Nhà văn Đà Linh (Nguyễn Đức Hùng), nguyên Phó Giám đốc Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng đã qua đời tại Hà Nội sau gần ba tháng chống chọi với căn bệnh nan y. Tin buồn đến lúc 9h45 sáng 30.9.2013, anh Đà Linh ra đi để lại bao tiếc thương cho bao người thân, bạn bè văn nghệ...
Từ đầu tháng 7. 2013, khi nghe tin anh lâm bệnh hiểm nghèo đang phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức, anh em Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cấp tốc tổ chức một chuyến xe để có đông đủ anh em ra Hà Nội thăm anh. Anh nằm trên giường bệnh, liên tục nhăn mặt chịu đựng những cơn đau, nhưng đôi mắt vẫn sáng lên đầy sức sống khi anh nén đau gượng cười hỏi thăm từng anh em một về gia đình, công việc... Anh dặn dò chúng tôi phải cẩn thận, giữ sức khỏe. Còn chúng tôi phải hết sức trấn tĩnh để giữ được vẻ bình thường hỏi han trò chuyện với anh, sau khi đọc được bệnh án anh trên giường bệnh rằng căn bệnh ung thư của anh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Khi đến lúc phải nắm tay anh từ biệt để trở về Đà Nẵng, chúng tôi ai cũng nhói lòng vì nghĩ rằng đây là cái cầm tay cuối cùng với anh, là lúc đang vĩnh biệt anh. Trong cơn đau, anh lặng lẽ nhìn theo chúng tôi...
Nhà văn Đà Linh (phải) với nhà phê bình Thái Bá Vân (tháng 6.1998, tại Hà Nội). Ảnh: Ng. Đình Toán |
Vậy mà, khi nhận được tin anh đã trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi vẫn không thể nào không bàng hoàng. Trong sâu xa, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi bệnh tình anh và thầm cầu mong một phép màu trong cuộc đời sẽ xảy ra, phép màu linh ứng để anh còn có thể trở về Đà Nẵng gặp anh em, bạn bè như ngày xưa...
Mấy hôm nay, Nhà xuất bản Đà Nẵng bao trùm một không khí đau buồn, tiếc thương anh. Đà Linh là kế toán trưởng từ những ngày đầu thành lập nhà xuất bản năm 1984, rồi chuyển qua làm công tác biên tập sau khi theo học khóa xuất bản 1987 - 1990 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Hà Nội, đảm nhiệm chức Trưởng ban Biên tập rồi Tổng Biên tập Nhà xuất bản. dù trong công việc khó có thể tránh được những lúc, những việc tranh cãi, bất đồng, nhưng anh em nhà xuất bản không ai không công nhận anh Đà Linh là một lãnh đạo có uy tín, có tầm nhìn, có tài năng và tâm huyết, đặc biệt là trí nhớ siêu phàm và khả năng thuyết phục người khác. Cái tâm, cái tầm của một Tổng Biên tập như anh đã cuốn hút về Nhà xuất bản Đà Nẵng những cộng tác viên tầm cỡ với những đóng góp to lớn cho các công trình xuất bản như Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài, Nguyễn Trung Đức, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Trung Quốc, Nguyên Ngọc, F. Jullien... Nếu không có sự xoay trần lăn lộn làm việc mọi lúc mọi nơi với cộng tác viên và tài động viên thuyết phục đội ngũ biên tập, cán bộ, công nhân viên nhà xuất bản lao vào công việc của Tổng Biên tập Nguyễn Đức Hùng, chắc rằng nhà xuất bản khó có thể có những công trình, tác phẩm được dư luận bạn đọc đánh giá cao hoặc gây ra nhiều sóng gió như Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Văn - Thơ - Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Minh triết phương Đông và Triết lý phương Tây, Đường vòng và lối vào, Bàn về cái nhạt, Bàn về chữ thời, Đại tượng vô hình, Ba người khác, Cõi người rung chuông tận thế, China Town, Trần Dần thơ...
Một phần tư thế kỷ gắn bó và cống hiến cho Nhà xuất bản, anh thực sự là một ngọn lửa cháy đến tận cùng và có sức lan tỏa sự nóng ấm nồng nhiệt đến mọi người. Nếu hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống là phải sống hết mình cho công việc và để không bao giờ bị lãng quên ở nơi mình từng sống, thì anh chính là người đã có niềm hạnh phúc ấy thật trọn vẹn. Không ai ở nhà xuất bản có thể quên anh.
Và anh em trong giới văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, cả nước cũng sẽ khó mà quên được anh. Với bút danh Đà Linh trên các tác phẩm ngắn, sắc và lạ, anh đã để lại dấu ấn nhà văn trong lòng bạn đọc với các tập truyện Giấc mơ của dòng sông, Nàng Kim Chi sáu ngón, Truyện của người, Vĩnh biệt cây vông đồng..., tập tiểu luận Lấp lánh đất Quảng và nhiều đầu sách dịch văn học Pháp... Có thể nói, cùng với một số anh em, anh chính là người nhiệt thành nhất trong việc vận động thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn Đà Nẵng mà anh đã đảm đương chức Chi hội phó, Phó Tổng thư ký trong nhiệm kỳ đầu...
Tôi với anh càng nhiều duyên nợ. Là người em cùng quê Núi Thành (anh ở Tam Giang phía biển, tôi thuộc Tam Mỹ phía núi), cùng gắn bó với nghề biên tập sách khi tôi là biên tập viên còn anh là lãnh đạo biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, lần lượt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và cùng tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Đà Nẵng ngay sau khi thành lập. tôi không thể kể hết những gì mình đã gắn bó cùng anh trong cuộc sống, trong công việc mà anh luôn tỏ ra và xứng đáng là một ông anh dẫn dắt đứa em, dù không ít lúc anh em tranh cãi giận trách nhau... Trong thâm tâm, tôi vẫn biết mình còn mang nợ anh nhiều việc, nhất là khi anh chuyển về Nhà xuất bản Lao động sau một biến cố buồn.
Ngày 2.10 chúng tôi ra Hà Nội để tiễn anh về cõi vĩnh hằng. Những gì anh với tư cách Nhà văn Đà Linh hay Tổng biên tập Nguyễn Đức Hùng, đều sẽ còn lại mãi trong sự quặn thắt tiếc thương anh của chúng tôi, của mọi người!
NGUYỄN KIM HUY