệp có kỹ thuật cao, ngành nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ hàng không, vận tải biển, trung tâm logistics, dịch vụ du lịch đặc thù nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Đến năm 2025, đưa vùng đông nam trở thành khu vực phát triển năng động, là một trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch dịch vụ của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vấn đề cần chú trọng vẫn là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy hoạch, quản lý hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đề xuất, tạo lập cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô và trung tâm cơ khí ô tô quốc gia, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, cơ chế tài chính đầu tư sân bay Chu Lai, đưa dự án Trung tâm khí điện miền Trung vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia…
Một trong những vấn đề cần giải quyết chính là việc huy động kịp thời các nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đó là đầu tư phần còn lại tuyến đường bộ ven biển, đoạn từ Hội An đi Tam Kỳ và từ Tam Kỳ đi sân bay Chu Lai. Các tuyến đường ngang kết nối vùng đông của tỉnh với quốc lộ 1, với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các trục giao thông kết nối đến các khu chức năng để kết nối với các khu công nghiệp, khu dân cư tái định cư, khu đô thị, du lịch nhằm hình thành chuỗi công nghiệp, đô thị, dịch vụ khép kín và xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói để hiện thực hóa phát triển là một quá trình. Muốn thành công phải có các nhà đầu tư.
Diện mạo Chu Lai như thế nào trước “cơn sốt” đầu tư như hiện nay vẫn rất cần thêm những đánh giá, định hướng khoa học.
TRỊNH DŨNG