Nhịp cầu đi tới tương lai

TRẦN CÔNG TÚ 24/03/2017 10:34

Không chỉ hoàn thành sứ mệnh đưa những chuyến đò ngang tròng trành trôi về quá khứ, ngày 24.3.2017, cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng, chính thức bắt nhịp tới lương lai cho cả vùng rộng lớn phía tây bắc Quảng Nam.

Khát vọng đôi bờ

Ngay phía dưới ngã ba sông Vu Gia - Thu Bồn gặp nhau, trước năm 1975, có cây cầu tạm bằng gỗ thông, bắc đôi bờ Thu Bồn nối liền Duy Xuyên và Đại Lộc để khai thác mỏ than Nông Sơn, khu kỹ nghệ An Hòa. Theo các vị cao tuổi, thời chiến tranh, cầu bị hư hỏng, nhịp sập đổ. Để khôi phục, nhân dân hai bờ dùng mọi vật liệu sẵn có bắt nhịp nhưng rồi nhiều lần bị lũ lụt cuốn trôi, lưu thông đường bộ tê liệt.

Cầu Giao Thủy nhìn từ trên cao.Ảnh: HUỲNH QUỐC HUY
Cầu Giao Thủy nhìn từ trên cao.Ảnh: HUỲNH QUỐC HUY

Theo thời gian, những hạng mục xây dựng năm xưa cũng dần biến mất, người dân đành sử dụng đò ngang qua lại, bờ nam là bến Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) và bến Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc) bên kia ngó lại. Sau ngày quê hương giải phóng đến nay, nhiều thế hệ nơi đây qua lại đôi bờ bằng đò. Mỗi ngày, bến Kiểm Lâm và Giao Thủy vận chuyển hàng nghìn lượt người và phương tiện. Dẫu biết rằng, Giao Thủy là nơi hợp lưu giữa hai dòng Vu Gia và Thu Bồn nên lòng sông rộng và nước chảy xiết, nguy hiểm luôn rình rập chuyến đò ngang tròng trành nhưng không còn cách nào khác, người dân đành phải đi đò. Ông Lê Công Tiến ở thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa cho hay, đò giang mùa mưa lũ cách trở, vì vậy khi nghe tin bạn bè thân hữu ốm đau muốn ghé thăm nhau cũng chẳng biết làm sao đi được. Mơ ước có cây cầu nhưng người dân đôi bờ đành chịu...

 Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ hoàn thiện cầu Giao Thủy.Ảnh: CÔNG TÚ
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ hoàn thiện cầu Giao Thủy.Ảnh: CÔNG TÚ

Thỏa niềm mong đợi

Mới đây, khi đứng trên cầu Giao Thủy đang trong giai đoạn hoàn thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vui mừng vì tỉnh đã trả được cho nhân dân các huyện vùng tây bắc “món nợ” mấy chục năm ròng. Hơn thế nữa, cầu Giao Thủy đang mở ra tương lai tươi sáng cho sự chuyển mình của các địa phương, là cơ hội đổi đời vươn lên cho nhiều thế hệ hiện tại và tương lai. Và những ngày qua, người dân trong vùng bàn tán râm ran về sự kiện cầu Giao Thủy chuẩn bị khánh thành với tâm trạng hân hoan khó tả.
Lấy cảm hứng từ cầu Giao Thủy, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã sáng tác bài hát: “Khúc tình ca cầu Giao Thủy”, trong đó có đoạn: “Giờ đây, cầu Giao Thủy nối đôi bờ sông Thu. Nối những con đường xuôi Bắc về Nam. Nối những tâm tình son sắt thủy chung. Nối biển xanh, về nguồn. Nối non cao, đồng bằng. Nối tình ta dịu dàng bên Apsara”...

Lần nào các vị đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tiếp xúc, cử tri đều kiến nghị quan tâm đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Thu Bồn. Cầu Giao Thủy ở vị trí thấp lụt, muốn làm phải xây cầu vượt lũ nên tiêu tốn rất nhiều tiền. Trước nhu cầu xây dựng cây cầu nối đôi bờ sông Thu Bồn, phục vụ nhân dân đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đã đề đạt nguyện vọng của người dân lên Quốc hội và Chính phủ. UBND tỉnh cũng đã báo cáo Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ nguồn lực và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương, bố trí vốn; Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất hỗ trợ vốn ngân sách trung ương năm 2015 và kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 để tiến hành xây dựng cầu.

