Nhớ nhà báo, liệt sĩ Huỳnh Minh Ngọc

HÀ DƯƠNG 21/06/2013 07:54

Sinh ra tại vùng quê miền biển xã Tam Giang (Núi Thành), cuộc đời của Huỳnh Minh Ngọc trải qua tuổi thơ êm đềm, được cắp sách đến trường và phụ cha mẹ làm ngư nghiệp. Thông minh và nhanh nhạy, những ngày ngồi dưới mái trường phổ thông Ngọc luôn là người được bạn bè và thầy cô yêu mến vì thành tích học tập tốt, nhất là các môn tự nhiên…

Kỷ niệm về người anh trai thân thương, anh Huỳnh Văn Thi (còn gọi là Út Mười) chia sẻ: “Tôi nghe cha mẹ kể về người anh trai có đôi mắt sáng, tấm lòng bộc trực. Là con trai đầu nhưng anh xung phong lên đường đánh giặc. Trong ký ức của anh ngày đó, anh trai mình với tư thế  hiên ngang đi vào chiến trường”.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, Ngọc tình nguyện gia nhập Đài Minh ngữ thuộc Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ (TTXGPTTB), lúc đó anh tròn 16 tuổi. Suốt thời gian dài đóng quân tại vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, Ngọc vừa học tập làm báo vụ vừa cầm súng giết giặc. Bước chân anh đã in dấu nhiều nơi như Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước), Nước Xa (Trà My)…

Tình hình trên chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt khi quân Mỹ và chư hầu liên tục đổ vào miền Nam tấn công vào vùng giải phóng Khu V và Đông Nam Bộ. Dù được trang bị tận răng, nhưng Mỹ đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đội quân đựơc trang bị vũ khí chỉ với thủ pháo, súng AK… Điển hình là trận Núi Thành, đại đội của ta đã tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ đang đồn trú trong công sự kiên cố lại có phi pháo yểm trợ đắc lực. Ngay sau khi chiến thắng, TTXGPTTB lập tức “lên sóng” đưa tin để cả thế giới biết về sự kiện quan trọng này, khẳng định điều chắc chắn là “quân đội Việt Nam có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ”.

Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, những chàng trai, cô gái nhà báo - chiến sĩ, trong đó có Huỳnh Minh Ngọc trực tiếp cầm súng chiến đấu chống trả những trận càn quét của quân thù đổ bộ bằng trực thăng tại những nơi cơ quan đóng quân. Phải di chuyển liên tục để tránh bị địch phát hiện và đảm bảo ổn định công tác thông tin liên lạc, Huỳnh Minh Ngọc và các anh chị em phóng viên, điện báo viên bám sát địa bàn cùng bà con dân tộc, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau phát cây trồng rẫy, săn bắn thú rừng. Bữa cơm chiến trường có khi chỉ có ốc đá, rau rừng cầm hơi, tuyệt nhiên không ai tơ hào đến nương rẫy, tài sản của đồng bào… Vì thế, những nơi TTXGPTTB từng đứng chân đều dành được tình cảm yêu mến của đồng bào.

Năm 1972, cục diện chiến trường miền Nam có chuyển biến mới, nhận được lệnh điều động của cơ quan, Huỳnh Minh Ngọc lên đường nhận nhiệm vụ mới. Trong đợt này có hai cán bộ trẻ tăng cường cho mặt trận Kon Tum là Huỳnh Minh Ngọc và Nguyễn Tiến Dũng, đều là cán bộ của TTXGPTTB.

Tại mặt trận mới, Huỳnh Minh Ngọc hăng say tác nghiệp và chiến đấu. Tiếc thay, trong trận chống càn tháng 7.1972, Ngọc đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Diêu Bình (Đắc Tô, Kon Tum). Mãi đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tin anh hy sinh mới về đến gia đình. Dù đau thương nhưng người thân của anh rất tự hào có người con đứng trong hàng ngũ cách mạng, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp độc lập của dân tộc. Tiếp bước anh, những người em của Huỳnh Minh Ngọc lần lượt gia nhập lực lượng vũ trang…

Trong cuốn “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” của Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1996, cùng với hơn 400 gương là nhà báo liệt sĩ, tên tuổi liệt sĩ Huỳnh Minh Ngọc được ghi thêm dòng trân trọng: “Một mình anh đánh đuổi một đại đội địch…”.

HÀ DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ nhà báo, liệt sĩ Huỳnh Minh Ngọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO