(QNO) - Trưa một ngày đông chưa tàn, đi làm về, bà xã kể chuyện chợ búa, giá cả. Mình chỉ chú ý chi tiết này: bà ấy không định mua củ gừng vì còn quá sớm mới đến tết, nhưng cuối cùng lại mua vì thấy thương thương cô bé bán gừng gầy gò, nài nỉ…Định mua vài ngàn, sau đó lại mua nhiều hơn về làm mứt sớm, nhai lai rai lúc đông về lành lạnh cũng thú vị, hay hay… Lát sau, tình cờ trở lại chỗ cũ, cô bé mừng rỡ khoe nhờ cô nhẹ vía, mua mở hàng cho con chừ bán hết trơn rồi…
Bánh tráng Quảng Nam ở chợ Bà Hoa |
Nghe xong, thấy yêu yêu bà xã hơn một chút. Rồi bỗng nhiên nhớ lại một chuyện thời xa lắc xa lơ…
Chuyện là… Chiều ba mươi tết một năm của những năm bảy mươi ở thế kỷ hai mươi tại thị trấn nhỏ, nghèo và buồn trong hoàn cảnh chiến tranh. Vì thế, khoảng năm sáu giờ chiều ba mươi thì đã vắng người mua sắm rồi.
Có hai chị em: chị khoảng mười một, mười hai tuổi; em trai nhỏ hơn khoảng hai, ba tuổi. Cả hai gầy gò, mặc phong phanh, nhưng linh lợi và háo hức đi mua sắm ngày cuối năm. Cả hai hỏi mua một cây đèn dầu hỏa (thường gọi là đèn hột vịt - loại bình thường thôi). Người em nói nên mua cái đèn lớn lớn một chút cho sáng, chị hỉ. Người chị xòe tay, ngó số tiền cuộn tròn rồi lắc lắc cái đầu, gương mặt già đi: mua cái nhỏ thôi em, vừa ít tốn tiền, vừa ít tốn dầu. Người em vội vàng đồng ý, chắc vì đã hiểu ra. Sau khi nghe người bán nói giá cây đèn, cả hai lộ rõ vẻ thất vọng, nhìn nhau rồi dắt nhau bỏ đi.
Mãi đến bây giờ, người bán hàng vẫn không hiểu hai đứa đi đâu, mua thêm cái gì - chắc là cần thiết hơn cái đèn - vào chiều tối ba mươi tết ấy? Nhưng giờ vẫn còn trong lòng người ấy sự nuối tiếc: sao lúc đó mình không giúp một chút ánh sáng cho đêm ba mươi ở nơi hai đứa chờ xuân? Sao vậy? Có lẽ vì hồi đó mình còn nhỏ quá, mình cũng hơn tuổi đó một chút - ăn chưa no, lo chưa tới - làm sao hiểu được giá trị ngọn đèn dầu đêm ba mươi tết nghèo ? Để rồi cứ buồn buồn, ray rứt mãi mỗi khi xuân về tết đến…
TRẦN NGỌC