Trong những ngày cuối tháng 11.2019 tôi tìm gặp và trò chuyện cùng ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Nguyên do bởi một sự kiện đã xảy ra vừa tròn 20 năm: trận đại hồng thủy 1999 và sự cố hồ Phú Ninh ở thời điểm ấy.
Trong trận hồng thủy đó, riêng tại Quảng Nam có một đặc thù khác so với các tỉnh thành trong khu vực là, trong khi nước lụt tháng 11 vẫn còn ngâm thì đầu tháng 12 trời lại “hành” thêm cơn lụt lớn. Lần này Quảng Nam là nơi diễn ra ác liệt nhất. Vào thời điểm căng thẳng đó, dưới chân của đại công trình thủy lợi Phú Ninh có một câu chuyện bí mật, liên quan đến sinh mạng hàng nghìn người dân. Phải một thời gian sau chuyện mới được tiết lộ. Câu chuyện liên quan trực tiếp đến ông Lê Trí Tập.
Ông Tập từng là một kỹ sư thủy lợi được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Trì hoãn yêu cầu phá đập từ Trung ương để cứu dân là quyết định sinh tử của đời ông. Một quyết định được ông đem mạng sống của mình ra để đánh cược chứ không chỉ là sinh mạng chính trị. Song ông biết đó là quyết định đúng đắn bởi, nếu buộc xả lũ thì phải khẩn cấp di dời 600.000 dân nằm ngay dưới chân đập. Đã vậy thời điểm di dân là lúc nửa đêm. Mà di dân đi chỗ nào bây giờ khi mà mọi nơi nước dâng bốn bề? Tiếp điện thoại của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Tập khẳng định: “Tình hình hiện tại chỉ có thể giải quyết tại chỗ, không thể chờ sự chi viện từ Trung ương hay địa phương khác. Quảng Nam đã có phương án sẵn, xin Trung ương cho tự quyết để thực hiện”. Với kinh nghiệm, ông Tập đề nghị cho phép được nâng đập Long Sơn lên thêm 30cm nữa. Với mức nâng này, hồ Phú Ninh có thể chứa thêm 17 triệu mét khối nước để cầm cự đến sáng hôm sau.
Sau khi nghe điện Tổng Bí thư, ông Tập quay sang hỏi ông Lê Huy Ngọ - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt trung ương có mặt tại cuộc họp, ông Ngọ bảo đồng ý với phương án của tỉnh nhưng bây giờ làm thế nào để nâng đập lên 30cm? Ông Tập nói ngay, các anh không lo, nếu gật đầu chúng tôi sẽ triển khai ngay. Bởi hiện tại trên mặt đập đã có 2.000 quân, 1.000 bao tải, 2 xe ủi, 1 xe xúc, cứ hai người một bao thì trong 20 phút chúng tôi sẽ đưa 250m chiều dài mặt đập lên cao trình mới. Công việc tiến hành đúng như kế hoạch. Đúng 5 giờ sáng hôm sau (4.12.1999), tin từ mặt đập hồ Phú Ninh báo về: nước đang dao động ở cao trình 34,44m và đang rút dần. Đúng 6 giờ sáng cùng ngày, qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, giọng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập reo vui: “Đã bảo vệ an toàn đập Phú Ninh rồi, đồng bào yên tâm”.
Một nhà báo kể lại, giữa lúc trời đang sầm sập mưa như thác đổ, gió thổi rát mặt, nước lụt mấp mé đỉnh đê bao, ông Lê Trí Tập đã lên trên mặt đê chỉ đạo chống lũ. Đã có nhiều ý kiến phản đối, rằng trước hay sau đê bao quanh hồ Phú Ninh sẽ vỡ, ý kiến trung ương cho phép phá đê, chịu lụt cục bộ. Ông Lê Trí Tập vẫn cương quyết bảo lưu ý kiến của mình và ông nói một câu nổi tiếng ngay trên mặt đê khi lũ lụt đang chực trào: “Tôi chịu trách nhiệm về quyết định này để cứu dân. Nếu không may đê vỡ thì tôi cũng không ân hận mà tự hào vì được chết cùng dân…”.
Hai mươi năm qua, sau trận đại hồng thủy 1999, đã rút ra cho chúng ta nhiều bài học quý báu như: Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó phòng chống thiên tai phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải luôn chủ động đi trước một bước; làm tốt công tác phòng tránh ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Và, trên thực tế công tác phòng chống thiên tai của Quảng Nam những năm qua đã tốt lên rất nhiều trong tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu. Điều gan ruột, ông Tập bộc bạch, một phẩm chất người lãnh đạo cần có đó là đưa ra quyết định đúng đắn vào những thời điểm quyết định.