Ngày 25.3.2015, cầu Giao Thủy chính thức được khởi công xây dựng. Công trình góp phần hoàn thiện mạng lưới đường tỉnh, rút ngắn điểm kết nối di sản và các điểm du lịch, đóng vai trò tuyến gom phía tây của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ý thức được tầm quan trọng của cầu Giao Thủy trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cán bộ và nhân viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác chuyên môn. “Chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ban ngành Trung ương, các sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc cùng các đơn vị, địa phương liên quan. Đặc biệt, sự ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án là động lực, điều kiện để chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thực hiện công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn” - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, ông Đặng Bá Dự phấn khởi chia sẻ với chúng tôi. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thường xuyên quan tâm thăm hỏi, chỉ đạo Quảng Nam phải luôn bám sát việc triển khai xây dựng cầu an toàn, chất lượng và đảm bảo mỹ thuật.

Bắt nhịp tới tương lai

Dự án cầu Giao Thủy được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 823,27 tỷ đồng, bao gồm phần cầu và đường dẫn kết nối với quốc lộ 14B. Đến thời điểm này, dự án được xây dựng khoảng 474 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng khoảng 440 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 34 tỷ đồng). Cầu có chiều dài 1.002m, rộng 12m. Phần đường dẫn hai đầu cầu trong giai đoạn này dài 4,29km. Trong đó, phía Đại Lộc dài 3,8km có điểm đầu tại km6+500, tuyến ĐT609B (kết nối với ĐT609 tại ngã tư Ái Nghĩa); điểm cuối phía Duy Xuyên dài 0,49km, giáp nối đường ĐT610 tại km18+900 (xã Duy Hòa). Công trình do liên danh Công ty TNHH Thanh Tùng - Công ty CP 479 - Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương thi công. Liên danh Phân viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải miền Trung cùng Công ty CP Tư vấn giao thông Quảng Nam đảm nhận tư vấn giám sát. Cầu Giao Thủy được UBND tỉnh gắn biển công nhận công trình chào mừng kỷ niệm 42 năm giải phóng Quảng Nam và 20 năm tái lập tỉnh.

Theo ông Đặng Bá Dự, những vướng mắc về mặt bằng thi công cầu Giao Thủy được chính quyền địa phương tháo gỡ kịp thời, với sự đồng thuận cao của nhân dân. Khắc phục thời tiết bất lợi, nhất là mùa mưa năm 2016, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, các cơ quan thẩm định, các kỹ sư, công nhân, thợ thủ công, các tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia, đóng góp tâm sức, trí tuệ để đưa công trình hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với hợp đồng. Ngày 24.3, cầu Giao Thủy khánh thành và chào đón nhân dân qua lại. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh đã từng khẳng định, công trình quan trọng này sẽ tạo điều kiện khai thác thế mạnh của vùng trung du của tỉnh. Cầu Giao Thủy chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Hình ảnh người dân đánh đu sinh mệnh khi qua lại trên đò ngang Giao Thủy giờ đây chỉ còn là ký ức.  

Cầu Giao Thủy đã mở ra tương lai với bao vận hội mới. Đối với Duy Xuyên, huyện có điều kiện đưa mục tiêu năm 2020 trở đi, thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gần hơn bao giờ hết. Ở phía bắc cầu Giao Thủy, chính quyền huyện Đại Lộc đang nỗ lực đẩy mạnh công tác quy hoạch. Trong đó, huyện “tựa” vào cầu để hình thành mạng lưới thị tứ vùng Giao Thủy và Quảng Huế, tạo sức lan tỏa phát triển vùng B Đại Lộc. Cùng với đoạn tuyến ĐT610, nối Duy Xuyên - Nông Sơn qua đèo Phường Rạnh hoàn thành (khánh thành ngày 23.3), người dân Nông Sơn không còn phải đi trên tuyến ĐT611 qua Quế Sơn, xuống quốc lộ 1 để vòng ra Đà Nẵng quá xa xôi và tốn kém. Bây giờ, họ có thể đi trên tuyến ĐT610, qua cầu Giao Thủy, tiếp tục lưu thông trên tuyến ĐT609B, nhập vào quốc lộ 14B xuống TP.Đà Nẵng. Cung đường qua Đại Lộc ra Đà Nẵng của người dân vùng tây Duy Xuyên chưa bao giờ ngắn đến thế.

TRẦN CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhịp cầu đi tới tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO