"Nhịp thở" của đời sống Quảng Nam

XUÂN HIỀN 21/06/2018 11:34

Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XII (2017 - 2018) tiếp tục cho thấy thương hiệu của một giải thưởng báo chí địa phương, khi cả số lượng lẫn chất lượng bài dự thi đều vượt trội.

Hai tác giả Lê Trung, Trần Mai theo chân những người giữ rừng. Ảnh: X.HIỀN
Hai tác giả Lê Trung, Trần Mai theo chân những người giữ rừng. Ảnh: X.HIỀN

VỚI tổng số lượng bài dự thi cho cả 4 thể loại, gồm báo in, báo hình, phát thanh, báo ảnh lên đến 219 tác phẩm, Ban tổ chức (BTC) Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XII khá “cân não” trong việc chấm chọn.

Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Phó BTC giải thưởng, cho biết, các tác phẩm dự giải năm nay đạt kỷ lục về số lượng, chất lượng và được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của cả nước.

Theo BTC giải thưởng, cả 4 thể loại báo hình, báo nói, báo in, phóng sự ảnh đều có những tác phẩm xuất sắc, bám sát cuộc sống, với góc nhìn mới mẻ, sắc sảo của các nhà báo, xoay quanh chủ đề được dư luận quan tâm và vấn đề thời sự của địa phương, từ hiện trạng phát triển vùng đông của tỉnh, các bài viết về phong trào khởi nghiệp, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ… Qua đó, một bức tranh xứ Quảng được ghép từ những lát cắt này hiện lên sinh động, đầy đủ, toàn diện.

Bức tranh sinh động

Vẫn như mọi năm, báo in là thể loại có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất, khi quy tụ đến 129 tác phẩm của 73 tác giả, nhóm tác giả ở 2 thể tài ký báo chí và bài phản ánh, tường thuật, xã luận, bình luận, chuyên luận, sổ tay phóng viên.

Nhà báo Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ): Sân chơi công bằng của người làm báo
“Nhìn qua các tác phẩm đoạt giải sẽ thấy điều thú vị, đó là sự thẳng thắn của ban giám khảo. Những tác phẩm có tiếng nói phản biện, thậm chí “trái chiều” với các chính sách, góp phần xây dựng địa phương được đề cao và thưởng xứng đáng. Có thể đó là một sự dũng cảm của Ban tổ chức và người làm báo Quảng Nam. Một giải thưởng báo chí cấp tỉnh mà thu hút số lượng các báo ở khu vực, thậm chí là báo chí cả nước có đại diện ở miền Trung tham dự, với số lượng hơn 200 tác phẩm, đủ thấy quy mô của giải.  Một giải thưởng mà các nhà báo đều háo hức tham dự và vinh dự khi đứng lên nhận giải thưởng, cũng đủ cảm nhận được tầm vóc của giải. Nhìn qua tác phẩm đoạt giải các năm trước và sự cuốn hút của nó cũng đủ để biết uy tín giải như thế nào.
Phải nói rằng ít giải báo chí nào trong khu vực, thậm chí giải thưởng của các ngành, đơn vị... thu hút đông đảo các nhà báo tham gia như vậy. Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng là sân chơi để các nhà báo thể hiện sự dấn thân, yêu nghề, công tác nghiệp vụ thể hiện qua từng tác phẩm, từng bài viết được ban tổ chức, ban giám khảo đánh giá một cách minh bạch, công bằng. Điều ấn tượng và thu hút đông đảo phóng viên tham gia nữa là sân chơi này không phân biệt giữa các báo. Không có sự ưu ái giữa “báo nhà” và “báo bạn”, báo trong tỉnh và báo ở các địa phương khác tham gia, yếu tố này tạo sự cạnh tranh khốc liệt và vì vậy chất lượng của giải sẽ rất cao”.LÊ QUÂN (ghi)

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, thành viên Ban Giám khảo, cho biết hầu hết tác phẩm dự giải đều đạt yêu cầu về tiêu chí quy định trong thể lệ. “Đề tài phản ánh tập trung vào những vấn đề liên quan đến đất và người Quảng Nam trong hành trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nổi bật là các nhóm đề tài gắn với các sự kiện thời sự chính trị như kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà, về các biến cố trong đời sống, biến đổi khí hậu (thiên tai, nạn lở núi), quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản; về sự dịch chuyển của lao động, sự biến đổi của đời sống xã hội, sinh thái nhân văn, về bảo tồn văn hóa và nhất là trước yêu cầu phát triển du lịch, làng nghề” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng chia sẻ. Cũng theo nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, tổng thể tác phẩm dự giải lần này phản ánh chân xác hiện thực bằng cái nhìn nhạy bén của báo chí, lắng nghe tiếng nói những thân phận cuộc đời bằng tình cảm nhân văn với phạm vi phản ánh rộng. Tất cả làm nên bức tranh đa dạng và phong phú, khơi đúng “nhịp thở” của đời sống Quảng Nam thời gian qua.

