Mùa xuân này, nhiều người dân ở các khu tái định cư (TĐC) dự án thủy điện đã bớt âu lo tìm kiếm phương tiện sản xuất. Những thửa ruộng mới khai phá xanh mơn mởn, các mô hình trồng cây giảm nghèo đang hứa hẹn…
Dân có đất trồng trọt
Mấy năm trước đây, đồng bào Ca Dong ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) gần như “ăn không ngồi rồi” trên vùng đất TĐC do khan hiếm đất sản xuất. Tuy nhiên, đầu năm nay, hàng trăm hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ, cấp đất canh tác. Từ ngày nhận “sổ đỏ” trên tay, nhiều người không giấu được niềm vui. Thói quen làm chủ đất sản xuất theo “lệ làng” đã thay đổi trong nhận thức của đồng bào. Hộ ông Hồ Văn Xuân (thôn 5, xã Trà Bui) được Nhà nước cấp gần 1ha đất sản xuất sau lưng nhà. Qua nhiều năm bỏ công khai hoang trong khu rừng, giờ ông Xuân mới có cảm giác an tâm làm chủ. Ông nói: “Xuân này, 5 sào lúa rẫy của mình lên tươi tốt, được Nhà nước trao sổ đỏ nên không sợ phải bị các hộ dân khác xâm lấn. Có đất, có sổ đỏ, cả nhà vui lắm”.
Phía sau khu tái định cư thôn 3 xã Trà Bui đã được Nhà nước quy hoạch cấp đất trồng trọt cho đồng bào. Ảnh: T.HỮU |
Sau tết, trở lại các ngôi làng TĐC dự án thủy điện ở thôn 5 và 6 (xã Trà Bui), chúng tôi cảm nhận sức sống đang hồi sinh mạnh mẽ. Những dãy nhà xây mới còn thơm mùi vôi, các phương tiện nghe nhìn trở nên khá phổ biến. Thậm chí đồng bào Ca Dong còn mạnh dạn mua sắm chảo parabol, sử dụng đầu VTC để tiếp sóng nhiều chương trình giải trí. Nhờ chăm chỉ làm ăn, trúng mùa lúa rẫy, thu hoạch keo nên người dân đã lo một cái tết ấm no, đủ đầy. Theo ông Nguyễn Dương Thi – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui, đây là mùa xuân đầu tiên đồng bào Ca Dong thực sự hạnh phúc bởi được chính quyền “lo xa” cấp đất canh tác. “Với người miền núi, đất là sự sống, là nồi cơm bát gạo. Nếu không có, hoặc thiếu đất sản xuất, sớm muộn gì họ cũng quay vào rừng chặt phá gỗ kiếm lấy cái ăn” - ông Thi nói.
Cuối năm 2013, Nhà nước đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng để đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ TĐC công trình thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, có 348 hộ thuộc 6/6 thôn của xã Trà Bui được cấp gần 1.000ha đất sản xuất, trong đó có 144 hộ TĐC được cấp 278ha; 204 hộ dân sở tại được cấp 645ha.
Trẻ em ở làng tái định cư thôn 6 xã Trà Bui. |
Hình thành vùng chuyên canh
Thời gian gần đây, huyện Bắc Trà My đã quy hoạch phát triển trồng trọt theo vùng rõ rệt. Chính quyền huyện chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển sản xuất rất cụ thể. Điển hình ở các xã vùng thấp như Trà Đông, Trà Dương ưu tiên trồng cây sắn; thị trấn Trà My, các xã Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Tân phát triển chuyên canh cây chuối; Trà Nú, Trà Giáp, Trà Giác trồng cây cao su… Trồng cây cao su tiểu điền muộn hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhưng chính quyền huyện Bắc Trà My chủ động phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, Công ty TNHH một thành viên Cao su Nam Giang triển khai tổ chức dạy nghề, cấp chứng chỉ học nghề trồng trọt cho nông dân. Đến nay, có hàng trăm nông dân đã được cấp chứng chỉ học nghề trồng trọt. Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My, thời gian qua, 100 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã trồng hơn 150ha cao su tiểu điền. Hiện nay, loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển mạnh mô hình trồng cao su tiểu điển, Bắc Trà My hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho những hộ trồng cao su tiểu điền khai hoang, mua cây giống.
Để giải quyết chuyện “nhập nhằng” tranh chấp nguồn gốc đất của người dân bản địa, Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam chủ động thương thảo quyền lợi với người dân trong trồng cây cao su. Nhờ đó người dân rất an tâm sản xuất, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Theo Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, để lấy ngắn nuôi dài, những năm qua, ngoài khuyến khích người dân trồng cây cao su, từ nay đến năm 2015, Đảng bộ huyện Bắc Trà My còn tiếp tục định hướng chiến lược là hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô, trong đó chuối được xem là cây tạo “đòn bẩy” giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thống kê cho thấy, toàn huyện đã trồng hơn 700ha cây chuối các loại tại các xã Trà Đông, Trà Sơn, Trà Tân và rải rác các xã vùng cao. Nhiều gia đình ở Bắc Trà My bắt đầu giàu lên từ cây chuối. Ước tính giá trị từ chuối đem lại trên địa bàn trong hai năm (2012 - 2013) là gần 20 tỷ đồng đồng. Ông Nguyễn Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin, người dân vùng cao vừa đón một cái tết an lành, ấm cúng. Trong tất cả các loại cây trồng thì chuối là loại cây xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương ổn định cuộc sống.
TRẦN HỮU