Nhà anh Ba Phú Phong ở xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) nằm sát mép một nhánh của con sông Bà Rén. Biết mưa lũ xuất hiện chắc chắn những bầy cá lớn mang đầy bụng trứng ở biền Mông Lãnh cũng như dưới sông cái sẽ ức nước bơi lên đẻ nên cuối tháng 7 dương lịch vừa rồi anh Ba bỏ ra 500 nghìn đồng mua tre già về đan bung và đăng để đặt cá. Sau gần 2 tháng miệt mài chẻ và đan, trước khi cơn bão số 10 hình thành, mọi khâu hoàn tất, lão nông ngoài 60 tuổi này khẩn trương tiến hành việc lắp ráp. Cái bung có chiều cao hơn 2 mét và đường kính to bằng ba người ôm anh đặt ở giữa sông, còn những tấm đăng dày cộm thì được giăng hai bên, xung quanh là những trụ tre chằng chống chắc nịch.
Bão số 10 áp sát bờ, trời mưa dầm, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến những con cá gáy, cá leo, cá chình, cá tràu, cá diếc quá ức nước. Chịu không nổi, chúng rủ nhau ngược dòng bơi lên và cứ thế tất cả đều lần lượt lọt vào cái bung to đùng mà anh Ba đã đặt sẵn. Anh Ba Phú Phong kể: “Chú Tư mi biết không, hôm con nước đầu ấy xuất hiện, cá lớn chui vào bung nhiều vô kể. Riêng ngày 29 và 30.9 vừa rồi, cứ bình quân 45 phút tui tháo bung trút cá một lần. Hễ cá rời khỏi bung là có mấy người buôn lớn ở chợ Bà Rén, Nam Phước, Hương An đến tận nơi cân mua, đưa tiền tươi rồi vội vã chở xuống Hội An, ra Đà Nẵng bán. Nói chú mừng, đợt đó tui kiếm được hơn 12 triệu đồng. Với nhà nông, số tiền này là không phải nhỏ”. Theo anh Ba, từ nay đến đầu tháng 12, nếu mưa lũ xuất hiện thêm vài đợt thì chuyện kiếm 30 - 50 triệu đồng nữa là điều chẳng khó.
Nhà cũng gần sông nhưng lâu nay anh Tám Nhơn Bồi ở xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) không đặt bung như anh Ba Phú Phong mà lại chọn cách thả rớ dàn để bắt cá. Cách đây hơn 1 tuần, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 10, với đôi rớ dàn loại lớn của mình, vợ chồng anh Tám thu về ít nhất 7 triệu đồng. Anh Tám chia sẻ: “Vụ hè thu vừa rồi, cả 3 sào lúa đều bị mất mùa nên tằn tiện lắm thì mới đủ gạo ăn đến kỳ giáp hạt. Vì thế, số tiền kiếm được từ việc bán cá ấy tui sẽ để dành để lo cho 4 đứa nhỏ học hành, chứ heo bò không nuôi, gà vịt không có, biết lấy chi xoay xở”. Theo anh Tám, ngoại trừ năm ngoái lũ không xuất hiện, còn mấy năm trước mùa mưa bão nào anh cũng bỏ túi 20-30 triệu đồng tiền bán cá từ đôi rớ dàn ấy. Và, anh hy vọng thời gian tới ông trời sẽ tiếp tục mang lộc đến cho mình...
Những ngày mưa gió vừa qua, tác nghiệp tại các vùng rốn lũ của huyện Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc, Nông Sơn và thành phố Hội An, Tư Ruộng tôi cũng thấy rất nhiều người kiếm được bộn tiền từ việc đặt đó, nò, bung, rớ bắt cá đồng. Trong thời buổi khó khăn này, chuyện nhà nông mình có thêm nguồn thu nhập lớn nhờ cái nghề sông nước ấy là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, ở một số nơi, không ít người vì quá ham lộc mà quên mất luật. Nói thẳng ra là, dù lệnh cấm đánh bắt cá bằng xung điện đã có hiệu lực từ rất lâu rồi nhưng thực tế cho thấy cảnh này vẫn cứ diễn ra một cách tràn lan và hết sức công khai khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nghiêm trọng. Thiết nghĩ, thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm, nhất là chính quyền cấp cơ sở cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn để sớm dẹp bỏ tình trạng đáng báo động trên...
TƯ RUỘNG