Nhọc nhằn kiếm sống từ đồ phế thải...

NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG 28/03/2014 13:26

Họ đi khắp nơi  mua sắt, nhôm, nhựa, giấy vụn… hoặc lượm nhặt trên bãi rác rồi đem bán lại cho các điểm thu mua. Cuộc sống của những mảnh đời mưu sinh bằng đồ phế thải cứ thế lặng lẽ qua đi từng ngày.

Đã hai mươi năm nay, bà Trần Thị Hoa ở phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) hàng ngày vẫn trên chiếc xe đạp cũ, đi khắp nơi mua lon bia, giấy vụn, sắt, nhôm… để bán lại cho các điểm thu mua phế liệu. Cái công việc mà người ta gọi là buôn ve chai này, đã gắn bó với bà Hoa từ ngày bà còn trẻ. “Hồi đó làm nông không ra để nuôi mấy đứa con đi học. Tui nghe đâu người ta nói đi buôn ve chai được lắm nên vay tiền sắm xe đạp đi buôn ve chai. Riết rồi thành nghề đến chừ luôn” - bà Hoa cười. Với tuổi gần 70, lẽ ra bà Hoa “giải nghệ” nhưng vì cuộc sống còn khó khăn nên bà vẫn gắn bó với nghề. Theo lời bà, cái nghề này gian khổ vô cùng, tay chân lúc nào cũng bị trầy xước vì sắt thép. Rồi có khi đi cả ngày dang nắng dầm mưa mà chẳng mua được gì. Nhưng có lúc may mắn, mua được nhiều, chở đầy cả chiếc xe đạp, mồ hôi dầm dề, nhưng lúc ấy lại là những phút giây vui nhất của những người làm nghề buôn bán vật dụng phế thải như bà.

Với nghề buôn ve chai, ai cũng có thể làm. Chỉ cần số vốn khoảng một triệu đồng, biết được giá bán mua các loại sắt, nhôm, nhựa, trang bị một cái cân tay, sắm một chiếc xe đạp cà tàng là có thể hành nghề. Nhưng không phải ai cũng có thể thạo nghề và gắn bó lâu dài với nó. “Tuy dễ nhưng đã không ít người vào nghề rồi lại bỏ. Phải có “tay” buôn bán, chịu khó đạp xe đi rao khắp nơi, biết chấp nhận những ngày không mua được gì và nhiều thứ khổ cực nữa… thì may ra mới có thể tồn tại với nó” - bà Hoa chia sẻ thêm. Cũng kiếm tiền bằng những vật dụng thải ra, loại bỏ nhưng một số người đã chọn bãi rác để tìm kiếm lượm nhặt. Bãi xử lý rác thải của Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam xây dựng tại vùng đồi núi thôn Bích Sơn, Tam Xuân 2 (Núi Thành) là nơi kiếm sống của một số người dân trong khu vực. Hầu hết là  những phụ nữ đứng tuổi và trẻ em, ngày nào họ cũng có mặt nơi đây, chờ xe chở rác tới đổ để thu lượm vỏ chai, nhôm nhựa. Giấy vụn là thứ họ thu lượm được nhiều nhất, sau khi phơi khô, họ bán với giá 2.500 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị V. ở thôn Bích Sơn xã Tam Xuân 2 cho biết: “Tụi tui nhặt đồ phế thải tại đây đã mấy năm rồi, tuy cực khổ, hôi thối nhưng được cái là cũng kiếm được đồng ra đồng vào”. Tìm hiểu, mới hay nghề nhặt ve chai nơi bãi rác cũng lắm nhiêu khê. Có khi mọi người treo võng ở hàng cây “buôn dưa lê” đến ngán. Cũng có lúc xe chở rác tới đúng giữa trưa, họ tranh thủ cào bới, nhặt lượm từng mảnh giấy vụn, từng vỏ chai nhựa, từng miếng bìa các tông... “Công việc quá cực nhọc, dơ bẩn khiến con người nhiều lúc nổi điên nhưng tụi tui làm việc cùng nhau như thế này, lại thấy thương nhau lắm”- chị Lê Hoài T. tâm sự. Dù là buôn ve chai hay nhặt đồ phế thải nơi bãi rác, công việc mưu sinh của họ vẫn là công việc cực nhọc, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ không còn lựa chọn nào khác...

NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn kiếm sống từ đồ phế thải...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO