Tàu cá của ngư dân huyện Thăng Bình bị tàu vận tải Giao Thủy 01 đâm chìm trên vùng biển cách đảo Cù Lao Chàm (TP. Hội An) 20 hải lý về phía đông. Lập tức, bản tin “Một tàu cá bị đâm chìm trên biển” được nhiều báo loan đi. Quán tính có điều kiện, tôi giật mình khi các báo đều giật tít vừa chính xác vừa rất câu view như thế. Đọc kỹ bản tin, nhẹ lòng một chút vì tai nạn không làm thiệt hại về người; tàu chìm, các bên sẽ thương lượng thiệt hại sau hải trình kết thúc. Giật mình là bởi các tin kiểu tương tự, thường làm tôi nghĩ đến những con “tàu lạ” nào đó, mà thường lắm khi không hề lạ chút nào. Cách gọi “tàu lạ” rất vô danh nhưng lại cài đặt sẵn trong lòng bạn đọc về một chính danh nào đó. Những con “tàu lạ” trên đại dương mịt mùng, như cơn bão đen đang vồ các tàu đánh cá của ngư dân mình. Nên làm ơn, đừng câu view với những tai nạn trên biển. Nhất là khi hôm qua 14.3, rất nhiều nơi trên cả nước tổ chức Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ của ta hy sinh trong trận đánh với Trung Quốc để bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa).
Tôi và các đồng nghiệp từng được cùng với chiến sĩ hải quân thả hoa đăng giữa đại dương trong Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma. Cảm xúc choáng ngợp toàn bộ tâm trí về lòng dũng cảm, về cảm giác biết ơn vô cùng đối với các anh. Gió thốc vị mặn của biển khiến tôi rùng mình bởi như đang nghe thấy vị của máu xương các anh hòa lẫn vào lòng biển Tổ quốc. Cũng đã gần 15 năm trôi qua. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến những thước phim tư liệu về trận hải chiến Gạc Ma. Nhưng tính đến giêng hai Mậu Tuất 2018 này, khi trận Gạc Ma xảy ra đã 30 năm thì có lẽ sự nhận biết của tôi là quá muộn.
Tháng 12 năm ngoái, mẹ Ngò mất. Mẹ Trương Thị Ngò (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường – liệt sĩ duy nhất của Quảng Nam hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Ở nơi nào đó, mẹ Ngò có gặp được anh Cường? Bao nhiêu đằng đẵng chờ đợi đứa con nằm lại dưới lòng biển sâu rồi khép lại. Nhưng không hy sinh nào vô nghĩa. Và tượng đài tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma đã được dựng lên ở Khánh Hòa để bao người đến vọng anh linh các anh, thấm giá trị hòa bình có được.
Ông bà xưa có câu “Trần sao âm vậy!”, nên hẳn các anh ấm lòng nhưng chưa yên lòng khi Hoàng Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn còn nằm trong tay ngoại bang.
C.B.L