Nhà báo Phan Thanh Hằng (Đài Tiếng nói Việt Nam), thành viên BGK cho biết, loại hình báo nói năm nay có số lượng tác phẩm tham dự nhiều hơn, đề tài phong phú, đáng lưu ý là các đề tài về chủ quyền biển đảo, bảo tồn văn hóa dân tộc và nghệ thuật dân gian cũng như các tác phẩm về khía cạnh đời thường của cuộc sống được các tác giả chuyển tải mạch lạc. Đặc biệt, phong cách phát thanh hiện đại đã được nhiều tác giả thể hiện khá tốt.

Cũng như vậy, thể loại phóng sự ảnh năm nay chứng kiến sự tăng vọt về số lượng và chất lượng tác phẩm dự giải. Những “câu chuyện ảnh” được thể hiện sinh động, với các đề tài xã hội, văn hóa ấn tượng.

Những góc nhìn sắc nét

Bắt kịp dòng chảy của đời sống xứ Quảng, dưới những góc nhìn mới mẻ là điều các tác giả dự giải lần này lấy làm tiêu chí để gửi tác phẩm dự thi. Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Vinh Quang - Trung tâm Truyền hình Nhân Dân của Kênh Truyền hình Nhân Dân (Báo Nhân Dân), với bộ phim tài liệu “Khúc tưởng niệm bên dòng sông Thu”, cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh lẫn nhân vật. “Điểm độc đáo của tác phẩm là có thêm tư liệu mới về những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ… chiến trường mà lâu nay chúng ta chỉ mới nghe tên hoặc nghe kể về họ. Với nguồn tư liệu quý này, chúng tôi chuyển tải đến bạn đọc bằng hình ảnh gắn với câu chuyện của những đồng đội năm xưa” - nhà báo Nguyễn Vinh Quang chia sẻ.

Cũng với chủ đề này, loạt bài ký dài kỳ của nhóm tác giả Thành Công - Xuân Thọ khá công phu, đi sâu vào nỗi niềm đau đáu phải giải quyết thời hậu chiến là quy tập hài cốt liệt sĩ, với nghĩa tình đồng đội cao cả, cũng được đánh giá cao ở thể loại báo in.   

Mảng đề tài gắn với các vấn đề thời sự, xã hội nhận được số lượng lớn tác phẩm dự giải ở các thể loại. Nhóm tác giả Lê Trung - Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ) với phóng sự ảnh “Theo chân những người ăn núi ngủ rừng” thể hiện sự đầu tư công phu. Tác giả Lê Trung chia sẻ: “Làm phóng sự ảnh này, chúng tôi phải mất gần 10 ngày ăn núi ngủ rừng cùng với những nhà khoa học, trong điều kiện mưa rừng lạnh thấu xương, đêm phải đốt lửa cho ấm. Kỷ niệm nhớ nhất là những đêm đi theo chân các nhà khoa học để nghiên cứu, tìm loài động vật mới. Ớn lạnh nhất lúc một trong hai người suýt giẫm phải rắn cạp nong dài gần 2m, nếu rắn cắn thì chỉ vài phút là có thể mất mạng”.

Ở thể tài ký báo chí của thể loại báo in, nhóm tác giả ALăng Ngước - Thành Công gây ấn tượng với loạt bài “Mầm sống nơi Khe Chữ”. Tác giả ALăng Ngước cho biết, dù không tiếp cận ngay với hiện trường Khe Chữ lúc núi lở, nhưng họ đã quyết định ở lại dài ngày với ngôi làng, cùng bà con và các chiến sĩ dựng lều trại, cảm nhận cuộc sống của người dân…

Và còn rất nhiều những tác phẩm có chất lượng khác, từ loạt bài “Cuộc xoay chuyển vùng đông” (Báo Quảng Nam) đến tọa đàm trực tiếp “Tuổi trẻ Quảng Nam trên con đường khởi nghiệp” (thể loại báo hình - Đài PTTH Quảng Nam), Cờ Tổ quốc trên Biển Đông (thể loại báo nói - Đài PTTH Quảng Nam)… để lại nhiều ấn tượng về một dòng chảy báo chí đậm hơi thở cuộc sống.

Nhà báo Nguyễn Vinh Quang nói, chính tính khu biệt của giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tạo động lực rất lớn cho người làm báo ở Quảng Nam tìm tòi làm mới các tác phẩm của mình trên cơ sở sự chuyển động của vùng đất này.

Với những tác giả trẻ, giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng là một điểm nhấn ấn tượng trong hành trình làm nghề của họ, để như tác giả Lê Trung chia sẻ, “năm nào cũng trữ sẵn “hàng” để tham gia giải, và được giải nào cũng thấy vui, vinh dự”.

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nhịp thở" của đời sống Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO