Nhớ bài vè quê nhà

HOÀI HƯƠNG 26/01/2019 03:23

Ngày chạm tết, tôi bỗng nhớ bài vè năm cũ tụi trẻ trong làng vô tư đọc ngô nghê: “Xe Ríp (jeep) anh Ba Mạng/ Cái chạn ông Ri/ Ti vi ông Cửu Hai/ Cái chai anh Chín…”.

Làng rau Bàu Tròn bây giờ.
Làng rau Bàu Tròn bây giờ.

Làng Bàu Tròn, Phước Yên (Đại An, Đại Lộc) quê tôi, từ trẻ nhỏ đến người già rất nhiều người thuộc làu bài đồng dao nêu tên từng nhân vật có ấn tượng trong làng, gắn với thân thế, địa vị, cá tính, thân phận của họ, gắn liền với từng cột mốc những thời đoạn lịch sử khó khăn sau giải phóng và những câu chuyện xảy ra trong làng. Những dấu vết của thời khốn khó ẩn chứa trong từng tên gọi, mà đến tận về sau này, khi những đứa trẻ con ngày xưa ấy sau mấy chục năm mới đủ hiểu biết để nhận ra.

Ngày đó, sau giải phóng, trong làng hiếm hoi nhà có xe máy. Nhà nào có Honda 67 (đang thịnh hành lúc đó) được xem là giàu có chứ đừng nói gì đến xe jeep. Anh Ba Mạng là tài xế lái xe cho Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy. Thời đó giám đốc cũng chưa có xe ô tô sang trọng như bây giờ, có chiếc xe jeep quân đội thường dùng là “ngon” rồi. Nhờ chiếc xe này mà cả làng ai ốm đau bệnh tật, đêm hôm đều cậy nhờ anh ấy chở đi cấp cứu. Nhờ lòng nhiệt tình không quản ngại của bác tài mà mấy phụ nữ sinh đẻ, các cụ già tuổi cao sức yếu trúng gió hay ai đó chẳng may sảy chân, trẹo khớp kịp thời đến bệnh viện. Còn bọn trẻ chúng tôi chẳng quan tâm xe chạy về làng làm gì, chỉ biết mỗi khi nhìn thấy chiếc xe là đồng thanh hô vang khắp xóm: “xe lên, xe lên!”. Ai cũng phấn khởi hồ hởi khi được ngồi lên chiếc xe chở đi một đoạn rồi nhảy xuống, mừng rơn! Còn “cái chạn” anh Ri nó đẹp và nó chứa những gì tôi chưa hề thấy nhưng nghe nói nhà ấy thuộc diện khá giả trong làng. Nghe đâu thời trước gia đình làm “sở Mỹ” (làm cho quân đội Mỹ), về sau cô vợ buôn bán cá nên đời sống cũng khá hơn so với những nhà thuần nông xung quanh.

Người làng tôi, cho đến tận bây giờ, nếu chịu khó quan sát, ly tách và đồ dùng trong nhà, nhà ai ngày xưa có làm sở Mỹ đều được giữ cẩn thận trong tủ “búp phê” đặt trang trọng nơi phòng khách. Những ly tách, chén đĩa này chỉ dùng khi có khách hoặc những dịp giỗ tết quan trọng. Đó không chỉ là kỷ vật, là những đồ dùng đắt tiền mà còn quý giá hơn vì nó gắn liền với một quãng đời của họ. Mỗi món đồ là một câu chuyện dài. Còn các nhà khác trong làng, chỉ có những món đồ đơn sơ, giản dị.

Tuổi thơ chúng tôi thời đó là chuỗi ngày đi coi ti vi ké, đi xem chiếu bóng màn ảnh rộng ngoài trời. Trong làng có vài cái ti vi trắng đen nội địa. Chỉ có cái ti vi của hợp tác xã là hiện đại nhất, mở chiếu phục vụ cho bà con xem từ 7 giờ tối đến hết chương trình. Ông Cửu Hai là người có ti vi trước tiên trong làng nên về mức độ giàu có và... chịu chơi được người làng có phần ngưỡng mộ. Chức danh hàng “Cửu phẩm” của ông cũng đủ nhắc nhớ vị trí của ông trong làng. Riêng “cái chai anh Chín” thì làng trên xóm dưới ai nấy làm bánh rò đều qua mượn. Bởi vì cái chai của anh Chín là cái chai thủy tinh hình vuông, làm bánh rò cần có 4 góc cạnh vuông vức, cân xứng nên phải mượn cái chai để định hình để dựng các tấm lá chuối khi gói bánh. Đó cũng là chuyện thường ngày trong làng.

Giờ ở phố ai cần gì sắm cái đó, khó có thể hình dung chuyện chạy đầu làng cuối xóm mượn cái nồi nấu bánh tét, cái chảo đổ bánh xèo, cái khuôn bánh in, cái xà beng, đôi giỏ trạc hoặc hết gạo mượn đôi ba lon nấu đỡ, mai mốt trả lại. Chưa kể cưới xin, giỗ chạp đều huy động chén bát đĩa của cả xóm. Vì thế chén đĩa nhà ai dưới trôn đáy đều có đánh dấu sơn bằng ký hiệu riêng. Điều đặc biệt là chẳng mấy khi người cho mượn tỏ vẻ khó chịu hay cảm thấy phiền hà, người mượn cũng chẳng e dè, xấu hổ gì cả. Ai cũng xem việc của hàng xóm là việc của mình và thấy vui khi được cùng chung tay góp sức.

Còn nhớ, lúc chúng tôi vào cấp 3, cả làng học sinh đều đi học bằng xe đạp. Vào mùa mưa đường đất sình lầy phải gửi xe xa cả cây số. Những cô chú nhà ở đường cái (đường nhựa) cho chúng tôi gửi nhờ xe qua đêm, không kể chuyện để xe chật chội, dắt ra vô bẩn nhà mà còn phải thức sớm để mở cửa cho chúng tôi lấy xe. Các cửa hàng sửa xe đạp hầu như đều cho mượn bơm xe đạp miễn phí. Hình ảnh mùa đông lạnh giá, sáng sớm các cô chú co ro mở cửa để chúng tôi lấy xe đi học là hình ảnh thân thương, nhớ mãi…

Và tôi nhớ âm thanh ngày mùa nhộn nhịp, í ới gọi nhau từ tờ mờ sớm, vần công giúp nhau qua lại không tính toán thiệt hơn. Những trận mưa bão tơi bời, gió đánh sập mái đình, trường học, nhà cửa, bão lũ đi qua một năm mười mấy lượt nhưng đâu lại vào đấy, mùa màng lại tốt tươi, bãi dâu xanh ngát và những nong tằm óng ả. Những trận bóng của các cầu thủ trong làng bụi mù một góc sân đình vào buổi trưa hay tiếng guitar thùng hàng xóm rộn ràng mỗi đêm của đám trai trẻ. Tiếng à ơi ru con trong chiếc nôi tre trưa hè, tiếng đàn cò của chú Bảy Líu xàng xê mỗi sáng mỗi chiều. Cả tiếng chửi vọng sang nhà hàng xóm mỗi khi ai đó mất trộm con gà, trái mướp. Tiếng gàu cạ vào thành giếng buổi sớm mai.

Tất thảy miền yêu thương vang vọng, hằn sâu trong tiềm thức làm tôi nhớ quê. Nhớ tuổi thơ tôi một thời khốn khó nhưng đầy ắp yêu thương.

HOÀI HƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ bài vè quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO